Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 11 -

Lương Tâm Theo Luân Lý Kitô Giáo

 

Lương tâm là một khả năng gắn liền với sự sống: còn sống là còn có lương tâm, chỉ có điều là trong mỗi người có một lương tâm, nhưng thái độ của mỗi người đối với lương tâm lại khác nhau. Không ai thoát khỏi tiếng nói của lương tâm, nhưng lắm khi có người cố bóp nghẹt tiếng nói lương tâm, hoặc do hoàn cảnh người ta không nhận ra một cách đúng đắn tiếng nói lương tâm và tội ác phát xuất từ đó. Hơn bao giờ hết trong hoàn cảnh hiện nay, đào luyện lương tâm, hay đúng hơn giúp con người sống theo tiếng nói lương tâm là một trong những điều cấp bách nhất nếu muốn cải tạo xã hội.

Dưới khía cạnh tâm lý, lương tâm trước tiên là một ý thức giúp con người nhận ra chính mình như một hữu thể có lý trí và tự do. Nhận thức này làm phát sinh tức khắc ý thức luân lý, nghĩa là vì ý thức mình có lý trí và tự do, con người cũng cảm nhận thấy ngay là mình được mời gọi để làm điều thiện và tránh điều ác. Dưới khía cạnh luân lý, lương tâm gắn liền với luật luân lý. Trong Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" Công đồng Vaticanô II cho rằng trong đáy thẳm của lương tâm con người khám phá một lề luật mà nó không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo, và tiếng nói của lương tâm luôn kêu gọi con người phải yêu thích và làm điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vâng đúng lúc trong tâm hồn con người. Như vậy có một luật lệ làm tiêu chuẩn cho những phán đoán và quyết định của con người. Tuân theo luật lệ đó là tuân theo chân lý về con người, đồng thời đảm bảo cho phẩm giá con người. Nói khác đi, với lương tâm, con người trở thành thẩm phán về tính cách luân lý của hành động cụ thể của mình. Nhưng lương tâm không chỉ là thẩm phán, mà còn là chứng nhân nữa. Trước chứng từ của lương tâm, con người không thể chối cãi được. Con người có thể thoát khỏi một phán quyết của tòa án loài người, nhưng không ai thoát khỏi sự luận phạt và làm chứng của tòa án lương tâm. Lương tâm không chỉ làm chứng, nó còn quyết định và ra lệnh, và lệnh của lương tâm là tuyệt đối, nghĩa là không thể miễn chước vì bất cứ lý do hay hoàn cảnh nào. Xét cho cùng, lương tâm chính là tiếng nói của Thiên Chúa trong thẩm cung lòng con người. Thánh Bonaventura so sánh lương tâm với sứ giả của Thiên Chúa, sứ giả không loan báo một sứ điệp của riêng mình, nhưng chỉ loan báo những gì xuất phát từ Thiên Chúa, do đó lương tâm đòi hỏi một cách tuyệt đối.

Những nhận định trên đưa đưa đưa chúng ta đến kết luận: con người không thể là người vô thần. Con người có thể tự cho mình là vô thần, nhưng bao lâu còn sống thì bấy lâu con người vẫn nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa tận đáy thẳm lòng mình. Con người có thể bịt tai trước tiếng nói ấy và khước từ lời mời gọi đối thoại của Thiên Chúa, nhưng con người không thể chối được rằng có một tiếng nói từ sâu thẳm lòng mình. Thảm trạng bi đát nhất mà con người ngày nay đang rơi vào, chính là cố gắng bóp nghẹt tiếng nói của Thiên Chúa trong tâm hồn mình. Nhưng dù có cố gắng đào thoát đến đâu, tiếng nói ấy vẫn cứ vang vọng trong con người. Kinh Thánh đã diễn tả cuộc đào thoát của con người qua hình ảnh trốn chạy vô vọng của Cain sau khi giết em mình: có ẩn sâu trong lòng đất, Cain vẫn thấy ánh mắt dõi theo và nghe được giọng nói "Cain, em ngươi đâu?"

Triết gia Pascal đã nhận ra trong muôn vàn sáng kiến giải trí của con người là một cuộc trốn chạy. Con người muốn trốn chạy khỏi chính mình, con người muốn lẫn trốn tiếng gọi của Thiên Chúa, nhưng càng trốn chạy, con người càng rơi vào trống rỗng và đánh mất chính mình. Thật ra, Thiên Chúa đặt để trong lương tâm con người không phải để hạn chế tự do hay luận phạt con người, nhưng là để mời gọi con người sống nên người hơn. Lương tâm xét cho cùng cũng chính là tiếng gọi yêu thương của Thiên Chúa. Bóp nghẹt hay khước từ tiếng nói lương tâm là khước từ chính tình yêu và do đó cũng là hạ giảm phẩm giá con người.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page