Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 22 -

Thái Ðộ Của Kitô Hữu

Ðối Với Luật Pháp Quốc Gia

 

Ở đâu có xã hội, ở đó có pháp luật, đó là một đòi hỏi của xã hội tính nơi con người. Hiến pháp quốc gia, phép vua, lệ làng, nội qui của một tổ chức, đó là những hình thức của luật pháp mà xã hội nào cũng đòi hỏi phải có. Là công dân của Nước Chúa, người kitô hữu cũng là công dân của xã hội trần thế. Nhưng đâu là thái độ đúng đắn của kitô hữu đối với luật pháp quốc gia? Mầu nhiệm Nhập thể sẽ cho chúng ta câu trả lời.

Thật vậy, Chúa Giêsu đã không nhập thể làm một người quốc tế, nhưng Ngài đã làm một người Do-thái, với một quê hương, một ngôn ngữ, một văn hóa, một quốc gia với một luật pháp nhất định. Ngay từ lúc còn trong lòng mẹ, Ngài đã tuân thủ luật pháp quốc gia. Sự kiện cha mẹ Ngài trở về Bêlem đăng ký theo chiếu chỉ của Hoàng đế La-mã ban hành trên toàn Ðế quốc là một bằng chứng cho thấy Chúa Giêsu đã chấp nhận cho đến tận cùng thân phận làm người, trong đó việc tuân thủ luật pháp quốc gia là một yếu tố quan trọng đối với một người công dân. Trong cuộc sống công khai, Chúa Giêsu đã lên tiếng phê bình cách giải thích luật của các luật sĩ cũng như đã không ngần ngại vi phạm những luật xem ra vô nghĩa trong luật Môsê. Nhưng tuyệt nhiên không ai bắt bẻ Ngài về thái độ của Ngài đối với luật pháp do Hoàng đế La-mã ban hành trên toàn Ðế quốc, trong đó Palestina là một thành phần. Lần nọ, một nhóm Biệt phái và luật sĩ tưởng có thể gài bẫy được Ngài khi đặt câu hỏi có nên nộp thuế cho Ðế quốc La-mã không? Ngài bảo họ đem lại một đồng tiền và hỏi họ: "Hình này là hình của ai?". Họ đáp đó là hình của Hoàng đến La-mã. Chúa Giêsu liền trả lời: "Cái gì của César hãy trả lại cho César, cái gì của Thiên Chúa hãy trả lại cho Thiên Chúa", qua câu nói này, Chúa muốn nhắc nhở những Biệt phái và Luật sĩ một thực tại không thể chối cãi được, đó là cả nước Palestina đang sống dưới ách đô hộ của La-mã, luật pháp đang chi phối cuộc sống quốc gia cũng do chính Ðế quốc La-mã áp đặt. Vậy nếu đã chấp nhận sự đô hộ của La-mã, thì chuyện nộp thuế dĩ nhiên là điều không thể lẩn trốn. Lần khác, khi có người đòi thuế, Chúa Giêsu đã sai Phêrô đi thả câu, trong bụng cá bắt được có một đồng tiền, Ngài sai Phêrô nộp thuế phần của ông và cả phần của Ngài nữa.

Hai sự kiện trên chứng tỏ Chúa Giêsu vốn chấp nhận thứ luật pháp do Ðế quốc áp đặt trên quê hương Ngài. Các Tông đồ về sau cũng hành xử như thế: bất cứ nơi nào các ông đến rao giảng, các ông đều tuân thủ luật pháp của nơi đó. Thánh Phaolô còn đưa ra nguyên tắc: "Cần phải tuân phục quyền bính, bởi vì mọi quyền bính đều đến từ Thiên Chúa". Con người chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa, đó là luật cơ bản nhất mà Thiên Chúa đã đặt để trong bản tính tự nhiên của con người. Do đó mọi thứ luật pháp do con người làm ra cũng đều phải nhắm đến lợi ích của con người mà cùng đích là Thiên Chúa. Luật pháp của con người là một thể hiện luật của Thiên Chúa, cho nên luật pháp vốn là một điều cần thiết cho lợi ích của con người. Luật pháp nào đi ngược lại luật Thiên Chúa sẽ không còn gọi là luật pháp nữa và cũng không có giá trị cưỡng bách của luật pháp.

Như vậy, tiêu chuẩn để thẩm định luật pháp là xem nó có nhắm đến lợi ích của con người không? có phù hợp với luật Thiên Chúa không? Thiếu tiêu chuẩn này, bất cứ luật pháp nào cũng không có giá trị và không có tính cưỡng bức nữa. Ví dụ rõ nhất về thái độ của kitô hữu đối với luật pháp được nêu bật qua lời tuyên bố của Phêrô trước công nghị Do-thái: "Thà vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người". Ðó cũng là lập trường của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Thông điệp sự sống: Một cách cụ thể, khi đứng trước những luật lệ hợp thức hóa việc ly dị, cho phép phá thai, giết người êm dịu, thì người kitô hữu chẳng những không tuân theo, mà còn có bổn phận phải tranh đấu để dẹp bỏ những luật bất công ấy. Người kitô hữu cũng có thể và phải tranh đấu chống lại những luật lệ chối bỏ các quyền tự do cơ bản nhất của con người, chủ yếu là tự do lương tâm và tôn giáo.

"Sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian". Câu nói của Chúa Giêsu không hàm ý rằng người kitô hữu được quyền sống bên lề xã hội và xem thường luật pháp xã hội; trái lại, chính qua cuộc sống tại thế mà họ thể hiện và xây dựng những giá trị Nước Trời. Như vậy tất cả những gì giúp đạt tới cùng đích đều là thể hiện ý muốn và luật Chúa; còn tất cả những gì, kể cả luật pháp quốc gia đi ngược lại cùng đích của họ đều đi ngược lại luật Chúa và do đó thái độ của họ phải luôn luôn là: "Thà vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời con người" dĩ nhiên khi con người chống lại Thiên Chúa.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page