Chân Lý và Tự Do
(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 10 -
Vấn Ðề Lương Tâm
Lương tâm là một trong những vấn đề quan trọng nhất của lãnh vực luân lý. Chúng ta có thể khẳng định: lương tâm còn, thì đời sống xã hội và các quan hệ giữa người với người còn tốt đẹp; nhưng khi lương tâm bị bóp nghẹt, thì xã hội cũng chết dần chết mòn. Vấn đề lương tâm không chỉ là lãnh vực thuần túy luân lý, mà là vấn đề của mọi vấn đề. Chỉ lương tâm mới mạnh dạn chống lại sự dối trá mà thôi.
Trong sứ điệp đầu năm 1991, Ðức Gioan Phaolô II đã viết:
"Không một quyền bính loài người nào có thể can thiệp vào lương tâm của bất cứ người nào. Lương tâm là chứng tá sự siêu việt của con người ngay cả trước mặt xã hội, do đó lương tâm là bất khả xâm phạm. Chối bỏ tự do lương tâm của một người, nhất là lương tâm tìm kiếm chân lý, hoặc toan tính cưỡng bách người đó phải chấp nhận một cách hiểu biết chân lý của riêng mình, thì điều đó đi ngược với quyền thâm sâu nhất của người đó. Chính nơi lương tâm mà vấn đề bảo đảm một nền hòa bình vững bền được đặt ra, bởi vì không tôn trọng lương tâm người khác là một trong những nguyên nhân gây xáo trộn cho thế giới".
Tuy nhiên, theo Ðức Gioan Phaolô II lương tâm không phải là một cái gì tuyệt đối đứng trên chân lý và sai lầm. Bản chất thâm sâu của lương tâm gia đình, mối tương quan của nó với chân lý khách quan phổ quát và như nhau đối với mọi người. Ðó là chân lý mà mọi người đều có thể và phải tìm kiếm.
Phát biểu của Ðức Thánh Cha được múc lấy từ giáo huấn của Giáo Hội về lương tâm con người. Số 16 của Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" viết:
Con người khám phá ra tận đáy lương tâm mình một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo, và tiếng nói lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn con người. Quả thật con người có lề luật được Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người, và chính con người cũng bị xét xử theo lề luật ấy nữa".
Lương tâm là điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện với một mình Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ. Nhờ lương tâm, lề luật được thực hiện trong sự yêu mến Thiên Chúa và anh em và được biểu lộ một cách kỳ diệu. Trung thành với lương tâm, người kitô hữu liên kết với người khác để tìm kiếm chân lý và giải quyết trong chân lý biết bao vấn đề luân lý được đặt ra trong đời sống cá nhân cũng như trong các giao tiếp xã hội. Bởi vậy lương tâm ngay thẳng càng thắng thế, thì cá nhân và cộng đoàn càng tránh được độc đoán mù quáng và nỗ lực tuân phục những Những tiêu chuẩn khách quan của luân lý. Tuy nhiên, lương tâm nhiều khi sai lầm vì một sự hiểu biết mà mình không tránh khỏi, nhưng cũng không vì thế mà mất hết giá trị của nó. Ðiều này sẽ không có giá trị khi con người ít tìm kiếm điều thiện cũng như vì thói quen phạm tội mà lương tâm dần dần trở nên mù quáng.