Chân Lý và Tự Do
(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 27 -
Hành Vi Luân Lý Của Con Người
Con người vốn có khả năng biết và hiểu điều mình phải làm và điều mình đang làm. Chỉ có sự hiểu biết và ý thức mới làm cho một hành động trở thành thực sự và mang tính người. Chẳng hạn hành động ăn uống: ăn uống vốn là một nhu cầu cơ bản chung cho cả người lẫn vật. Xét về động tác ăn uống, thì trong cơ bản không có khác biệt giữa con người và thú vật. Nhưng kinh nghiệm cho thấy con người không ăn uống như thú vật, hành động ăn uống của con người mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng cao quí vượt trên nhu cầu sinh sống, ăn uống còn là gặp gỡ, là chia sẻ, là cử hành. Như vậy kể từ lúc con người hiểu biết và ý thức được những chiều kích ấy của hành động ăn uống, thì hành động ấy mang tính người và có giá trị luân lý. Do đó yếu tố nền tảng làm cho một hành động mang tính luân lý, nghĩa là có thể tốt hay xấu về mặt luân lý, chính là sự hiểu biết và nhận thức của con người. Thí dụ chúng ta biết rằng cầm khí giới hạ sát một người là một hành động giết người, dùng thuốc hay một phương tiện để trục một bào thai khỏi lòng mẹ là một hành động phá thai. Thứ đến, để một hành động mang tính luân lý, con người cũng cần phải biết tính luân lý của hành động ấy. Thí dụ: ai cũng biết bố thí là một hành động tốt và cướp của giết người là một hành động xấu.
Ngoài hiểu biết và nhận thức, còn có một yếu tố khác để cho một hành động mang tính luân lý, đó là ý thức của con người. Ai cũng biết giết người là một hành động xấu, nhưng trong một cơn mộng du, một người nào đó có thể giết người mà hành động đó không bị xem là hành động xấu, bởi vì người đó không ý thức khi hành động. Trong các số từ 12 - 22 của Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" Công đồng Vaticanô II đã nói đến phẩm giá của trí khôn và ý thức luân lý của con người. Có thể tóm tắt vài điểm cơ bản như sau:
- Sự hiểu biết của con người là một thông dự vào chính ánh sáng của Thần Trí Thiên Chúa, sự hiểu biết không chỉ là kết quả của những cố gắng con người, mà còn là ơn ban từ trên cao; chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi Giáo Hội không ngừng nhắc nhở chúng ta cầu xin ơn hiểu biết và khôn ngoan.
- Cần phân biệt hai lãnh vực của sự hiểu biết: một là lãnh vực tự nhiên, như khoa học, kỹ thuật; hai là lãnh vực liên quan đến cứu cánh của con người như đạo đức, luân lý, tu đức. Con người có thể rất tiến bộ trong lãnh vực tự nhiên, nhưng lại tối tăm trong lãnh vực siêu nhiên. Không thiếu những nhà bác học thông suốt về khoa học, kỹ thuật, nhưng lại mù mờ về những gì liên quan đến định mệnh vĩnh cửu của mình; không thiếu những bộ óc phi thường về lãnh đạo, về tổ chức, về quân sự, nhưng lại là những quái vật về mặt luân lý.
- Ngay cả với sức tự nhiên, con người cũng có khả năng thấu triệt chân lý cao siêu một cách chắc chắn và cụ thể. Nhờ thông phần vào Thần Trí của Thiên Chúa, con người có khả năng phân biệt đâu là đúng sai, đâu là thiện ác.
Ðể kết luận, chúng ta có thể trích dẫn lời Ðức Gioan Phaolô II trong huấn từ ngày 20 tháng 7 năm 1983, dựa trên thư Ep 2,10 ngài cho biết thế nào là một hành vi tốt:
"Nếu chú ý đến kinh nghiệm hàng ngày chúng ta sẽ thấy trong nhiều sinh hoạt khác nhau, qua đó chúng ta thể hiện nhân cách: một số xảy ra trong chúng ta mà không hoàn toàn thuộc chúng ta; một số khác không những diễn ra trong chúng ta, mà còn hoàn toàn là của chúng ta, đó là những hành động phát xuất từ tự do của chúng ta, đó là những hành động mà mỗi người chúng ta là tác giả theo đúng nghĩa, nói tắt một lời, đó là những hành động tự do. Khi thánh Phaolô nói chúng ta là công trình của Thiên Chúa được tạo dựng trong Chúa Giêsu Kitô, vì những việc tốt, thì những việc tốt này là những hành động nhờ sự trợ giúp của Chúa, con người thực hiện một cách tự do. Tính thiện hảo là phẩm chất của hành động tự do, con người là nguyên nhân của hành động, do đó chịu trách nhiệm về hành động này. Qua hành động tự do, con người tự biểu lộ, đồng thời tự thể hiện. Dựa trên mạc khải, niềm tin của Giáo Hội dạy rằng mỗi người chúng ta sẽ được phán xét tùy theo công việc của mình. Chúng ta cần phải nhấn mạnh con người sẽ được phán xét theo những việc mình làm. Chúng ta hiểu rằng chính qua những việc làm của mình, con người tự biểu lộ, tự thể hiện, và chúng ta có thể nói con người tự nhào nặn chính mình. Mỗi người chịu trách nhiệm không những về hành động tự do của mình, mà còn nhờ những hành động như thế mà chịu trách nhiệm về chính mình.