Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 30 -

Cứu Cánh Không Thể

Biện Minh Cho Phương Tiện

 

Cứu cánh không thể biện minh cho phương tiện: một hậu quả dù tốt đến đâu cũng không làm cho một hành động xấu trở thành tốt, đó là một trong những điểm nòng cốt trong luân lý Kitô giáo.

Một số người chủ trương rằng chỉ có những hành động trực tiếp liên hệ đến Thiên Chúa mới có đặc tính là tự nó tốt hay xấu. Chẳng hạn oán ghét Thiên Chúa hay chối bỏ đức tin là những hành động mà dù xét theo hoàn cảnh nào cũng đều là xấu cả. Tuy nhiên, một số người có chủ trương trên đây cũng cho rằng trong các quan hệ giữa người với người, hoặc trong việc sử dụng những thực tại trần thế, như của cải, tính dục, thì tính tốt, xấu của một hành động tùy thuộc hậu quả của nó. Nếu hành động nhắm tới một hậu quả tốt thì đó là hành động tốt, ngược lại, nếu hành động này gây nguy hại cho bản thân hoặc tha nhân, thì đó là hành động xấu. Một cách cụ thể theo chủ trương này thì có thể và cần phải hy sinh đứa con trong bụng mẹ để cứu mạng sống mẹ, nhờ đó người mẹ có thể sống mà săn sóc những đứa con đã sinh ra trước đó, trong trường hợp không thể cứu được một lúc cả hai mạng sống. Có thể đưa ra một thí dụ nữa: việc sử dụng các phương pháp tránh thai nhân tạo tự nó không tốt cũng không xấu, mà tùy vào hậu quả hay mục đích của nó mà thôi. Nếu sử dụng các phương pháp này vì ích kỷ, thì đó là một hành động xấu; nhưng nếu sử dụng với một mục đích tốt, như để bảo vệ tình yêu hôn nhân hoặc để bảo đảm cho những đứa con sinh ra có một cuộc sống tốt đẹp hơn, thì đó là một việc làm tốt.

Trong Thông điệp "Sự sống con người" ban hành năm 1968, Ðức Cố Phaolô VI đã bác bỏ một chủ trương như thế. Theo ngài, việc sử dụng những phương pháp nhân tạo, như dùng thuốc, đặt vòng, làm tuyệt sản đều là những hành động tự nó là xấu, đi ngược với chương trình tự nhiên do Thiên Chúa qui định cho con người. Mọi động tác hôn nhân theo luật tự nhiên đã được Thiên Chúa ghi khắc trong bản chất con người đều phải hướng mở đến sự sống, như thế hành động nào ngăn cản tiến trình tự nhiên ấy không thể xem là tốt được. Ðàng khác cho rằng chỉ những hành động liên hệ trực tiếp đến Thiên Chúa mới là tốt hay xấu, còn những hành động trong quan hệ giữa người với người tự nó không tốt không xấu, mà tùy thuộc hậu quả hay ý hướng của người có hành động ấy, một chủ trương như thế đi ngược giáo huấn của Kinh Thánh. Thật vậy, toàn bộ Kinh Thánh liên kết chặt chẽ Mười giới răn với sự trung thành cùng Thiên Chúa. Người ta không thể tách rời hai giới răn mến Chúa và yêu người. Như thế tôn trọng sự sống, tôn trọng phẩm giá, danh dự và quyền của tha nhân đều có liên hệ mật thiết với Thiên Chúa. Nói khác đi, người ta không thể xác định tính cách tốt, xấu của hành động luân lý dựa theo hậu quả tốt xấu, mà phải xét theo tương quan trật tự của sự vật được Thiên Chúa thiết định nữa.

Nhìn vào hậu quả để xác định tính tốt, xấu của một hành động, hay lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện là một chủ trương chối bỏ chính nền tảng luân lý tự nhiên của con người. Nếu cho rằng vì mạng sống của người mẹ, vì ích lợi của những đứa con khác, mà người ta có thể và phải hy sinh đứa con trong lòng mẹ, thì đẩy mạnh lý luận ấy, người ta cũng sẽ cho rằng đến một lúc nào đó giết cả người mẹ cũng là chuyện hợp lý, vì bà ta có thể trở thành gánh nặng cho gia đình, cho con cháu, cho xã hội. Ngày nay không thiếu những chủ trương như thế liên hệ đến kiểm soát dân số và phát triển. Nếu cần loại bỏ một hạng người nào đó vì công ích, người ta sẽ không nương tay; lúc đó mạng sống con người sẽ chỉ còn là rơm rác, luân thường đạo lý cũng sẽ cáo chung, và dĩ nhiên lúc đó con người cũng tự hủy chính mình.

Luân lý vốn không phải là một sáng chế tùy tiện của con người. Con người không thể ở trên luân lý, nhưng phải sống theo luân lý, bởi vì luân lý là qui luật Thiên Chúa đã ghi khắc trong bản chất con người. Ở đây chúng ta hiểu được ý nghĩa của trái cấm trong vườn địa đàng, còn được gọi là cây biết lành biết dữ. Con người không được động đến cây ấy, nghĩa là không thể tự mình quyết định về tính tốt, xấu của hành động của mình. Chỉ Thiên Chúa, Ðấng làm chủ sư sống con người mới có thể qui định tính tốt, xấu ấy. Sự sa ngã của Ông Bà Nguyên tổ không chỉ mang ý nghĩa một sự khước từ Thiên Chúa, mà còn nói lên sự nổi loạn của con người. Con người muốn tự mình quyết định tính chất luân lý của mình mà không màng đến qui luật Thiên Chúa ghi khắc trong bản chất của mình, hành động như thế, con người không những chối bỏ Thiên Chúa, mà còn tự hủy chính mình. Ðó là thảm kịch và cơn cám dỗ triền miên của con người: con người luôn bị cám dỗ truất phế Thiên Chúa hoặc thay thế Ngài và tự quyết định về tính cách tốt, xấu về hành động của mình.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page