Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 33 -

Chiều Kích Giáo Hội Của Tội Lỗi

 

Trong thông cáo chung ngày 01 tháng 10 năm 1995 gởi đến toàn thể Dân Chúa tại Việt Nam, các Giám Mục Việt Nam đã nhận ra một phần trách nhiệm của mình khi viết: "Chúng tôi nhìn nhận đã có nhiều thiếu sót khiến bộ mặt Giáo Hội trên đất nước chúng ta chưa phản ánh đầy đủ dung mạo thánh thiện và phong phú của Chúa Kitô". Lời thú nhận này có thể là một lời mời gọi để tất cả chúng ta suy nghĩ về chiều kích Giáo Hội của tội lỗi.

Mỗi kitô hữu là một thành phần của Giáo Hội, do đó tội lỗi của mỗi cá nhân có một ảnh hưởng tiêu cực đối với Giáo Hội, đó là một chân lý đã được Giáo Hội truyền dạy một cách minh bạch. Tiêu biểu và quan trọng hơn cả là giáo huấn của Giáo Hội được ghi trong số 11 của Hiến chế về Mầu nhiệm Giáo Hội, Công đồng viết:

"Những ai đến lãnh nhận Bí tích Giải tội đều được Thiên Chúa nhân từ tha thứ những xúc phạm đến Ngài. Ðồng thời họ được giao hòa cùng Giáo Hội mà tội lỗi đã làm tổn thương. Nhưng Giáo Hội hằng nỗ lực lấy đức ái, gương lành và kinh nguyện để hoán cải họ".

Như vậy tội lỗi là một vết thương mà kitô hữu gây trên chính Thân Thể Chúa Kitô là Giáo Hội. Tội lỗi của kitô hữu làm hoen ố và hạ giảm tính khả tín của Giáo Hội. Tội lỗi vốn là một xúc phạm đến Thiên Chúa, tội lỗi là một bẻ gãy mối tương quan với Thiên Chúa, do đó không thể phạm tội làm điều ác mà không xúc phạm đến Thiên Chúa. Lại nữa, niềm tin kitô không phải chỉ là một phần riêng tư trong cuộc sống con người, mà là chiều kích bao trùm toàn thể cuộc sống. Ðã là một kitô hữu, thì mọi hành động đều là một thể hiện hoặc một chối bỏ niềm tin Kitô. Do đó, là thành phần của Giáo Hội, hành động nào của kitô hữu cũng đều ảnh hưởng đến chính Giáo Hội: một hành động tốt đóng góp vào việc xây dựng Giáo Hội, một hành động xấu là một vết thương trên chính thân thể Giáo Hội.

Giáo Hội đã muốn nêu bật điều đó qua nghi thức Bí tích Giải tội. Vị linh mục ngồi trong tòa cáo giải là đại diện của Giáo Hội, người kitô hữu đến đó không chỉ để xưng thú tội lỗi của mình, mà còn để được Giáo Hội tha thứ và được giao hòa với Giáo Hội. Ðiều này cũng được nhắc nhở ở mỗi đầu Thánh lễ: khi các kitô hữu đọc Kinh Cáo mình, họ không chỉ xưng thú với Chúa, mà còn với những người anh em của mình nữa, những người anh em ấy là thành phần của một Giáo Hội mà do tội lỗi người kitô hữu xúc phạm và gây thương tích.

Người kitô hữu xúc phạm và gây thương tích cho Giáo Hội vì tội lỗi của mình, thế còn chính Giáo Hội thì sao? Có thể nói đến tội của Giáo Hội không? Công đồng Vaticanô II quả thực đã không bao giờ dùng công thức "Giáo Hội tội lỗi". Trong Kinh Tin Kính, chúng ta vốn tuyên xưng Giáo Hội thánh thiện. Thật thế, xét như là Thân Thể Mầu nhiệm của Chúa Kitô, và là Hiền thê của Ngài, Giáo Hội tự bản chất là thánh thiện. Nếu hiểu tội lỗi theo đúng nghĩa của nó, nghĩa là một sự đảo lộn trật tự luân lý, được thực hiện với ý thức và tự do, thì dĩ nhiên chúng ta không thể nói Giáo Hội tội lỗi được. Trách nhiệm luân lý vốn là một trách nhiệm cá nhân. Lại nữa, Giáo Hội hoàn toàn không thể giản lược vào tổng số của các kitô hữu, Giáo Hội là một thực thể thánh thiện vượt trên cả tổng số ấy.

Như vậy, khi nói về tội lỗi trong tương quan với Giáo Hội, chúng ta chỉ có thể nói rằng trong Giáo Hội có tội lỗi bởi vì Giáo Hội gồm những con người yếu đuối, và cho dù là những con người tội lỗi, các tội nhân vẫn là thành phần của Giáo Hội. Nhiều người nói đến những lỗi lầm lịch sử của Giáo Hội, đây là những lỗi lầm mà Giáo Hội đã mắc phải khi thực thi sứ mệnh cứu rỗi của mình trong trần thế, và đây cũng là tổng số những tội lỗi của các kitô hữu trong dòng lịch sử. Nhưng bởi vì các kitô hữu là thành phần của Giáo Hội, nên dù muốn hay không muốn, Giáo Hội cũng phải gánh chịu một phần trách nhiệm về những lỗi lầm lịch sử ấy.

Giáo Hội thánh thiện, nhưng lại gồm những con người tội lỗi. Ý thức về thực tế ấy, Giáo Hội không ngừng kêu gọi sám hối và chính mình thực thi sám hối. Về điểm này, chúng ta cùng đọc lại số 827 trong sách Giáo Lý Mới của Giáo Hội Công giáo:

"Chúa Kitô là Ðấng Thánh, vô tội và không tì vết, Ngài không hề biết đến tội lỗi, nhưng chỉ đến để đền bù tội lỗi của dân. Tuy nhiên, Giáo Hội thì lại gồm những tội nhân trong lòng mình, cho nên Giáo Hội vừa thánh thiện, vừa được kêu gọi hãy tự thanh tẩy và không ngừng đi theo con đường sám hối và đổi mới. Tất cả các thành phần của Giáo Hội, kể cả các thừa tác viên, đều cần nhìn nhận rằng mình là những tội nhân. Trong mỗi người cỏ lùng của tội lỗi vẫn còn lẫn lộn với lúa tốt của Tin Mừng cho đến ngày tận thế. Như vậy Giáo Hội tập hợp các tội nhân, dù đã được Chúa Kitô cứu rỗi vẫn còn trên con đường nên thánh".

Trích dẫn lời Ðức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI, sách Giáo lý viết tiếp:

"Mặc dù gồm có những tội nhân trong lòng mình, Giáo Hội vẫn thánh thiện, bởi vì Giáo Hội không có sự sống nào khác ngoài sự sống của ân sủng; nếu các thành phần của Giáo Hội sống bằng sự sống của Giáo Hội, thì họ được thánh hóa; nếu họ tách lìa sự sống đó, họ sa vào vòng tội lỗi và hỗn loạn khiến cho sự thánh thiện của Giáo Hội không thể tỏa sáng. Ðó là lý do khiến Giáo Hội đau khổ và sám hối vì những xúc phạm đó".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page