Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 35 -

Tội Của Tập Thể

 

Liền sau thế chiến thứ hai, các lực lượng đồng minh chiếm đóng tại Ðức đã đưa ra một nghị quyết, theo đó tất cả những ai đã gia nhập một nhóm hay một cộng đồng bị xem là gây ra tội ác chiến tranh đều có thể được đem ra xét xử. Ðó là lý do khiến tòa án tuyên bố tổ chức mật vụ Ðức Quốc xã bị kết án như một tổ chức tội phạm. Một cá nhân bị đưa ra tòa xét xử là chuyện thường tình, nhưng một tập thể bị đưa ra xét xử như một tổ chức tội phạm quả là điều mới mẻ trong nhân loại. Hành động xét xử này dĩ nhiên chỉ có giá trị về mặt pháp lý, thế còn về mặt luân lý thì sao? Gần đây chúng ta thường nghe nói đến tội của xã hội hoặc của cơ cấu hay tổ chức tội phạm phải hiểu tội của xã hội như thế nào? Có thể qui trách cho một xã hội hay một tổ chức một hành động tội ác không?

Thượng hội đồng Giám mục thế giới năm 1971 khi đề cập đến tội lỗi, không những nói đến tội của mỗi cá nhân, mà còn ghi nhận tội của toàn xã hội nữa. Hội nghị lần thứ ba của các Giám mục Châu Mỹ La-tinh nhóm tại Puebla năm 1979 cũng đã nhấn mạnh: Nếu tội cá nhân là một cắt đứt liên lạc với Chúa và làm cho con người ra xấu xa, thì trên bình diện tương quan giữa người với người luôn luôn có thái độ ích kỷ, tham lam, ghen tị, từ đó sinh ra bất công, bạo động, tham ô, hưởng thụ; như vậy có cả một cơ cấu hay hệ thống sinh ra tội.

Tuy nhiên người ta không thể căn cứ vào đó để nói đến tội tập thể. Ðó là lời cảnh cáo của Bộ Giáo lý Ðức tin trong Huấn thị về một số khía cạnh của Thần học Giải phóng ban hành năm 1984: "Không thể chối bỏ tội lỗi mà hậu quả đầu tiên là sự đảo lộn mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa bằng cách đổ lỗi cho điều được gọi là tội xã hội". Theo Bộ Giáo lý Ðức tin thì mầm mống của sự dữ nằm trong chính những cá nhân có tự do và trách nhiệm, những người cần phải được hoán cải nhờ ơn Chúa để sống và hành động như những tạo vật mới trong tình yêu tha nhân, trong nỗ lực tìm kiếm công lý, trong cố gắng làm chủ chính mình và thực thi các nhân đức.

Theo giáo huấn của Giáo Hội được trình bày qua một số văn kiện trên đây, chúng ta thấy rằng có những cơ cấu hay tổ chức tội ác, có những xã hội lôi kéo và đưa đẩy con người đến tội ác. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cá nhân hoàn toàn mất tự do và trách nhiệm. Cơn cám dỗ thông thường nhất của con người sống trong các xã hội đồi bại là người ta sao, tôi cũng vậy: Người ta dối trá, tôi không thể sống mà không dối trá. Ðành rằng "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", ảnh hưởng xấu của xã hội có thể làm cho lương tâm con người ra chai lì, nhưng điều đó không có nghĩa là con người hoàn toàn mất tự do và trách nhiệm về những hành động của mình. Con người không thể nại đến cơ cấu hay xã hội hoặc tội của xã hội để chối bỏ trách nhiệm của mình. Tội của xã hội không gì khác hơn là tổng số các tội của cá nhân. Chính tội của nhiều cá nhân cộng lại làm phát sinh hoặc nuôi dưỡng cơ cấu tội phạm; chính thái độ thiếu trách nhiệm hoặc thỏa hiệp của nhiều cá nhân làm phát sinh bất công. Một xã hội, một cơ cấu, một hoàn cảnh, tự nó không thể là chủ thể của những hành động luân lý và như vậy không thể phạm tội. Xét cho cùng, một hoàn cảnh tội lỗi luôn luôn chỉ có trong con người phạm tội mà thôi. Ðức Gioan Phaolô II viết trong Tông huấn "Hòa giải và Sám hối" như sau: "Những cơ cấu tội lỗi ăn rễ sâu trong tội lỗi cá nhân và do đó luôn gắn liền với những hành động cụ thể của những ai củng cố những cơ cấu ấy".

Có những cơ cấu làm dung dưỡng và phát sinh tội ác, đó là điều không thể chối cãi được. Vốn mang tính xã hội, con người liên đới với nhau ngay cả trong tội lỗi. Tội lỗi của cá nhân dù thầm kín riêng tư đến đâu cũng có âm hưởng trên xã hội, và ngược lại xã hội cũng luôn tạo ảnh hưởng trên cá nhân. Trách nhiệm của cá nhân trong tội ác gia giảm tùy ở ý thức luân lý của mỗi người. Tuy nhiên, nói đến ý thức, tự do và trách nhiệm cá nhân, do đó con người không thể qui lỗi cho xã hội để trút bỏ trách nhiệm của mình. "Thà đốt lên một ngọn nến hơn là ngồi đó nguyền rủa bóng tối", châm ngôn này đúng ngay cả trong lãnh vực luân lý. Thay vì đổ lỗi cho xã hội vì xã hội ấy đồi bại, thối nát, người kitô hữu không thể tự cho phép mình buông xuôi chạy theo dòng chảy của xã hội ấy.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page