Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 26 -

Luân Lý Hoàn Cảnh

 

Tháng 10 năm 1987 một người đàn bà Nam Phi tên là Antoni, 48 tuổi, đã mang thai và sinh dùm cho người con gái của bà vì đã cắt mất tử cung nên không thể sinh thêm con được nữa. Theo luật hiện hành của Nam Phi, đứa con mới sinh này là con của bà Antoni cho đến khi nào mẹ ruột của nó nhận làm con nuôi. Ðiều đáng nói là hai mẹ con bà Antoni đều là những tín hữu Công giáo. Với tư cách là người Công giáo, họ đã có những hành động đi ngược giáo huấn của Giáo Hội. Thật thế, trong một huấn thị của Bộ Giáo lý đức tin năm 1987, Giáo Hội lên án việc mang thai mướn hoặc mang thai dùm, lý do là vì người con sinh ra phải là hoa trái của sự phối hợp tự nhiên giữa đôi vợ chồng. Bà Antoni có thể hành động vì không rõ giáo huấn của Giáo Hội, nhưng điều chắc chắn là bà đã hành động như thế vì tình thương dành cho người con gái. Từ trước đến nay, nhiều tín hữu khác cũng nghĩ rằng mọi hành động vì yêu thương đều phù hợp ý Chúa. Lập luận này thường được đưa ra trong trường hợp giết người một cách êm dịu, vì không muốn thấy người thân của mình phải kéo dài cuộc sống trong đau đớn. Phải chăng vì bác ái con người có thể vi phạm những giới răn khác trong đạo? Phải chăng trong một số trường hợp, luật luân lý khách quan không còn giá trị? Phải chăng không có luật luân lý khách quan nào có giá trị cho mọi người và trong mọi hoàn cảnh?

Theo chủ trương được gọi là luân lý hoàn cảnh, mỗi người là một chủ thể độc nhất vô nhị, sống trong một hoàn cảnh cũng hoàn toàn cá biệt, do đó lương tâm mỗi người phải tự suy xét và quyết định điều gì phải làm, điều gì phải tránh, mà không cần dựa vào một tiêu chuẩn khách quan nào; trong khi suy xét và quyết định như thế, thì giới răn yêu thương là qui luật tối thượng. Nói khác đi, nếu trong hoàn cảnh cụ thể này, tình yêu Chúa và tha nhân đòi hỏi phải nói thực thì buộc phải nói thực, nhưng nếu trong một hoàn cảnh khác buộc phải nói dối vì nói dối có lợi cho tha nhân, thì lúc đó nên nói dối. Như vậy luật cấm nói dối không có giá trị phổ quát. Chúng ta có thể áp dụng lối lý luận này vào những giới răn khác: vì đòi hỏi của bác ái, tất cả các giới răn khác đều không có giá trị.

Tuy nhiên, một chủ trương như thế quên mất một điều hệ trọng trong lãnh vực luân lý, đó là giới răn yêu thương và mọi giới luật luân lý khác có liên hệ chặt chẽ với nhau đến độ vi phạm một giới răn cũng có nghĩa là vi phạm chính giới răn yêu thương. Ðiều này được nêu bật trong sách Thứ luật: người Do-thái nào cũng hiểu rằng chính vì mến Chúa mà họ tuân giữ các giới răn khác, hay ngược lại khi tuân giữ các giới răn khác là họ thể hiện lòng mến Chúa. Trong Tân ước, giới răn mến Chúa và yêu người được Chúa Giêsu đặt làm nền tảng cho mọi giới răn khác, do đó người kitô hữu không chỉ hành động vì tình thương và diễn tả tình thương trong hành động của mình, mà còn phải biết hành động đúng đắn và ngay thẳng nữa. Chúng ta không thể nhân danh tình thương để chấp nhận lời yêu cầu của bệnh nhân kết liễu cuộc đời của họ hay giúp họ tự sát. Ðây là thứ tình thương mà Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II gọi là tình thương giả hiệu, bởi vì sợi dây liên kết giữa yêu thương và giới răn thứ năm đã bị cắt đứt; giả hiệu bởi vì con người yêu thương nhưng lại muốn chiếm đoạt quyền làm chủ sự sống của Thiên Chúa. Không thể yêu thương thực sự khi hành động này là một hành động chối bỏ Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa chính là Tình Yêu.

Xét cho cùng, vấn đề căn cốt chính là quan niệm về bản tính và nhân vị con người. Những người chủ trương nền luân lý hoàn cảnh cho rằng mỗi người là một chủ thể độc nhất vô nhị, không thể thay thế được. Tuy nhiên, khi nói đến con người, người ta không thể không phân biệt bản tính và nhân vị. Mỗi nhân vị là một bản tính độc nhất vô nhị, nhưng bản tính con người lại là nền tảng chung cho mọi người. Các nhân vị sẽ không thể đối thoại, gặp gỡ nhau, nếu không có cùng một mẫu số chung là bản tính con người. Như vậy, do bản tính chung của con người, mọi người đều có chung những qui luật phổ quát, có giá trị cho mọi người và trong mọi hoàn cảnh.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page