Chân Lý và Tự Do
(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 25 -
Giáo Hội Với Các Thể Chế Dân Chủ
Ngày nay, hầu hết các quốc gia đã đi vào con đường dân chủ. Giáo Hội vốn không phải là một chế độ dân chủ, vậy thì đâu là lập trường và giáo huấn của Giáo Hội đối với các thể chế dân chủ? Ðể trả lời cho câu hỏi ấy, thiết tưởng cần phải xác định thế nào là dân chủ đích thực.
Theo ý nghĩa được các nước dân chủ chấp nhận, thì dân chủ là một thể chế xây dựng trên một số nguyên tắc như sau: Trước hết là một bản hiến pháp được cộng đồng dân chúng tự do chấp nhận; thứ đến là luật lệ bình đẳng đối với mọi người được ban hành dựa trên căn bản hiến pháp; yếu tố thứ ba của một nền dân chủ đích thực đó là được phân quyền rõ rệt giữa ba lãnh vực: lập pháp, hành pháp, tư pháp; nhưng yếu tố quan trọng nhất đó là sự bầu cử tự do những người có trách nhiệm trong đời sống cộng đồng. Một thể chế dân chủ thực sự cũng phải được xây trên khả năng kiểm soát của người dân đối với chính quyền dựa vào công luận, các Hội đồng, các đại biểu Quốc hội. Một nền dân chủ đích thực cũng phải nhắm tới việc phục vụ công ích. Sau cùng còn một yếu tố không kém quan trọng đó là sự hiện diện của khối thiểu số đối lập để kiểm soát, khuyến khích, và ngay cả chặn đứng những lạm dụng của phe đa số đang cầm quyền. Nói chung, dân chủ có nghĩa là các công dân được tham dự tích cực vào việc hình thành và phát triển đối với quốc gia, sự tham dự này đòi hỏi quyền tự do chính trị của người dân được bảo đảm, tôn trọng. Người dân cũng phải được tự do biểu lộ quan điểm chính trị của mình, nghĩa là họ phải được quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do chọn người đại diện tham gia guồng máy hành chánh và lập pháp.
Về thái độ của Giáo Hội đối với các thể chế dân chủ, phải nhìn nhận rằng lúc ban đầu Giáo Hội tỏ ra rất dè dặt. Ðiều này cũng dễ hiểu: vào đầu thế kỷ 19, ở Âu Châu hầu hết đã bị lung lay vì cách mạng Pháp 1789. Lúc đó người ta nhân danh lý tưởng dân chủ để kết liễu các chế độ quân chủ một cách dã man. Nếu dân chủ đồng nghĩa với nhân quyền, với tự do, thì quả thực những hành động đó đã khiến cho nhiều người nghi ngại về lý tưởng dân chủ. Chính trong bối cảnh đó, Giáo Hội đã tỏ ra dè dặt đối với thể chế dân chủ. Riêng Ðức Grêgôriô XVI đã không ngần ngại lên án thể chế dân chủ, dĩ nhiên hiểu như là một thể chế vi phạm những quyền cơ bản nhất của người dân. Trong giai đoạn kế tiếp, việc thực thi dân chủ có tính cách quân bình hơn, do đó lập trường của Giáo Hội cũng thay đổi. Ðức Lêô XIII đã công nhận những chính thể khác nhau, trong đó có thể chế dân chủ, nhưng ngài xác định rõ ràng là thể chế này phải hướng đến công ích và không cản trở Giáo Hội trong việc chu toàn sứ mệnh của mình.
Từ vài thập niên qua, Giáo quyền đã nhìn nhận những khía cạnh tích cực của thể chế dân chủ, nhưng đồng thời cũng kêu gọi đề phòng trước thái độ tuyệt đối hóa thể chế này. Chúng ta có thể đọc thấy giáo huấn chính thức của Giáo Hội về thể chế dân chủ trong số 75 của Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng": "Thiết lập những cơ cấu chính trị pháp lý là điều phù hợp với bản tính con người, vì nhờ đó mọi công dân, không phân biệt ai, đều có thể mỗi ngày có cơ hội tham gia một cách tự do và tích cực vào việc thiết lập nền tảng pháp lý của cộng đoàn chính trị, tham gia vào việc điều hành quốc gia và xác định mục tiêu và phạm vi của những cơ quan khác nhau cũng như tham gia vào việc chọn lựa nhà cầm quyền".
Tiếp nối truyền thống trên, trong các chuyến viếng thăm mục vụ khắp thế giới, Ðức Gioan Phaolô II luôn nhấn mạnh đến những giá trị của dân chủ và không ngừng lên án những vi phạm nhân quyền. Giáo huấn của ngài thật rõ ràng: sự tôn trọng các quyền con người là điều phát xuất từ chính phẩm giá con người, bởi vì con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và có một định mệnh siêu việt, do đó mọi hành động xúc phạm đến con người cũng đều là những xúc phạm đến chính Ðấng Tạo Hóa.
Tuy nhiên, không thiếu những quốc gia mệnh danh là tự do dân chủ cũng đang lạm dụng dân chủ tự do để mưu tư lợi và làm hại cho công ích. Trong Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng", Công đồng Vaticanô II đề cao những giá trị của chế độ dân chủ nhưng đồng thời cũng bác bỏ thái độ tôn thờ dân chủ. Những người tôn thờ dân chủ cho rằng bất cứ điều gì không dân chủ thì đương nhiên phản tiến bộ và không xứng đáng với con người; những người này nhắm vào quan niệm quyền bính và cách tổ chức trong Giáo Hội, họ đòi hỏi trong Giáo Hội phải có dân chủ, theo nghĩa là phải có phe đối lập, phe tranh đấu. Thực tế cho thấy trong Giáo Hội không phải là một tổ chức theo thể chế dân chủ; nguyên tắc nền tảng điều khiển sinh hoạt Giáo Hội vẫn là sự tham dự tự nguyện của mọi người vào ích chung của Giáo Hội. Nếu ngay trong các chế độ dân chủ, công lực là một yếu tố cần thiết để bảo đảm an ninh trật tự, thì trái lại trong Giáo Hội không có nhà tù, không có bóng công an nào mà mọi sinh hoạt vẫn diễn ra một cách tốt đẹp.