Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 34 -

Chiều Kích Xã Hội Của Tội Lỗi

 

"Tất cả đều là con cái Chúa" đó là tựa đề của cuốn sách dày 416 trang xuất bản tại Hoa-kỳ năm 1995. Cuốn sách kể lại cuộc đời của một can phạm người Mỹ da đen tên là Willi Bosket hiện đang bị giam giữ trong một trung tâm cải huấn ở Nữu-ước. Năm 15 tuổi, Willi đã giết hai người trong một xe điện ngầm tại Nữu-ước. Hiện nay anh đã 32 tuổi và phải ở tù thêm 75 năm nữa vì thêm tội tấn công chính các quản giáo trong tù.

Theo sự trình bày của tác giả, mầm mống tội ác trong con người Willi đã có từ 30 năm trước, lúc mà tổ tiên của Willi là những nô lệ của người da trắng. Dòng máu bạo động đã sôi sục trong lòng tổ tiên của anh, nhưng ảnh hưởng quan trọng hơn vẫn là người cha của anh, ông này đã từng giết hai người trong tiệm cầm đồ bình dân chỉ vì họ không tỏ ra đủ tôn trọng đối với ông. Willi chào đời trong một hoàn cảnh gia đình như thế. Ðược mô tả là một cậu bé thông minh, đa tài, nhưng chẳng mấy chốc cậu cũng rơi vào vòng bạo động và tội ác như cha ông của cậu.

Câu chuyện trên gợi lại cho chúng ta câu nói quen thuộc của ông bà chúng ta: "Cha ăn mặn, con khát nước". Không ít thì nhiều, con cháu thường phải gánh chịu hậu quả của những hành động xấu của cha ông. Trong một cái nhìn rộng rãi hơn, chúng ta có thể nói tội lỗi mang tính xã hội.

Con người vốn có tính xã hội. Trong số 12 của Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng", khi nói về mầu nhiệm của con người, Công đồng Vaticanô II đã khẳng định: "Tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính, và nếu không liên lạc với những người khác, con người không thể sống và phát triển tài năng của mình". Chính vì mang xã hội tính, nên mỗi hành động của con người đều có âm hưởng đến xã hội. Như vậy, tội lỗi của cá nhân dù riêng rẽ đến đâu cũng là một hành động chống lại xã hội. Nói khác đi, khi làm điều ác, con người tự giam mình vào vỏ ốc ích kỷ của mình, và như vậy cắt đứt quan hệ với Thiên Chúa cũng như với người khác. Dưới khía cạnh này, không một tội lỗi nào mà không có hậu quả tiêu cực trên xã hội.

Những hình thức của ảnh hưởng tiêu cực do tội lỗi gây ra trên xã hội rất đa dạng. Có một số ảnh hưởng rõ ràng và trực tiếp, đó là trường hợp của tội được gọi là gương mù, gương xấu và cộng tác vào hành động xấu của người khác. Ngày nay một cách rộng rãi hơn, người ta cũng có thể nói đến hình thức tập thể của ảnh hưởng do tội lỗi tạo nên trong xã hội, chẳng hạn hành động cổ võ hận thù giai cấp, phân biệt chủng tộc, gieo rắc lối sống vô luân. Tất cả những hành động này rõ ràng tạo nên một ảnh hưởng tiêu cực trên đám đông. Một số ảnh hưởng của tội lỗi xã hội có tính mặc nhiên và gián tiếp, đó là trường hợp từ chối tuân hành những nghĩa vụ xã hội, chẳng hạn khi tôi không tuân hành luật lệ giao thông, tôi có thể gây ra tai nạn cho người khác hoặc cản trở việc lưu thông của người khác; khi tôi cờ bạc, rượu chè, những hành động của tôi ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình, và cả đến người chung quanh nữa. Như vậy, nặng hay nhẹ, ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp, không một hành động tội lỗi nào của tôi mà không gây thiệt hại cho người khác hay cho xã hội.

Theo cuốn nghi thức Hòa giải và Sám hối ban hành năm 1983 thì tội của mỗi người đều có âm hưởng một cách nào đó đến người khác. Nhìn dưới khía cạnh tôn giáo, đó là mặt trái của mầu nhiệm các thánh thông công: một tâm hồn được nâng cao thì cũng nâng cao thế giới, một tâm hồn bị hạ thấp thì cả thế giới cũng bị hạ thấp. Nói khác đi, không một tội nào, dù thầm kín hay cá nhân đến đâu, cũng có âm hưởng đến người khác. Có những hành động tội lỗi mang tính xã hội rõ rệt: trước hết là những tội đi ngược lại tình yêu tha nhân, kế đến là những tội lỗi đức công bình trong các quan hệ giữa người với người. Cũng gọi là tội xã hội tất cả những hành động vi phạm đến quyền cơ bản của con người, như quyền được sinh ra, quyền được sống, quyền được toàn vẹn trong thân xác. Xúc phạm tự do của người khác, cách riêng tự do tôn giáo, cũng là một cái tội xã hội, và dĩ nhiên phạm đến công ích cũng là một cái tội xã hội. Ngoài ra, chúng ta có thể gọi là tội xã hội những hành động đi ngược các quan hệ giữa các cộng đồng nhân loại, như quốc gia, dân tộc, hay quyền lợi của bất cứ tổ chức tôn giáo nào.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page