Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 29 -

Nguyên Tắc Qui Ðịnh Luân Lý Tính

 

Những hành động của con người đã mang sẵn tính luân lý, nhưng cũng cần một số tiêu chuẩn để xác định những hành động ấy có đóng góp vào bước tiến của ta về hạnh phúc đích thực hay không, bởi vì hành động của con người là một tổng thể phức tạp, mỗi yếu tố trong đó đều góp phần làm cho hành động ấy trở nên tốt hay xấu về mặt luân lý. Người ta thường gọi những yếu tố này là những nguyên tắc hay những nguồn tạo ra luân lý tính.

1.- Mục đích của hành động

Ðây không phải là đối tượng của hành động, mà là mục đích chủ thể nhắm tới, mục đích này có thể khác với đối tượng của hành động. Có rất nhiều mục đích khiến cho một hành động tự nó vô tư trở thành tốt hay xấu. Thí dụ chụp hình tự nó là vô tư, nhưng chụp hình để xâm phạm đời tư của một người là lỗi đức công bằng. Một vài mục đích có thể thay đổi hoàn toàn bản chất luân lý của đối tượng, làm cho nó ít nhiều thành tốt hay xấu. Nhưng một hành động đã xấu do đối tượng không thể tốt về mặt luân lý do một mục đích nào đó (cứu cánh không thể biện minh cho phương tiện). Ý hướng tựa như linh hồn của một hành động luân lý, làm cho một đối tượng tự nó đã có tính luân lý trở nên có ý nghĩa.

2.- Hoàn cảnh

Hoàn cảnh là điều kiện thêm vào hành động, làm cho một hành động vốn là tốt trở thành xấu. Thí dụ: sốt sắng việc nhà thờ là chuyện tốt, nhưng sốt sắng đến độ quên hẳn những bổn phận hằng ngày của mình trong gia đình, một hành động như thế không thể là một việc tốt được. Có một vài hoàn cảnh làm thay đổi hoàn toàn tính luân lý của hành động, vì chúng đụng đến một nhân đức khác nữa. Thí dụ: ngoại tình không những vi phạm đến đức khiết tịnh, mà còn đến đức công bằng, vì đã không trung thành với điều đã cam kết. Cũng có hoàn cảnh chỉ làm nặng thêm (ăn trộm bằng cách phá cửa, bẻ khóa), hoặc làm bớt tính cách tội lỗi của hành động.

3.- Chủ đích của người thực hiện

Yếu tố thứ ba mà chúng ta phải xét đến để thẩm định tính cách tốt, xấu của một hành động, đó là chủ đích của người thực hiện. Một hành vi tự nó là xấu thì dù ý hướng tốt đẹp đến đâu cũng không thể trở thành tốt được. Phá thai không thể biện minh bằng bất cứ chủ ý nào, dù tốt đẹp đến đâu; nhưng hạ sát kẻ phá thai để gọi là bênh vực thai nhi cũng không thể là một hành động tốt. Một hành động tự nó là xấu không thể trở thành tốt vì một chủ đích tốt đã đành, nhưng một hành động tự nó là tốt được thực hiện với chủ đích xấu cũng có thể trở thành xấu. Bố thí cho người nghèo là tốt, nhưng thử hỏi bố thí để tìm cách biến người nghèo thành nô lệ và sử dụng họ vào một mục đích xấu, một việc làm như thế không thể nào là tốt được.

Mục đích của hành động, hoàn cảnh trong đó hành động được thực hiện, chủ đích của người thực hiện, đó là ba yếu tố nền tảng để thẩm định tính cách tốt xấu của một hành động. Một trong những cơn khủng hoảng trầm trọng hiện nay, đó là khủng hoảng về ý thức luân lý: nhiều người không còn phân biệt được đâu là thiện, ác, đâu là tốt, xấu. Thái độ này được biểu lộ ngay trong những Hội nghị quốc tế có tầm quan trọng như Hội nghị về Dân số và phát triển, Hội nghị về phụ nữ. Phát triển là một mục đích tốt, nhưng cổ võ phát triển bằng cách hạ giảm dân số qua hành động phá thai, một cuộc phát triển như thế có chính đáng không? Bênh vực cho quyền bình đẳng của phụ nữ là điều tốt, nhưng xem việc phá thai như một sự nhìn nhận quyền của phụ nữ, thử hỏi một cuộc tranh đấu như thế có chính đáng không? Trong một qui mô nhỏ hơn, những câu hỏi về thiện, ác, tốt, xấu như thế thiết tưởng cũng phải là những câu hỏi chúng ta cần phải đặt ra không ngừng để thẩm định về chính hành động của chúng ta.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page