Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 06 -

Ðức Kitô là Khuôn Mẫu Sống Ðộng

 

Mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa, con người luôn cảm thấy được thôi thúc làm điều thiện và tránh điều ác. Nhưng tự sức mình nhất là do ảnh hưởng của tội lỗi, con người không thể sống theo ơn gọi đó một cách đúng đắn được. Chính vì thế, Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài đến trần gian để mạc khải cho con người thấy hình ảnh đích thực của Ngài và bày tỏ cho con người con đường để sống theo hình ảnh ấy. Như vậy chỉ trong Chúa Kitô, và nhờ Chúa Kitô, con người mới có thể sống ơn gọi của mình một cách đúng đắn.

Trước hết, Ðức Kitô là khuôn mẫu của con người. Trong ngành công nghiệp thông thường nhà sáng chế tạo ra một nguyên mẫu rồi dựa vào đó mà sản xuất hàng loạt. Hình ảnh này có thể giúp chúng ta hiểu phần nào tương quan giữa con người và Ðức Kitô. Trong Ðức Kitô, Thiên Chúa đã tưởng nghĩ đến mỗi người và muốn mỗi người được nên giống Ðức Kitô. Như vậy, định mệnh và ơn gọi của mỗi người là sống như Ðức Kitô và trong Ðức Kitô. Không thể có hành động nào của con người xét như là con người mà không liên quan đến Ðức Kitô. Nói khác đi, qua mỗi hành động luân lý của mình, hoặc là con người nên người hơn vì được nên giống Ðức Kitô, hoặc là con người đánh mất chính mình vì không giống Ðức Kitô.

Là khuôn mẫu của con người, Ðức Kitô cũng là cùng đích của con người. Nói khác đi, Ðức Kitô chính là lý do hiện hữu của con người. Trong thư gửi tín hữu Côlôsê (Cl 1,15-20) khi nói về tương quan mầu nhiệm giữa Ðức Kitô và vũ trụ, Thánh Phaolô khẳng định: "Mọi sự đã được tạo thành và giao hòa bởi Ngài". Chứ "bởi" trong văn mạch nêu bật rằng mọi sự đều qui hướng về Ðức Kitô. Như vậy, sống đối với con người là sống sống cho Ðức Kitô, là sống cho vinh quang của Ngài.

Cuối cùng, là hình ảnh Thiên Chúa trong Ðức Kitô. Ðiều này cho thấy Ðức Kitô là nguyên lý của con người. Thánh Phaolô đã nhấn mạnh ý tưởng này trong các thư của Ngài. Chẳng hạn trong thư gửi tín hữu Côlôsê (Cl 8,6) Ngày viết: "Chỉ có một Thiên Chúa là Cha, do tự Người mà có mọi sự, và vì Người mà ta được có. Và chỉ có một Chúa, Ðức Giêsu Kitô, nhờ Ngài mà có mọi sự, và cũng nhờ Ngài mà ta được có". Trong thư gửi tín hữu Côlôsê (Cl 1,17), Thánh Phaolô khẳng định: "Tất cả mọi sự đều tồn tại trong Ngài".

Ðức Giêsu Kitô là khuôn mẫu, là cùng đích, là nguyên lý của con người. Ðó cũng là điều đã được Ðức Phaolô VI quảng diễn trong huấn dụ ngày 13-02-1965:

"Chúa Giêsu là tột điểm những khát vọng của con người, là điểm đến của những niềm hy vọng, là lời cầu nguyện của chúng ta, Ngài là tiêu điểm của ước vọng lịch sử và các nền văn minh, nghĩa là Ngài là Ðấng Cứu, Thế là tâm điểm của nhân loại, là Ðấng đem lại ý nghĩa cho các biến cố của con người, là Ðấng đem lại niềm vui và kiện toàn khát vọng của mọi con tim. Ngài là con người đích thực, là kiểu mẫu của sự hoàn hảo, của cái đẹp, của sự thánh thiện. Ngài là nguyên lý của đời sống thiêng liêng và luân lý của chúng ta, Ngài nói cho chúng ta biết phải làm gì, Ngài ban sức mạnh ân sủng để chúng ta làm được điều đó".

Công đồng Vaticanô II cũng khẳng định một cách tương tự trong số 10 Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng".

"Giáo hội tin tưởng rằng Ðức Giêsu Kitô đã chết và sống lại cho mọi người. Vì thế, qua Thánh Thần của Ngài, Ngài ban cho con người ánh sáng và sức mạnh để có thể đáp lại thiên chức cao cả của mình. Giáo hội cũng tin rằng dưới bầu trời này chẳng còn chẳng còn danh hiệu nào khác được ban cho loài người để loài người phải nhờ đó mà được cứu rỗi. Cũng thế, Giáo Hội tin rằng đầu mối, trung tâm và cùng đích của toàn thể lịch sử nhân loại đều ở trong Ðức Kitô là Chúa và là Thầy của Giáo Hội".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page