Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 23 -

Giới Hạn Của Quyền Bính Nhà Nước

 

Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới, trước năm 1989 Liên xô là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới, mỗi năm có tới 8 triệu vụ phá thai, tức chiếm 1/4 tổng số phá thai trên thế giới. Thêm vào con số phá thai chính thức, còn phải kể đến 4 triệu vụ phá thai không được thực hiện trong các nhà thương. Ðối với các kitô hữu, nếu luật cho phép phá thai là điều hoàn toàn đi ngược luật luân lý tự nhiên và luật của Thiên Chúa, thì vấn đề được đặt ra là chính phủ hay nhà nước có quyền ra những luật lệ như thế không? Ðâu là giới hạn của quyền bính nhà nước?

Trong thư Rm 13, thánh Phaolô nói rằng các tín hữu có bổn phận tùng phục quyền bính, vì mọi quyền bính đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Thiên Chúa tạo dựng con người có xã hội tính, chính nhờ xã hội và trong xã hội mà con người mới đạt được cứu cánh của mình. Nhưng xã hội chỉ có thể tồn tại và sinh hoạt là nhờ có tổ chức, mà nói đến tổ chức là nói đến người lãnh đạo tức là nói đến quyền bính. Như vậy xét cho cùng, quyền bính bắt nguồn từ chính ý muốn của Thiên Chúa. Nói rằng quyền bính phát xuất từ Thiên Chúa, điều đó không có nghĩa là người cầm quyền quốc gia là đại diện của Thiên Chúa. Câu nói của thánh Phaolô "mọi quyền bính đều bởi Thiên Chúa" có một hệ luận rất quan trọng: không bao giờ quyền bính nhà nước được vượt quá quyền hạn mình khi ban hành những luật lệ đi ngược luật luân lý tự nhiên và luật của Chúa, như hợp thức hóa việc ly dị, cho phép phá thai, giết người cách êm dịu... Trong Thông điệp về tự do của con người, Ðức Lêô XIII đã quả quyết:

"Quyền tự do của nhà cầm quyền không phải là quyền muốn truyền khiến thế nào tùy ý, đây là một điều vô luân và sẽ đưa quốc gia đến tan vỡ. Trái lại, luật lệ do nhà cầm quyền ban hành phải phù hợp với luật trường cửu của Thiên Chúa. Nói tóm lại quyền bính của nhà cầm quyền xuất phát từ Thiên Chúa, một cách cụ thể từ luật tự nhiên được Thiên Chúa ghi khắc trong con người. Do đó giới hạn của quyền bính nhà nước cũng chính là luật tự nhiên, nhà cầm quyền không được ban hành bất cứ luật lệ nào đi ngược luật tự nhiên".

Vào thế kỷ XVI, người ta đã đưa ra chủ trương: bất cứ gì có lợi cho nhà nước đều là tốt đẹp và nên làm, dù điều đó có phù hợp luân lý hay không. Trong lịch sử nhân loại đã có biết bao nhà lãnh đạo quốc gia theo chủ trương này. Người ta nại đến ý nghĩa và lợi ích của quốc gia để sẵn sàng sử dụng những thủ đoạn dã man. Người ta lập luận rằng chính trị không thể đi đôi với luân lý, người cầm quyền không nên để cho những thành kiến luân lý hay niềm tin tôn giáo chi phối các ước vọng chính trị của mình. Nhiều người còn dựa vào câu nói của Chúa Giêsu: "Những gì của César hãy trả cho César, những gì của Thiên Chúa hãy trả lại cho Thiên Chúa" để biện minh cho hành động vô luân của mình; họ chủ trương cần phải tách biệt sinh hoạt chính trị với sinh hoạt luân lý và tôn giáo. Dĩ nhiên một chủ trương như thế chỉ dẫn đến độc tài và loại bỏ mọi quyền tự do của con người. Sở dĩ Hitler đã có những hành động tội ác đối với nhân loại là vì ông đã chủ trương gạt bỏ luân lý khỏi sinh hoạt chính trị.

Con người không thể sống mà không có luân thường đạo lý, đó là chiều kích bao trùm toàn thể cuộc sống con người; đó là định luật vĩnh hằng được Thiên Chúa ghi khắc trong bản tính con người.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page