Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 21 -

Thẩm Quyền Của Giáo Hội

Ðối Với Luật Tự Nhiên

 

Trong lịch sử Giáo Hội, một trong những Thông điệp gây nhiều tranh luận và chống đối nhất, đó là Thông điệp "Sự sống con người" do Ðức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành năm 1968. Nếu trong thập niên 60 vấn đề nhân số được xem như một quả bom nổ tung, thì Thông điệp "Sự sống con người" cũng là một quả bom trong lãnh vực luân lý. Trong Thông điệp, Ðức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI không những lên án việc phá thai, mà còn phi bác cả những phương pháp ngừa thai nhân tạo mà ngài cho là phản lại luật tự nhiên. Mấu chốt của vấn đề nằm ở đó: những người chống đối Thông điệp cho rằng Giáo Hội không có thẩm quyền lên tiếng trong những vấn đề liên quan đến luật tự nhiên. Trong 100 năm gần đây, Giáo Hội đã không ngừng lên tiếng trong những vấn đề thuộc lãnh vực tự nhiên, như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Phải chăng Giáo Hội đã ra khỏi phạm vi của mình? Phải chăng quyền giáo huấn của Giáo Hội không có giá trị đối với luật tự nhiên? Phải chăng người kitô hữu không buộc phải tuân theo giáo huấn của Giáo Hội trong những gì không thuộc luật mạc khải?

Về thẩm quyền của Giáo Hội liên quan đến luật luân lý tự nhiên, trong số 14 của Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo, Công đồng Vaticanô II đã tuyên bố:

"Trong việc đào luyện lương tâm, các kitô hữu phải luôn luôn chú trọng đến giáo lý thánh thiện và vững chắc của Giáo Hội. Thật vậy, theo ý định của Chúa Kitô, Giáo Hội Công giáo là thầy dạy chân lý và có nhiệm vụ loan báo và truyền dạy chân lý là Chúa Kitô một cách chính thức, đồng thời phải lấy uy quyền của mình công bố và xác nhận những nguyên tắc thuộc lãnh vực luân lý phát sinh từ bản tính con người".

Qua giáo huấn của Vaticanô II, chúng ta thấy đối tượng của giáo huấn Giáo Hội trước tiên là Chúa Kitô, tức là mạc khải mà Chúa Kitô là trọng tâm và tuyệt đỉnh; thứ đến là những luật luân lý phát sinh từ bản tính con người. Như vậy bản văn Công đồng khẳng định dứt khoát rằng Giáo Hội có thẩm quyền trong phạm vi thuộc luật luân lý tự nhiên".

Ngay trong Thông điệp "Sự sống con người" Ðức Phaolô VI cũng tuyên bố: "Không một tín hữu nào phủ nhận quyền hạn của Giáo Hội trong việc giải thích luật luân lý tự nhiên. Thật thế, như các vị tiền nhiệm của tôi không thể chối cãi được rằng Chúa Giêsu Kitô ủy thác cho Phêrô và các Tông đồ quyền năng thần linh của Ngài, và sai các ông đi giảng dạy các giới răn của Ngài cho mọi dân tộc, đã thiết lập các ông thành những người giữ gìn và giải thích đích thực về toàn bộ luật luân lý, nghĩa là không những luật Tin Mừng, mà còn cả luật tự nhiên nữa".

Thế nhưng, đâu là nền tảng dựa vào đó Giáo Hội khẳng quyết thẩm quyền của mình đối với luật luân lý tự nhiên? Trước hết là cái nhìn về con người. Dưới ánh sáng mạc khải, con người là một thực thể duy nhất, chứ không phải là một hữu thể được chia thành hai tầng: một tầng tự nhiên và một tầng siêu nhiên. Dĩ nhiên, chúng ta phân biệt bản tính tự nhiên với ân sủng, bởi nếu: không có sự phân biệt này sẽ không có ân sủng nữa. Trong con người cụ thể, tự nhiên và ân sủng, không tách biệt nhau, nhưng kết hợp với nhau, do đó, bản tính tự nhiên và luật luân lý tự nhiên không phải là hai ý niệm nằm bên ngoài con người cụ thể đang hiện hữu trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa. Là tín hữu hay không, tất cả đều nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Con người không chỉ gặp gỡ Thiên Chúa trong một phần nào đó của con người mình, mà bằng cả cuộc sống, bằng cả con người mình. Trong con người không thể phân biệt một bên là hành động của luật luân lý tự nhiên, và một bên là hành động luân lý siêu nhiên. Một hành động dù được thực thi bởi một người không kitô cũng đã là một hành động được thúc đẩy bởi ân sủng và cùng đích siêu nhiên. Khi tuân giữ luật luân lý tự nhiên người kitô hữu không chỉ tuân giữ luật ấy với tư cách là một con người, mà còn là với tư cách một tín hữu. Con người là một thực thể duy nhất, chính cái nhìn mạc khải này là nền tảng Giáo Hội dựa vào để khẳng định quyền được giải thích và áp dụng luật luân lý tự nhiên.

Lý do thứ hai Giáo Hội dựa vào để nại đến quyền của mình đối với luật luân lý tự nhiên, đó là trách nhiệm của Giáo Hội đối với công cuộc cứu rỗi. Giáo Hội có sứ mạng dẫn đưa mọi người đến Thiên Chúa. Nếu luật tự nhiên là con đường dẫn đưa con người về với Chúa, thì dĩ nhiên Giáo Hội phải có quyền và nhiệm vụ hướng dẫn con người trên con đường này, chẳng vậy sứ mệnh của Giáo Hội được Chúa ủy thác chỉ là ảo tưởng. Ðây là luận cứ mà chính Ðức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã trình bày trong Thông điệp "Sự sống con người". Có nhiều lý do khiến con người ngày nay chấp nhận thẩm quyền của Giáo Hội trong việc giải thích và áp dụng luật luân lý tự nhiên. Trên thế giới hiện nay có nhiều luật của nhiều quốc gia đi ngược luân lý tự nhiên. Chúng ta hãy nghĩ đến luật cho phép ly dị hoặc phá thai và bao nhiêu bất công khác vi phạm đến các quyền cơ bản của con người. Nhân loại sẽ đi về đâu nếu không còn ai lên tiếng để chống lại những luật bất công ấy?

Nhiều người đưa ra luận cứ theo đó tôn giáo là chuyện riêng tư cá nhân, phạm vi hoạt động của Giáo Hội chỉ là những sinh hoạt thiêng liêng và như vậy chỉ nên giới hạn trong bốn bức tường nhà thờ hay trong những nghi lễ tôn giáo mà thôi. Quan niệm như thế là không hiểu đầy đủ sứ mệnh cứu rỗi của Giáo Hội. Ơn cứu rỗi của Chúa Kitô là ơn cứu rỗi toàn diện. Sự phát triển mà Giáo Hội loan truyền và cổ xúy không phải chỉ là sự phát triển phần hồn, mà là cuộc phát triển bao trùm mọi chiều kích cuộc sống con người.

Quan niệm tôn giáo như một sinh hoạt hoàn toàn riêng tư và thiêng liêng cũng có thể là cơn cám dỗ của nhiều kitô hữu. Quan niệm này khiến họ đóng khung cuộc sống đạo mà không màng đến đòi hỏi của luật luân lý tự nhiên được thể hiện qua những giao tế hàng ngày. Một thái độ sống như thế quả thực không phù hợp với luật luân lý tự nhiên và dĩ nhiên cũng không xứng với danh hiệu kitô.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page