Chân Lý và Tự Do
(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 18 -
Tự Do Lương Tâm
Và Quyền Giáo Huấn Của Giáo Hội
Tự cho mình là người Công giáo, nhưng chủ trương ngược lại giáo huấn của Giáo Hội Công giáo, đó là thái độ của rất nhiều kitô hữu hiện nay tại một số nước Tây phương. Tự xưng mình là người Công giáo, nhưng lại không muốn sống phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội, nhiều người đã hành xử như thế khi nhân danh điều được gọi là tự do lương tâm. Người ta đòi hỏi phải được tự do khi quyết định theo lương tâm cá nhân của mình. Chúng ta phải nghĩ sao về thái độ này? Trước hết cần phải khẳng định rằng người kitô hữu phải sống theo sự chọn lựa tự do của lương tâm, đây là giáo huấn ngàn đời của Giáo Hội. Tất cả các kitô hữu đều được mời gọi sống trưởng thành, nghĩa là biết làm những quyết định tự do và cá nhân. Nhưng bảo rằng vì tự do lương tâm, người kitô hữu nên làm những quyết định mà không cần lắng nghe giáo huấn của Giáo Hội thì quả là một thứ lạc giáo; đó không còn là một hành động tự do nữa, mà là một sự thoái hóa và xuống cấp.
Ðể hiểu tại sao tự xưng là người Công giáo, nhưng lại chủ trương ngược lại giáo huấn của Giáo Hội là một hành động không tự do, chúng ta cần nhớ lại ý niệm về lương tâm. Lương tâm là khả năng phán đoán để phân biệt thiện, ác, tốt, xấu. Dĩ nhiên, để có thể phán đoán như thế, lương tâm cần phải theo một số nguyên tắc hay tiêu chuẩn luân lý; do đó nếu lương tâm bị điều khiển bởi những nguyên tắc sai lạc thì phán đoán của nó cũng sai lạc. Khi một người phán đoán dựa theo những nguyên tắc sai lạc, người đó có thể là người thành thật, nhưng không có nghĩa là người ấy không sai lầm và không làm thiệt hại cho chính mình hay cho người khác. Chẳng hạn một tín đồ cuồng tín của một tôn giáo nào đó dựa theo một hiểu biết sai lầm của mình về đạo lý, hoặc dựa vào chính những nguyên tắc sai lầm do tôn giáo ấy đưa ra để khủng bố, giết người, thì hành động này chỉ có thể là hành động sai lầm mà thôi. Một giáo viên cho rằng kỳ thị chủng tộc và màu da là một điều tốt, cho nên đã quảng bá điều đó cho các học sinh, thì đó cũng chỉ có thể là một hành động sai lầm mà thôi. Dĩ nhiên, tự thâm tâm người đó có thành thực hay không, chỉ có Chúa biết, nhưng điều đó không biện minh được sự kiện người ấy đang hành động theo một lương tâm sai lạc.
Qua những thí dụ trên, chúng ta có thể nêu bật một nguyên tắc: thành thật và đúng đắn là hai ý niệm hoàn toàn khác biệt nhau, một người dù có thành thật đến đâu không đương nhiên hành động đúng. Chính vì lương tâm có thể sai lầm mà nó không ngừng cần được hướng dẫn. Hành động theo phán đoán của một lương tâm không dựa vào bất cứ nguyên tắc hay tiêu chuẩn khách quan nào, đó là một thái độ liều lĩnh, nếu không muốn nói là điên rồ. Là một người Công giáo nhưng hành động chỉ dựa trên phán đoán cá nhân, mà không theo một sự chỉ đạo nào của Giáo Họi, hành động như thế chẳng khác nào lái xe mà chẳng cần bất cứ một bảng chỉ dẫn nào trên đường. Chúng ta hãy thử tưởng tượng: Có hai người quyết định làm một cuộc du lịch đến một nơi xa, nhưng đến một ngã tư, họ không biết phải rẽ bên nào. Một người phát biểu như sau: "Chúng ta là những con người tự do và trưởng thành, chúng ta có thể tự quyết định mà không cần phải xem bản đồ hay hỏi ý kiến của bất cứ ai". Còn người kia nếu sáng suốt một chút chắc hẳn phải đáp lại: "Này ông bạn, ông điên rồi sao? Dĩ nhiên chúng ta là những người có tự do và phải quyết định về cuộc hành trình của mình, nhưng vấn đề ở đây là chúng ta nên quyết định thế nào? Ðâu là quyết định đúng đắn của chúng ta? Chúng ta đang đứng trước một ngã tư, nếu chúng ta không chọn đúng ngã rẽ, chúng ta sẽ lạc đường. Và để dễ dàng và chắc chắn, tại sao chúng ta không nhìn bản đồ hay đọc các ký hiệu trên đường hoặc hỏi một viên cảnh sát đang đứng chỉ đường: bản đồ, các ký hiệu, viên cảnh sát đều là những người đáng tin cậy. Bạn nghĩ rằng nhìn bản đồ, đọc các ký hiệu, hỏi ý kiến viên cảnh sát là một hành động hạ giảm nhân phẩm, tự do và trách nhiệm ư?".
Lời phát biểu tưởng tượng trên đây giúp chúng ta hiểu phần nào chỗ đứng của giáo huấn Giáo Hội trong những quyết định luân lý của người kitô hữu. Người kitô hữu trưởng thành là người có thể làm những quyết định tự do và cá nhân, nhưng để làm những quyết định ấy, họ phải dựa vào chính giáo huấn của Giáo Hội: Giáo Hội mà họ gia nhập với tất cả ý thức và họ tin rằng được chính Chúa ủy thác cho sứ mệnh hướng dẫn con người.