Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 14 -

Lương Tâm Phải Theo Chân Lý

 

Mới đây một tòa án tại bang Michigan, Hoa Kỳ, đã tha bổng cho một Bác sĩ bị tố cáo có hành động sát nhân khi ông tắt máy lồng kiếng nuôi trẻ em sinh non, chấm dứt sự sống đứa con của ông, vì sợ nó lớn lên không bình thường. Ra trước tòa, viên Bác sĩ này khai rằng ông không có ý định sát hại đứa con, ông chỉ hành động do tình thương vì không muốn thấy đứa bé vô tội phải sống trong đau khổ và không xứng với nhân vị của nó. Tòa án đã dựa trên lý do hành động này để tha bổng cho đương sự.

Có thể viên bác sĩ đã hành động theo lương tâm, nhưng liệu lương tâm của ông có phán đoán đúng không? Lương tâm là luật tối thượng cần phải được tuân theo, nhưng với những điều kiện nào?

Trước hết, chúng ta phải khẳng định rằng lương tâm không phải là một thứ trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Lương tâm cũng không phải là một thứ bản năng luân lý cá biệt của mỗi người. Lương tâm thiết yếu là một phán đoán của lý trí nhằm chỉ dẫn chúng ta biết đâu là đúng, đâu là sai trong hành động của chúng ta. Lý trí có khả năng biết bản chất cũng như cứu cánh của sự vật là Thiên Chúa, và dựa trên hiểu biết này, lương tâm ra lệnh cho chúng ta không được quay mặt khỏi Thiên Chúa hay tách rời sự vật ra khỏi Thiên Chúa. Lương tâm có tính tối thượng là thế đó. Dĩ nhiên, sự hiểu biết của lý trí được điều kiện hóa bởi thực tại. Không biết hoặc nhầm lẫn về bản chất đích thực của sự vật như được Thiên Chúa thiết định đó không còn là một hiểu biết đích thực nữa, do đó tính tối thượng của lương tâm còn tùy thuộc chính sự tối thượng của thực tại khách quan nữa. Một lương tâm được xem là tối thượng khi nó còn biết lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa, một lương tâm được xem là tối thượng khi nó được hiểu là chính tiếng nói của Thiên Chúa trong con người.

Như vậy nói đến lương tâm là nói đến mối tương quan với Thiên Chúa. Là tiếng nói tối thượng, lương tâm không chỉ có quyền tối thượng, mà còn có những nghĩa vụ phải tuân theo nữa. Lương tâm có nghĩa vụ phải tìm kiếm chân lý, khám phá ra những tiêu chuẩn luân lý khách quan hướng dẫn đến điều đúng, điều thiện. Nói khác đi, lương tâm có nghĩa vụ phải lắng nghe tiếng nói của Chúa, học biết những luật luân lý chi phối trật tự tự nhiên và siêu nhiên; lương tâm phải không ngừng học hỏi, tìm hiểu để hành động cho phù hợp chân lý.

Quả thật lương tâm là một nhà hướng đạo mà con người phải triệt để đi theo. Thế nhưng để có được giá trị tối thượng lương tâm phải không ngừng tuân theo chân lý. Lý trí có thể cảm thấy chấp nhận chân lý là điều khó khăn, nó có thể kháng cự lại chân lý, nhưng một khi đã nhận ra chân lý, thì lý trí không có chọn lựa nào khác hơn là tuyệt đối đầu hàng trước chân lý. Trong Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo, Công đồng Vaticanô II đã khẳng định về quyền tối thượng của chân lý như sau: "Chân lý tự nó có sức ép buộc trên lý trí con người, đây là một sức mạnh vừa êm dịu, vừa mãnh liệt. Chân lý có quyền tối thượng trên lý trí; đầu hàng trước chân lý, qui phục trước chân lý không phải là một sự thất bại đối với lý trí. Một khi đã nhọc công tìm kiếm và cuối cùng khám phá ra chân lý, chắc chắn lý trí sẽ cảm nhận được niềm vui."

Con người có thể đón nhận một chân lý và lấy đó làm xác tín riêng của mình. Thế nhưng trong việc tìm kiếm chân lý, thường thường con người luôn cần có sự hướng dẫn của người khác. Trong bất cứ lãnh vực nào, câu châm ngôn "Không thầy đố mày làm nên" vẫn luôn có giá trị. Nhiều người cho rằng một trong những dấu hiệu của sự trưởng thành là chỉ tin tưởng nơi mình, tự mình kiểm chứng mọi sự; còn phải để cho người khác ảnh hưởng hay hướng dẫn hoặc không tự mình khám phá chân lý là một dấu hiệu còn ấu trĩ. Trong thực tế, chúng ta không thể tiến bước trong cuộc sống mà không có sự hướng dẫn và giúp đỡ của người khác hay của một quyền bính lớn hơn chúng ta. Sống là cần phải có sự tin tưởng: khi chúng ta đi gặp bác sĩ, chúng ta phải tin tưởng nơi bác sĩ, khi chúng ta đi mua thuốc, chúng ta cũng phải tin tưởng nơi dược sĩ là người bán thuốc. Một người không biết ai mình có thể tin tưởng được hoặc phải tin tưởng vào điều gì trong cuộc sống sẽ là một kẻ cô đơn, bất hạnh. Như vậy, lương tâm có quyền tối thượng đối với con người, nhưng lương tâm không thể đứng trên chân lý. Và để có thể khám phá chân lý, con người cần được sự hướng dẫn của một người khác hay một quyền bính cao hơn mình. Một cách cụ thể, quyền bính đối với một người Công giáo chính là Giáo Hội, vì Giáo Hội đã được Chúa Kitô ủy thác cho kho tàng mạc khải, tức là kho tàng chân lý về sự cứu rỗi của con người.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page