Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 19 -

Bản Tính Tự Nhiên Của Con Người

 

Tại một thành phố cổ Hy-lạp, ở cánh cửa một ngôi đền kính thần Apôlô, người ta thấy có ghi khắc khẩu hiệu : "Hỡi người, hãy tự biết mình". Câu nói này đã ảnh hưởng đến toàn bộ suy tư của Tây phương. Con người là tạo vật duy nhất trong vũ trụ biết suy nghĩ, tìm hiểu về chính mình. Thật ra, biết ngạc nhiên vốn là một trong những nét cao cả của con người. Về những điều đáng ngạc nhiên nhất trong con người có một hằng số không thể không làm chúng ta suy nghĩ, đó là mệnh lệnh luôn đeo đuổi con người: "Ngươi hãy làm điều thiện và tránh điều ác". Theo sự chứng nhận thông thường và phổ quát, nhân loại gọi đó là luật luân lý tự nhiên đã được ghi khắc trong bản tính con người. Như vậy nói đến luật tự nhiên là nói đến bản tính tự nhiên của con người. Nhưng thế nào là bản tính tự nhiên của con người?

Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" không đưa ra một định nghĩa về con người, nhưng mô tả con người qua những sinh hoạt của nó: con người là tạo vật có khả năng nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, như vậy do bản tính tự nhiên, con người hướng mở về Thiên Chúa. Không thể định nghĩa hay xác định bản tính con người mà không màng đến Thiên Chúa hay một giá trị tuyệt đối. Do đó cái khác biệt giữa con người và thế giới vật chất trong đó có loài vật, đó là người ta không thể giản lược con người vào thế giới vật chất hoặc xem con người như một phần của vũ trụ. Chính vì thế luật tự nhiên đòi con người phải làm điều thiện và tránh điều ác, không thể được suy diễn từ thế giới tự nhiên hay vũ trụ vật chất. Xét cho cùng, chuẩn thước luân lý chính là bản chất của con người và những hành vi của nó, nhưng không phải là bất kỳ hành vi nào, mà chỉ những hành vi mang một ý nghĩa và hàm chứa một sự chọn lựa nội tâm mới làm nên bản chất tự nhiên của con người.

Như vậy, con người chỉ có thể được định nghĩa như một hữu thể luôn hướng đến, một hữu thể luôn phải chọn lựa và thể hiện chính mình; con người luôn luôn lên đường khám phá chính mình, và nó chỉ gặp lại chính mình trong Thiên Chúa mà thôi. Con người như sách Giáo lý Công giáo định nghĩa là một hữu thể có khả năng hướng về Thiên Chúa:

"Con người được tạo dựng bởi Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với Ngài; chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới tìm thấy chân lý và hạnh phúc mà con người không ngừng tìm kiếm. Lý lẽ cao siêu nhất của phẩm giá con người hệ tại chỗ con người được kêu gọi hiệp thông với Thiên Chúa. Thật thế, con người chỉ hiện hữu vì đã được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng và con người chỉ sống một cách sung mãn nếu nó tự do nhìn nhận và phó thác cho Ngài.

"Trong lịch sử nhân loại và cho đến nay, con người đã bày tỏ sự tìm kiếm Thiên Chúa bằng nhiều cách, qua các tín ngưỡng và qua các thái độ tôn giáo của mình, như cầu kinh, tế lễ, phụng tự. Mặc dù có chứa đựng những nét hàm hồ, các hình thức bày tỏ này đã hết sức phổ biến đến nỗi có thể gọi con người là một hữu thể có tôn giáo.

"Từ một con người, Thiên Chúa đã tạo dựng tất cả dân tộc loài người để họ sống trên khắp mặt đất. Vì họ, Ngài đã thiết lập trật tự thời gian và ranh giới không gian để họ tìm kiếm Ngài. Nếu do mò mẫm mà họ có thể tìm gặp Ngài là bởi vì Ngài không xa cách mỗi người chúng ta, quả thế "trong Ngài, chúng ta sống, di chuyển và hiện hữu".

Những dòng trên đây là một mô tả về bản tính con người: do bản tính tự nhiên, con người khao khát Thiên Chúa; do bản tính tự nhiên, con người không ngừng thúc đẩy tìm kiếm Thiên Chúa. Ý thức về Thiên Chúa có thể mù mờ nơi nhiều người, ý niệm về Thiên Chúa có thể không rõ rệt hoặc sai lạc nơi nhiều người. Nhưng dù mù mờ hay rõ rệt, dù ý thức hay không, một nỗi khao khát Thiên Chúa nơi lòng người được thể hiện qua mẫu số chung có thể bắt gặp nơi bất cứ con người nào, đó là sự hướng thiện. Người Á Ðông có lẽ muốn diễn tả điều đó khi nói: "Nhân chi sơ, tính bản thiện". Cái bản thiện, cái nhiên tính ấy không gì khác hơn là luật tự nhiên đã được Thiên Chúa ghi khắc trong lòng con người. Cái bản tính, cái nhân tính ấy là giá trị và hướng đi trong cuộc sống mà con người không ngừng tìm kiếm và thực hiện trong mỗi chọn lựa có suy nghĩ của mình. Tất cả những ai có lý trí đều không thể tránh được câu hỏi: tại sao tôi làm điều này? tại sao tôi tránh điều kia?

Hiểu như thế về bản tính tự nhiên của con người, chúng ta sẽ có một cái nhìn đầy tôn trọng đối với tha nhân. Mỗi tha nhân dù xấu xa thấp hèn đến đâu cũng là một giá trị đối với chúng ta. Bên kia những gì là thấp hèn vẫn còn lóe lên ánh lửa của nhân tính mà không có gì có thể dập tắt được. Chúng ta không thể chấp nhận hành động gian ác của một người nào đó, nhưng chúng ta vẫn phải yêu thương người đó. Tình yêu và sự tha thứ được xây dựng trên chính cái ý thức mà bất cứ ai cũng mang trong mình. Chính nhân tính ấy làm cho con người khác với mọi loài vật và cho nó được sống trong gia đình nhân loại. Tình liên đới mà ngày nay nhân loại ngày càng ý thức được xây trên ý thức về nhân tính mà mỗi người đều mang trong mình, và đó chính là yếu tố làm nên lịch sử nhân loại.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page