Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 31 -

Một Hành Ðộng Có Hai Hậu Quả

 

Thế giới mới kỷ niệm đúng 50 năm ngày chấm dứt thế chiến thứ hai. Cùng với cuộc kỷ niệm ấy, thế giới cũng tưởng niệm cuộc tàn phá kinh hoàng mà hai trái bom nguyên tử ném xuống Hirosyma và Nagasaki của Nhật Bản. Người ta có thể nhìn lại biến cố này dưới nhiều góc độ khác nhau: nhiều người cho rằng nếu hai trái bom nguyên tử không được ném xuống Nhật Bản thì chiến tranh sẽ kéo dài mãi và gây ra bao nhiêu đau thương tang tóc cho nhân loại; nhưng nhìn lại bối cảnh lịch sử của thời kỳ ấy, một số nhà phân tích cho rằng hai trái bom ấy là hai dấu chấm hết thừa thãi cho cuộc chiến. Thật thế, ngày 08 tháng 5 năm 1945 tức vài tháng trước khi hai trái bom được ném xuống Nhật Bản, Ðức quốc xã đã đầu hàng; còn tại vùng Thái Bình Dương quân đội Mỹ đã dành lại dần dần các hòn đảo do Nhật chiếm đóng và cả nước Nhật cũng đang bị dội bom dữ dội; vậy mà Mỹ vẫn quyết định ném hai trái bom nguyên tử xuống Nhật Bản để giết hại tức khắc tới 300,000 người, tàn phá 60% hai thành phố này và để lại bao nhiêu hậu quả khốc hại về sau.

Một ngày sau khi trái bom thứ hai ném xuống Nagasaki, Tổng thống Hoa kỳ lúc bấy giờ là Henri Truman đã biện minh cho hành động của mình như sau: "Thế giới biết rằng quả bom thứ nhất đã được thả xuống Hirosyma, chúng tôi sử dụng bom nguyên tử để rút ngắn cơn hấp hối chiến tranh, để cứu mạng sống của hàng ngàn thanh niên Mỹ". Nhưng liệu lời biện minh của Tổng thống Truman có chính đáng không? Ðể chấm dứt chiến tranh và cứu sinh mạng của hàng ngày sinh viên Mỹ, người ta có được phép sát hại trên 300,000 sinh mạng và gây ra bao di hại khác không? Thiết tưởng đó cũng là câu hỏi chúng ta không ngừng nêu lên trong cuộc sống thực tế mỗi ngày.

Việc Tổng thống Truman ra lệnh ném bom xuống Hirosyma và Nagasaki là một hành động có hai hậu quả đối nghịch nhau: một tốt, một xấu. Tốt vì chấm dứt chiến tranh và cứu sinh mạng hàng ngàn sinh viên Mỹ, xấu vì giết hại trên 300,000 người Nhật vô tội và gây ra bao di hại về sau. Ðể có thể làm một hành động như thế phải có những điều kiện sau đây:

- Hành động tự nó là tốt hay ít ra không tốt, không xấu về mặt luân lý. Ðiều kiện này là một áp dụng của nguyên tắc: "Cứu cánh không thể biện minh cho phương tiện" : một ý tưởng dù tốt đến đâu cũng không thể làm cho một hành động xấu trở thành tốt và như vậy được phép thực hiện.

- Phải trực tiếp nhắm đến hậu quả tốt chứ không nhắm đến hậu quả xấu đi kèm theo hành động, nghĩa là không xem hậu quả xấu như mục đích hay phương tiện. Thí du: một người mẹ mang thai mắc bệnh ung thư cần phải được giải phẫu mới có hy vọng được cứu sống, nhưng nếu giải phẫu thì chắc chắn đứa con sẽ chết. Như vậy hành động giải phẫu có hai hậu quả: một là người mẹ được cứu sống, hai là đứa con bị giết chết, có được phép tiến hành một cuộc giải phẫu đó không? Trong thực tế cách giải quyết thông thường tại nhiều bệnh viện là để cứu sống người mẹ thì cần phải giải phẫu và giết đứa con. Luân lý Kitô giáo không chấp nhận một hành động như thế, nói khác đi, không thể nhắm đến một hậu quả xấu để đạt một hậu quả tốt.

- Hành động đó phải có một lý do chính đáng hay một động lực thúc đẩy thích hợp. Giết hại 300,000 người vô tội một lúc để chấm dứt chiến tranh và cứu sống sinh mạng một số ít xét ra không phải là lý do cân xứng và chính đáng.

Qua những phân tích trên, có lẽ nhiều người sẽ đặt câu hỏi: cuộc sống có nhiều quyết định cần làm gấp, liệu chúng ta có đủ thời giờ phân tích những hậu quả tốt, xấu, những điều kiện được phép làm không hay không được phép làm không? Thật ra một người trưởng thành và có trách nhiệm luôn luôn suy nghĩ về hậu quả hành động của mình. Cuộc sống xét cho cùng là một cuộc tập luyện không ngừng để suy nghĩ và có những phán đoán chín chắn. Người kitô hữu có những chỗ dựa quí giá để suy nghĩ và hành động phù hợp với đòi hỏi của luân lý đạo đức, đó là ánh sáng của Lời Chúa, giáo huấn của Giáo Hội, sự cố vấn của các nhà chuyên môn trong lãnh vực luân lý. Cuộc sống kitô hữu là một cuộc đào luyện lương tâm không ngừng để đạt được lý tưởng mà thánh Phaolô nêu ra: "Anh em hãy mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô". Trong mỗi hoàn cảnh cụ thể, người kitô hữu phải tự hỏi: nếu vào địa vị tôi, tại đây và lúc này, Chúa Giêsu sẽ quyết định và hành động như thế nào?

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page