Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 12 -

Hoán Cải Lương Tâm

 

"Các ngươi sẽ nhận biết chân lý và chân lý sẽ làm cho các ngươi được tự do". Một chi tiết mang nhiều ý nghĩa trong câu nói này là thì tương lai của các động từ "nhận biết" và "làm cho tự do". Theo nghĩa đó, việc nhận biết chân lý và tự do vẫn luôn là mục đích phải hướng tới một đối tượng không bao giờ đạt được một cách trọn vẹn và dứt khoát. Ðiều này có nghĩa là việc hoán cải không bao giờ dừng lại đối với người tín hữu. Hoán cải để cố gắng hiểu một cách đầy đủ hơn trong tương quan giữa chân lý và tự do; hoán cải để sống tương quan ấy một cách có trách nhiệm và tích cực hơn trong cuộc sống luân lý hằng ngày. Trong thư Rm 12,2 thánh Phaolô đã nói đến sự hoán cải ấy như sau: "Anh em đừng rập theo đời này, nhưng hãy canh tân lương tri, mà biến hình đổi dạng, làm sao anh em thẩm định được ý Thiên Chúa là gì, thật là tốt lành, thú vị trọn hảo".

Trong bài nói chuyện với các tham dự viên Ðại Hội Quốc tế về Thần học luân lý ngày 10 tháng 9 năm 1988 Ðức Gioan Phaolô II đã phân tích về thời đại chúng ta thế này:

"Câu nói của Philatô "Chân lý là gì?" ngày nay cũng xuất phát từ một con người do dự không còn biết mình là gì? bởi đâu mà đến? và sống để làm gì? Biết bao lần chúng ta chứng kiến những hoàn cảnh tự hủy dần dần mà con người đang rơi vào. Chạy theo một số tiếng gọi, con người xem ra không còn nhận thấy tính cách bất khả hủy diệt của giá trị luân lý nữa. Ai cũng nhận thấy sự sống vừa được cưu mang và chưa sinh ra đã bị khinh rẻ. Quyền cơ bản của con người không ngừng bị vi phạm, những nhu yếu phẩm cho một cuộc sống xứng với con người bị hủy hoại một cách bất công. Nhưng điều trầm trọng hơn là con người không còn xác tín rằng chỉ trong chân lý nó mới thực sự được cứu rỗi. Sức mạnh cứu thoát của chân lý bị phản kháng, con người chỉ còn biết có tự do, nhưng là thứ tự do hoàn toàn chủ quan, con người dành cho mình quyền định đoạt về sự thiện và sự ác".

Những lời của Ðức Gioan Phaolô II nêu bật thảm trạng của con người ngày nay đó là đánh mất ý thức về luân lý, con người không còn biết đâu là thiện, đâu là ác nữa. Do đó hoán cải quan trọng và cấp bách là hoán cải lương tâm. Lương tâm là thẩm phán hành động luân lý của con người, nhưng không phải là thẩm phán bất khả ngộ. Ðiều này có nghĩa là trong một số trường hợp nào đó, lương tâm có thể sai lầm, và cho dù tiếng nói lương tâm có tính cách cưỡng bách, lương tâm vẫn không ngừng được mời gọi tỉnh thức để luôn bảo đảm giây liên kết giữa chân lý và tự do. Chúa Giêsu đã cảnh cáo: "Ðèn của thân thể là con mắt, nếu mắt sáng thì toàn thân sáng, nếu mắt tối thì toàn thân sẽ tối". Trong Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" số 16 Công đồng nói đến lương tâm có thể sai lầm: "Lương tâm nhiều khi lầm lạc vì sự vô tri bất khả kháng. Dù vậy, không vì thế mà mất đi phẩm giá của nó. Nhưng không thể nói như thế khi con người ít lo lắng tìm kiếm chân, thiện, cũng như khi vì thói quen phạm tội mà lương tâm dần dần trở nên mù quáng".

Tìm kiếm chân lý và tìm kiếm sự thiện, đó là hai điều kiện thiết yếu để đào luyện lương tâm bảo đảm cho mối liên kết giữa chân lý và tự do, một điều kiện như thế không phải là điều dễ làm trong xã hội ngày nay. Ðức Gioan Phaolô II đã nói đến căn bệnh trầm trọng của thời đại đó là dửng dưng đối với chân lý, thái độ này được biểu lộ trong chủ trương chân và giả của vấn đề chỉ là việc của sở thích, của những điều kiện văn hóa, xã hội, hoặc cho rằng chỉ cần làm những điều chúng ta nghĩ mà không cần biết điều chúng ta nghĩ có đúng hay sai. Người ta cũng tỏ ra dửng dưng với chân lý khi chủ trương rằng tìm kiếm chân lý đối với con người quan trọng hơn là đạt được chân lý. Nhưng nếu con người tỏ ra dửng dưng với chân lý nó cũng không quan tâm đến việc đào luyện lương tâm và cuối cùng sẽ bám vào một ý kiến riêng tư hay ý kiến của đám đông. Tại sao có thể có một căn bệnh như thế? Theo Ðức Thánh Cha, nguyên nhân sau cùng của căn bệnh này là lòng kiêu ngạo: kiêu ngạo là cội rễ của mọi thứ tội, kiêu ngạo đưa con người tới chỗ tự cho mình có quyền định đoạt như một quan tòa tối cao và do đó chối bỏ tính siêu việt của chân lý.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page