Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 32 -

Ðánh Mất Ý Thức Về Tội Lỗi

 

Con người thời đại vốn nhìn nhận tội ác như một sự kiện không thể chối cãi được: Hàng ngày, các phương tiện truyền thông đại chúng mang lại cho chúng ta biết bao hình ảnh về tội ác. Nhưng dường như trong thâm tâm, con người thời đại lại muốn xóa bỏ mọi ý niệm về tội lỗi. Trình bày chân lý về con người, chúng ta không thể không nói đến tội lỗi; không thể đào luyện một lương tâm ngay lành mà không nói đến tội lỗi.

Nhận xét chung mà người ta có thể đưa ra về con người thời đại chính là sự đánh mất dần ý thức về tội lỗi. Tội ác diễn ra khắp nơi và hàng ngày đã đành, mà trong suy nghĩ của con người, ranh giới giữa thiện và ác xem chừng không còn nữa, điều xấu ngày càng được hợp thức hóa. Hãy lấy một thí dụ: Phá thai đang được nhiều người đấu tranh như một quyền của con người. Tội đi đôi với lỗi: trong khi ý thức về lỗi ngày càng tăng thì ý thức về tội ngày càng giảm; người ta nhận ra điều mình làm là sai trái, nhưng không chấp nhận đó là một cái tội. Nói đến ý thức về tội lỗi, Ðức Cố Giáo Hoàng Piô XII đã nhận định: "Ngày nay có lẽ cái tội lớn nhất của thế giới là đánh mất ý thức về tội lỗi". Tại sao con người thời đại đánh mất dần ý thức về tội lỗi? Câu trả lời đơn giản là con người đang loại dần Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.

Trên môi miệng của một trong các nhân vật trong các tác phẩm của văn hào Nga Dostoievki đã nói: "Nếu Thiên Chúa không hiện hữu thì mọi sự đều được phép". Nếu Hitler đã có thể sát hại sáu triệu người Do-thái và gây ra bao đau khổ cho nhân loại là bởi ông không hề tin có Thiên Chúa; nếu Pônpốt đã cho phép mình giết hơn hai triệu đồng bào ruột thịt là bởi ông muốn xây dựng một xã hội không có niềm tin tôn giáo. Ðây là điều xem ra rất hợp lý: Khi con người loại trừ Thiên Chúa, thì con người phải tự đặt mình lên hàng Thiên Chúa và tự ban cho mình quyền sinh sát trên người khác. Trong bài giáo lý ngày 08 tháng 3 năm 1972, Ðức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã phân tích thái độ ấy như sau:

"Não trạng của thời đại chúng ta chẳng những không muốn bàn đến tội lỗi, mà còn không muốn nói đến nó nữa. Xem chừng tội lỗi đã trở thành một từ ngữ lỗi thời, một từ ngữ gây phiền hà, một từ ngữ không êm tai chút nào. Chúng ta hiểu tại sao ý niệm tội lỗi vốn gợi lên hai thực tại mà con người thời đại không muốn quan tâm đến: một là thực tại siêu việt, tuyệt đối, sống động, toàn năng, mầu nhiệm, không thể chối bỏ được là Thiên Chúa, một Thiên Chúa Tạo Hóa, Ðấng làm cho các tạo vật được hiện hữu; và một thực tại có tính chủ quan và liên hệ đến con người, một thực tại luân lý và siêu hình, đó là tương quan của những hành động của chúng ta với Thiên Chúa, Ðấng đang hiện hữu và thông biết mọi sự".

Quả thật, con người không thể tước bỏ mối tương quan của những hành động của mình với Thiên Chúa. Con người vốn được tạo dựng có tự do, nhưng tự do đích thực chỉ được xác định trong tương quan với Ðấng Tạo Hóa mà thôi. Ðòi hỏi cho chính mình tự do tuyệt đối, điều đó không chỉ có nghĩa là cắt đứt mọi tương quan với Thiên Chúa, chối bỏ sự hiện hữu của Ngài, mà còn là chối bỏ chính tự do nữa. Trong số 13 của Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" Công đồng Vaticanô II đã nói đến thảm cảnh của nhân loại:

"Nhiều khi vì từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa như nguyên ủy của mình, con người cũng phá đổ trật tự phải có để đạt tới cùng đích của mình, đồng thời phá vỡ mọi hòa hợp nơi chính bản thân cũng như đối với người khác và với mọi thụ tạo. Vậy trong chính con người đã có sự chia rẽ. Vì thế tất cả cuộc sống của con người, hoặc cá nhân, hoặc tập thể, đều biểu hiện như một cuộc chiến, dĩ nhiên là bi thảm, giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và tối tăm. Hơn nữa, con người thấy mình không đủ sức khi phải tự mình chiến thắng hữu hiệu những tấn công của sự dữ đến nỗi mỗi người cảm thấy dường như bị xiềng xích trói buộc".

Sống trong tội lỗi, cảm nhận được sức nặng của tội lỗi, nhưng không muốn chấp nhận thực tại và ngay cả ý niệm về tội lỗi, đó là thảm cảnh của con người thời đại. Chối bỏ tội lỗi cũng đồng nghĩa với chối bỏ Thiên Chúa, và chối bỏ Thiên Chúa cũng có nghĩa là khước từ ơn cứu rỗi của Ngài, do đó con người tự đặt mình lên ngang hàng Thiên Chúa và Ðấng cứu rỗi của chính mình. Con đường giải thoát mà con người tự vẽ ra cho mình mãi mãi là cái vòng luẩn quẩn giam hãm con người trong tội lỗi: con người chối bỏ Thiên Chúa để tự nâng mình lên ngang hàng Thiên Chúa, nhưng đó cũng là một hành động chối bỏ chính mình. Con người chối bỏ phẩm giá của chính mình bằng những hành động chối bỏ phẩm giá của tha nhân. Xét cho cùng, đó là một cuộc tự hủy bởi vì chối bỏ Thiên Chúa là tự chối bỏ và tự hủy chính mình. Ðức Gioan Phaolô II đã có lý khi gọi nền văn minh của nhân loại ngày nay là một nền văn minh chết chóc.

Tội lỗi vốn là một thực tại không thể chối cãi được trong cuộc sống con người. Ðào luyện một lương tâm lành mạnh là đào luyện một ý thức bén nhạy trước tội lỗi; và chỉ trong tương quan với Thiên Chúa, con người mới hiểu được thế nào là tội lỗi mà thôi.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page