Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 24 -

Lập Trường Của Giáo Hội

Ðối Với Các Chế Ðộ Ðộc Tài

 

Dưới thời nhà độc tài Mussolini còn cai trị, người dân Rôma thường rỉ tai cho nhau nghe câu chuyện như sau: Mussolini chết và lên thiên đàng. Ông không thể nào tưởng tượng được phần thưởng dành cho ông: cả triều thần thiên quốc hát ca chúc tụng, ông được trao cho một triều thiên và được đặt ngồi trên một ngai vàng. Vốn biết mình là nhà độc tài đã từng gây tang thương khổ đau cho biết bao người, Mussolini mới hỏi Chúa tại sao lại dành cho ông một phần thưởng lớn lao và bất ngờ như thế, Chúa liền trả lời: "Ngươi vĩ đại hơn Ta nhiều, Ta chỉ bắt dân của ngươi ăn chay mỗi tuần một ngày, còn ngươi, ngươi đã có thể bắt họ ăn chay một tuần đến bảy ngày; Ta đã ban niềm tin cho họ, còn ngươi, ngươi đã cắt lấy niềm tin khỏi tâm hồn họ".

Ðộc tài tự nó là một hình thức hoàn toàn đi ngược luật tự nhiên và luật Thiên Chúa. Vốn có sứ mệnh giải thích và áp dụng luật luân lý tự nhiên, Giáo Hội không thể không phi bác bất cứ một chế độ độc tài nào. Lời lên án rõ ràng nhất được tìm thấy trong số 73 của Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng": "Phải lên án bất cứ thể chế chính trị nào như hiện có tại một vài nước, nếu nó ngăn cản quyền tự do công dân hoặc tự do tín ngưỡng, nếu nó làm gia tăng con số nạn nhân của tham lam và tội ác chính trị, nếu nó làm cho việc cai trị đi lệch đường, thay vì mưu cầu công ích thì lại phục vụ cho một tập đoàn hay cho chính những nhà cầm quyền".

Trước Công đồng Vaticanô II nhiều năm, Ðức Piô XII đã từng nhận định: Chấm dứt các chế độ độc tài là điều kiện để xây dựng hòa bình. Trong một bài huấn dụ vài tháng sau khi Ðức quốc xã sụp đổ, ngài đã phát biểu: "Ôi sức mạnh của nhà nước độc đoán, một sự trớ trêu tàn bạo và khát máu. Toàn thể địa cầu thấm máu hồng của bao nhiêu người đổ ra trong những năm kinh hoàng này cho thấy sự bạo ngược của nhà nước độc tài như thế nào. Nếu người ta không chấm dứt chủ thuyết độc đoán như vậy, thì căn nhà hòa bình quả thực đang xây trên một nền tảng sụp đổ và ngày càng bị đe dọa. Chế độ độc đoán biến con người thành một con cờ trong trò chơi chính trị, thành một con số trong những tính toán kinh tế. Với một nét bút gạch ngang, chế độ độc đoán thay đổi biên giới các quốc gia; bằng một quyết định độc đoán, họ thay đổi nền kinh tế của một dân tộc".

Gần đây hơn, trong các văn kiện giáo huấn của ngài, người ta thấy Ðức Gioan Phaolô II mặc dù không trực tiếp lên án các chế độ độc tài, nhưng đã mạnh mẽ lên án các vi phạm nhân quyền và đề cao giá trị của dân chủ. Năm 1988 nhân chuyến viếng thăm Paraguay, ngài đã phát biểu trước giới trí thức của nước này như sau: "Ðể có thể nói về một xã hội dân chủ thực sự dựa trên sự đồng ý của các công dân, thì cần phải có những giá trị, như hòa bình, tự do, công bằng, sự tham gia của mọi người. Vì thế không thể nói về tự do đích thực và càng không thể nói đến dân chủ, nếu mọi công dân không thực sự được tham gia vào những quyết định hệ trọng có liên quan đến đời sống và tương lai đất nước. Trong niềm hòa hợp và đối thoại, cần phải cố gắng tìm kiếm những hình thức tham gia phù hợp hơn với khát vọng sâu xa của người dân. Trật tự và hòa bình là những mục tiêu chung mà chúng đòi hỏi phải tôn trọng các quyền bất khả nhượng của con người. Hòa bình là điều không thể dung hợp với một hình thức xã hội trong đó chỉ có một vài người đề ra những nguyên tắc có tính kỳ thị, loại bỏ quyền lợi của người khác, và tệ hơn nữa đặt cuộc sống người khác phải lệ thuộc phán quyết của kẻ mạnh hơn".

Những lời trên đây bộc lộ tất cả tâm huyết của Ðức Gioan Phaolô II. Có thể nói quyền của con người là một nỗi ám ảnh của ngài. Ngay từ văn kiện đầu tiên là Thông điệp "Ðấng Cứu chuộc con người" ngài đã viết: "Con người là con đường của Giáo Hội". Thật thế, Giáo Hội không thể phục vụ con người nếu không trở thành tiếng nói của những người không có tiếng nói, Giáo Hội không thể rao truyền chân lý về con người nếu không bày tỏ cho nhân loại thấy đâu là những quyền cơ bản của con người. Giáo Hội chưa thực sự đóng vai trò tiên tri của mình nếu chưa lên tiếng tố cáo những hành động vi phạm những quyền cơ bản của con người.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page