Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 08 -

Chiều Kích Luân Lý Của Con Người

 

Nói đến luân lý là nói đến trách nhiệm, và bởi vì con người là tạo vật duy nhất có ý thức trách nhiệm về bản than, về tha nhân, về thế giới, cho nên con người là hữu thể có luân lý. Theo mạc khải Kitô giáo, con người là hữu thể có luân lý vì được tạo dựng theo và giống hình ảnh Thiên Chúa. Con người là tạo vật duy nhất được đặt vào trong tương quan đối thoại: đối thoại với Thiên Chúa, với tha nhân, với vũ trụ. Nói khác đi, con người là tạo vật duy nhất đã được Ðấng Tạo Hóa ủy thác cho sứ mệnh phải thực thi một cách có trách nhiệm trong lịch sử.

Con người là hữu thể có luân lý, có trách nhiệm. Ðó là điều đã được nêu bật ngay từ những trang đầu sách Khởi Nguyên. Kinh thánh đã nối liền sự kiện con người được tạo dựng theo và giống hình ảnh Thiên Chúa, với sứ mệnh thống trị trên chim trời và cá biển. Nơi Khởi Nguyên 9,6 mệnh lệnh liên quan đến việc tôn trọng sự sống con người lại càng rõ nét hơn: "Ai đổ máu người, do người, máu nó sẽ phải đổ ra". Việc giết người bị cấm và bị trừng phạt bởi lẽ con người là hình ảnh của Thiên Chúa; là hình ảnh của Thiên Chúa. Con người tham dự vào sự bất khả xâm phạm của Thiên Chúa. Như vậy nên tảng của phẩm giá và tính cách bất khả xâm phạm của con người cũng như nghĩa vụ phải tôn trọng mạng sống con người chính là hình ảnh Thiên Chúa nơi mỗi người.

Sang đến Tân ước, chiều kích luân lý của phạm trù hình ảnh Thiên Chúa được khai triển trong tương quan với Ðức Giêsu Kitô. Trong thư 1Corintô 11,7 khi bàn về một số cử chỉ trong Phụng vụ, thánh Phaolô viết: "Ðàn ông không nên che đầu, một khi là hình ảnh, là ánh quang của Thiên Chúa". Trong lý luận của Phaolô, hình ảnh Thiên Chúa bao hàm một giá trị luân lý: vì là hình ảnh Thiên Chúa, nên con người không được phép làm điều này hay điều nọ. Theo thánh Giacôbê, phẩm giá cao trọng và bất khả xâm phạm của con người chính là vì mang lấy hình vì mang lấy hình ảnh Thiên Chúa trong mình. Nhưng bản văn quan trọng nhất của Tân ước về chiều kích luân lý của phạm trù hình ảnh Thiên Chúa có lẽ là Côrintô 3,9-10: "Anh em đã lột bỏ người cũ với các hành vi của nó, và mặc lấy người mới được căn tân, hầu đạt thấu sự am tường đích thực, chiếu theo hình ảnh của Ðấng đã dựng nên nó". Ðối với Phaolô, canh tân là một nghĩa vụ gắn liền với hình ảnh Thiên Chúa mà con người mang trong mình.

Từ những chỉ dẫn Kinh Thánh trên, chúng ta có thể thấy một vài đặc điểm của nghĩa vụ luân lý:

1. Ðặc điểm thứ nhất: là nghĩa vụ luân lý không đến từ bên ngoài, nhưng xuất phát từ chính con người. Vì là hình ảnh của Thiên Chúa, con người cảm thấy như một đòi hỏi nội tại phải sống thế nào để thể hiện hình ảnh ấy, để làm vinh danh Thiên Chúa. Nghĩa vụ luân lý, hay nói một cách cụ thể, nghĩa vụ phải làm điều thiện và tránh điều ác, không do một áp đặt từ bên ngoài, nhưng là một đòi hỏi xuất phát từ bản chất con người.

2. Ðặc điểm thứ hai: bất cứ hành động luân lý nào của con người cũng luôn có một giá trị tôn giáo, cộng đồng và vũ trụ. Là hình ảnh của Thiên Chúa, trước tiên con người được đặt vào tương quan đối thoại với Thiên Chúa. Như vậy không một hành động luân lý nào của con người mà không liên hệ với Thiên Chúa: mọi hành động luân lý hoặc là một chối bỏ, hoặc là một tuyên xưng Thiên Chúa. Thứ đến, không một hành động luân lý nào của con người mà không liên quan đến người khác, bởi vì con người vừa đặt đặt vào tương quan đối thoại với người khác, vừa đi vào tương quan đối thoại với tha nhân. Cuối cùng, với sứ mệnh thống trị vũ trụ, con người còn có trách nhiệm đối với vũ trụ nữa.

3. Ðặc điểm thứ ba: là tính cách lịch sử của hành động luân lý. Nói đến lịch sử là nói đến thời gian: mỗi hành động luân lý của con người diễn ra trong hiện tại, nhưng lại liên hệ với quá khứ và tương lai; con người không thể chối bỏ quá khứ của mình, nhưng lại đồng thời hướng về tương lai. Hơn nữa, hành động luân lý của mỗi người không chỉ là hành động của từng cá nhân, nhưng còn được đặt trong liên đới trách nhiệm với người khác nữa. Do đó mỗi hành động luân lý đều liên hệ đến lịch sử của cộng đồng. Sau cùng hành động luân lý của con người mang tính lịch sử, bởi vì nó được đó được đặt trong toàn bộ lịch sử cứu độ. Tội Nguyên tổ vẫn tiếp tục tác động trên hành động luân lý của con người. Nơi con người là cả một đấu trường mà âm hưởng của tội Nguyên tổ còn diễn ra "Ðiều thiện tôi muốn, tôi không làm, con điều ác tôi không muốn, tôi lại làm". Nhưng lịch sử cứu độ không chỉ là lịch sử của tội lỗi mà còn là ân sủng, lịch sự cứu độ là lịch sử của cuộc song đấu giữa tội lỗi và ân sủng trong con người, lịch sử cứu độ là lịch sử của tiếng gọi của Thiên Chúa và sự đáp trả của con người.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page