Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 17 -

Tự Do Nội Tâm

 

Tự do, theo quan niệm thông thường của quảng đại quần chúng là muốn làm gì thì làm. Thực tế cho thấy đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Một người muốn làm gì thì làm mà không quan tâm đến người khác, một người sống theo sự thúc đẩy của bản năng, chắc hẳn không còn là một người tự do nữa. Phản ứng tự nhiên của con người thường là đồng hóa tự do với sự vắng bóng những ràng buộc và giới hạn. Người ta nghĩ rằng càng ít bị ràng buộc, giới hạn, con người càng được tự do. Thật ra, không phải bất cứ ràng buộc và giới hạn nào cũng là một cản trở cho tự do, bởi vì có những ràng buộc, những giới hạn cần thiết để bảo đảm cho tự do, luật đi đường là một bằng chứng rõ rệt nhất.

Tự do đích thực được nói đến ở đây là tự do nội tâm. Một con người tự do thực sự là người có khả năng nội tâm làm chủ được chính mình, và để làm chủ được chính mình, con người không thể không tự đặt cho mình những ranh giới và hạn chế. Một nhà tranh đấu cho nhân quyền đã nói: "Bạn hãy giải phóng một người, nhưng người đó chưa thực sự có tự do, người đó còn cần phải tự giải phóng chính mình". Tự do đích thực do đó không phải là tự do khỏi những ràng buộc, mà chính là tự do cho những giá trị, tự do cho một lý tưởng, một mục đích cao cả. Thánh Augustinô đã để lại một câu đáng làm cho chúng ta suy nghĩ: "Bạn hãy yêu, rồi muốn làm gì thì làm". Chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa đích thực cho tự do mà thôi. Tự do chỉ có ý nghĩa vì tình yêu, tự do không có tình yêu sẽ là một thứ tự do vô nghĩa.

Chọn lựa những gì mình không ưa thích hay ít ra không thể tôn trọng, tức là chọn lựa một cuộc sống không có giá trị và như vậy là hạ giá nhân phẩm. Suy cho cùng, đó cũng chính là hỏa ngục, bởi vì hỏa ngục là tình trạng trong đó người ta chỉ chọn lựa điều mình thù ghét mà thôi. Một ý chí chỉ biểt chọn lựa điều mình không thích sẽ không còn là một ý chí tự do, nhưng là một ý chí nô lệ. Như vậy, một chọn lựa không có tình yêu là một bước dẫn đến chỗ tự hủy hoàn toàn. Con người cần phải yêu thương và yêu thương những gì đáng yêu thương, như thế mới là người có tự do thực sự. Ở đây thiết tưởng cần phải hiểu hai chữ tình yêu mà thánh Augustinô nói đến trong công thức của ngài "Bạn hãy yêu, rồi muốn làm gì thì làm". Tình yêu mà thánh nhân muốn ám chỉ ở đây chính là tình yêu đối với Thiên Chúa. Ai lấy tình yêu Thiên Chúa làm động lực cho những hành động của mình, người đó sẽ muốn những gì Chúa muốn, sẽ yêu thích những gì Chúa yêu thích. Do đó chính vì luôn có thể làm những điều Chúa muốn, người đó luôn làm điều mình thích và như vậy là người tự do nhất.

Tự do là muốn làm gì thì làm, nhưng dĩ nhiên chỉ muốn điều Chúa muốn mà thôi. Loại bỏ ý muốn của Thiên Chúa, con người sẽ không thực sự có tự do. Chúa Giêsu đã thể hiện lý tưởng của một con người có tự do thực sự: Ngài luôn sống theo thánh ý của Chúa Cha. Trong giờ phút nguy ngập nhất của cuộc sống, Ngài đã thể hiện tự do cao độ nhất mà con người có thể làm được, Ngài đã thưa xin vâng với Chúa Cha, đi cho đến tận cùng thân phận làm người bằng cách đón nhận cái chết, dĩ nhiên không phải cái chết nào cũng là một hành động tự do, mà chỉ có cái chết vì yêu thương mà thôi.

Con người được tạo dựng theo và giống hình ảnh Thiên Chúa. Như vậy ý muốn của Thiên Chúa được ghi khắc trong bản chất con người chính là con người chỉ có thể nên người, nghĩa là đạt tới cứu cánh của mình bằng tình yêu mà thôi. Chỉ có một ơn gọi cho con người, đó là sống yêu thương: càng sống yêu thương, con người càng trở nên tự do, trái lại càng sống ích kỷ, con người càng đánh mất tự do.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page