Chân Lý và Tự Do
(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 13 -
Sống Theo Tiếng Nói Lương Tâm
Tạp chí Newsweek có ghi lại một cuộc thăm dò về ý thức luân lý nơi người dân Mỹ hiện nay: 62% cảm thấy xấu hổ nếu hành động ngoại tình của mình bị người khác biết, 73% cảm thấy xấu hổ nếu có người biết họ đánh đập con cái trong lúc nóng giận, 69% cảm thấy xấu hổ nếu có người biết họ bị phạt vì lái xe trong lúc say rượu. Nói chung, theo kết quả cuộc thăm dò, đa số người dân Mỹ còn biết xấu hổ, nghĩa là còn biết phân biệt đúng, sai, tốt, xấu, và đó là một phản ứng lành mạnh cần được luyện tập.
Lương tâm được đào luyện bằng thái độ luôn sống theo tiếng nói lương tâm; trái lại bị lèo lái và bóp méo khi con người sống ngược lại với tiếng nói lương tâm. Bất cứ ai cũng có kinh nghiệm về phạm tội, tức là làm một điều xấu, một hành động mà lương tâm bảo là sai lầm. Chẳng hạn một người nào đó cảm thấy mình phải nói sự thật, cho dù trong một hoàn cảnh nào đó nói lên sự thật là một điều vô cùng khó khăn. Nhưng vì có ý chí tự do, người đó có thể chọn lựa nói dối; trong trường hợp này, nói dối có thể đem lại một sự thỏa mãn nào đó, nhưng khi đã được thỏa mãn, người đó nhìn lại việc làm của mình, lúc bấy giờ lương tâm sẽ lên tiếng phán bảo: "Ngươi đã làm điều xấu". Nếu người đó còn lắng nghe được tiếng nói ấy, chúng ta sẽ bảo rằng người ấy có một lương tâm bén nhạy; ngược lại, người ấy cũng có thể bóp nghẹt tiếng nói ấy để thích nghi với hoàn cảnh. Một lương tâm bị bóp nghẹt như thế sẽ là một thảm họa đối với con người.
Chúng ta có thể so sánh lương tâm với một hệ thống báo động hay chính hệ thống thần kinh. Có những lúc chúng ta cảm thấy đau đớn trong thân thể, như nhức đầu, cảm sốt, đau răng... Ðó là những báo động do hệ thần kinh cung cấp để cảnh giác chúng ta rằng có một cái gì đó bất ổn trong chúng ta, chúng ta tìm đến thầy thuốc để nhờ họ chữa trị. Như vậy nếu chúng ta không còn cảm nhận được một đau đớn nào nữa, thì đó là dấu hiệu đáng lo ngại: hệ thần kinh của chúng ta đang lâm nguy. Cũng thế, khi lương tâm bị bóp nghẹt, khi con người không còn nghe được tiếng nói lương tâm lúc đó con người sẽ vô phương tự vệ trước sự ích kỷ; khi con người không còn một cảm thức nào về thiện ác, thì đó quả thật là một cái chết về nhân phẩm. Lương tâm một người được xem là lành mạnh khi những nguyên tắc luân lý của người đó đúng và phù hợp với chân lý khách quan. Khi những nguyên tắc luân lý của một người nào đó sai, thì lương tâm người đó bệnh hoạn. Nhưng khi một người không còn sống theo bất cứ một nguyên tắc luân lý nào, thì lương tâm người đó là một lương tâm chết.
Một lương tâm lành mạnh không bao giờ là một bảo đảm tuyệt đối khỏi hành động sai lầm. Một người có lương tâm lành mạnh vẫn có thể phạm tội, nhưng người đó vẫn có ý thức về điều xấu. Lương tâm của người đó sẽ gửi đến những tín hiệu và người đó sẽ ghi nhận những tín hiệu đó. Như vậy lắng nghe tiếng nói lương tâm có nghĩa là biết thành thật với chính mình. Ðó là điều kiện tối cần để đào luyện lương tâm. Tin Mừng Mc 11, 7-33 ghi lại rằng có một nhóm tư tế và lãnh đạo tôn giáo đến gặp Ðức Giêsu Kitô để chất vấn Ngài. Họ hỏi Ngài: "Ông lấy quyền gì mà hành động như thế?" Chúa Giêsu sẵn sàng trả lời câu hỏi của họ với điều kiện chính họ cũng phải thành thật và tự hỏi chính mình. Ngài hỏi họ về phép rửa của Gioan Tẩy giả bởi Trời hay bởi loài người, nhưng họ đã không trả lời, không nói lên những gì lương tâm họ mách bảo, mà chỉ cân nhắc câu trả lời nào thích hợp với họ mà thôi. Ðó là điển hình của một cuộc sống thiếu thành thật. Khi không sẵn sàng lắng nghe tiếng nói và đòi hỏi của lương tâm, con người cũng tự cắt đứt liên lạc với Thiên Chúa. Khi con người sợ đối diện với lương tâm mình, nó cũng sợ đối diện với Thiên Chúa.