Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 20 -

Tương Quan Luật Tự Nhiên

Và Mạc Khải

 

Tại Hoa kỳ, việc giảng dạy về đạo đức không phải là chuyện xa lạ. Vào đầu thập niên 20, các bài học công dân được xem là bắt buộc ở hầu hết các bang ở Mỹ. Nhiều thập niên tiếp theo, trường học Mỹ tiếp tục dạy về những giá trị đạo đức để giúp các thiếu niên đối phó với các vấn đề do chiến tranh, đô thị hóa và công nghiệp hóa lan tràn. Những bài học chính của thời kỳ này nhấn mạnh đến thái độ tự chế, tính trung thực, tinh thần đồng đội. Tuy nhiên, thập niên 60 các bài học đạo đức ở Mỹ bắt đầu bị tẩy chay vì có những quan điểm cho rằng các giá trị này có tính cách cá nhân và chủ quan. Thế nhưng chỉ hai thập niên sau đó, các nhà giáo dục Mỹ đã phát hiện ra rằng thái độ gây hấn, tính ích kỷ, sự thiếu trung thực, thái độ khiếm nhã của thanh thiếu niên chính là hậu quả của sự thiếu những bài học về nhân cách và đạo đức.

Sự tự chế, tính trung thức, tình yêu thương, lòng quảng đại, tinh thần trách nhiệm, thái độ lịch sự, đó là các giá trị đạo đức mà bất cứ nền luân lý nào cũng đề cao. Chúng ta gọi đó là những đòi hỏi cụ thể của luật tự nhiên. Vấn đề có thể đặt ra là nếu những người không kitô cũng có thể và phải sống theo những giá trị đạo đức trên, thì Kitô giáo hay luật của Chúa Kitô có đem lại điều gì mới mẻ không? Ðâu là tương quan giữa luật tự nhiên và mạc khải của Chúa Kitô?

Trong thư Cl 1,16 thánh Phaolô đưa ra câu trả lời: "Trong Ðức Kitô, vạn vật đã được tạo thành, chốn trời cao và nơi dương thế, vật hữu hình, vật vô hình, dù là thiên tòa hay thiên chủ, dù là thiên phủ hay là uy linh, mọi sự đã được tạo thành nhờ Ngài và cho Ngài". Tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng, Ngài đều tạo dựng trong Ngôi Lời, Ðấng khi thời gian viên mãn, đã mặc lấy bản tính loài người. Chính qua công việc tạo dựng, cách riêng qua lịch sử dân Do-thái, Thiên Chúa đã chuẩn bị nhân loại đón nhận mạc khải trọn vẹn được thực hiện trong Chúa Giêsu Kitô. Như vậy không có gì là chân thiện mỹ mà lại xa lạ hay ở ngoài mạc khải của Chúa Kitô: chỉ trong ánh sáng của Ngài, chúng ta mới nhận ra những gì là chân thật và tốt đẹp. Do đó niềm tin vào Chúa Kitô không cho phép chúng ta lãnh đạm hay xem thường, trái lại phải tìm kiếm và trân trọng những gì là tốt đẹp trong các nền văn hóa ngoài Kitô giáo.

Thật thế, Thánh Thần hoạt động trong qua và nhờ tất cả mọi người. Ðiều này có nghĩa là luật tự nhiên chỉ có giá trị và ý nghĩa do luật của Chúa Kitô, cũng như không hề có mâu thuẫn giữa luật tự nhiên và luật của Chúa Kitô. Sự khác biệt chỉ hệ tại nhận thức của chúng ta mà thôi: với ánh sáng tự nhiên của lý trí, một lý trí lý luận theo những định luật do Thiên Chúa ghi khắc trong bản tính con người, chúng ta nhận ra luật tự nhiên; trong khi đó, nhờ mạc khải, chúng ta đón nhận luật của Chúa Kitô. Do tội lỗi, lý trí chúng ta có thể bị giới hạn trong việc nhận biết luật tự nhiên, nhưng trong ánh sáng mạc khải, chúng ta nhận biết một cách trọn vẹn luật của Chúa Kitô.

Luật của Chúa Kitô soi sáng và kiện toàn luật tự nhiên, hay đúng hơn, trong ánh sáng Chúa Kitô, chúng ta nắm bắt trọn vẹn ý nghĩa và nội dung của luật tự nhiên. Ðối với kitô hữu, không có luật tự nhiên và luật mạc khải, mà chỉ có một luật duy nhất được Chúa Kitô mạc khải. Ðiều này có một hệ luận quan trọng trong đời sống của kitô hữu: đối với kitô hữu những gì là chân thiện mỹ đều mang tính kitô và mọi giá trị đạo đức đều là những giá trị kitô; người kitô hữu không phân biệt hai tầng trong đời sống luân lý: một bên là những giá trị nhân bản đạo đức phát xuất từ những đòi hỏi của luật tự nhiên, và một bên là những giá trị xuất phát từ mạc khải Kitô giáo, bởi vì đối với họ, chỉ có một cuộc sống, đó là cuộc sóng trong Ðức Giêsu Kitô. Tất cả những gì là nhân bản nhất cũng đều mang tính kitô: lịch sử vốn là một nhân đức nhân bản do luật tự nhiên đòi hỏi, nhưng đối với kitô hữu nhân đức này là một thể hiện của lòng bác ái, chúng ta vẫn nói "lịch sử là hoa trái của bác ái"; công bằng vốn là một đòi hỏi của luật tự nhiên, nhưng dưới ánh sáng mạc khải, nó lại là một giá trị của Nước Chúa; bác ái vốn là một đòi hỏi của tình người nhưng đối với kitô hữu nó còn là thể hiện của niềm tin: họ yêu người, vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, là hiện thân của Chúa Giêsu Kitô.

Trong Kitô giáo thiết yếu không phải là một hệ thống luân lý. Trong thực tế, không thiếu những người ngoài Kitô giáo có cuộc sống luân lý gương mẫu hơn cả các kitô hữu. Tuy nhiên, vẫn có một quan niệm xem ra bình thường từ nơi những người ngoài Kitô giáo, đó là người ta luôn chờ đợi nơi các kitô hữu một cuộc sống tốt đẹp hơn những người khác.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page