Chân Lý và Tự Do
(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 05 -
Lịch Sử Tính Của Con Người
Con người hiện hữu và sống trong lịch sử. Lịch sử tính là yếu tố nền tảng của con người xét như là hình ảnh của Thiên Chúa. Khi mạc khải con người như là hình ảnh của Thiên Chúa, Kinh Thánh không trình bày con người như một chân dung bất động, mà như một ngôi vị năng động, chịu trách nhiệm và làm chủ chính mình cũng như góp công xây dựng xã hội. Trong vũ trụ hữu hình, con người là tạo vật duy nhất có khả năng lắng nghe và đón nhận tiếng kêu mời từ Thiên Chúa. Thiên Chúa kêu gọi tất cả, và mỗi người thực thi một cách có trách nhiệm một sứ mệnh nhất định. Tiếng gọi ấy có những đặc điểm sau đây:
1. Tiếng gọi ấy đến từ Thiên Chúa
Ðiều này có nghĩa là Thiên Chúa chính là chúa tể của lịch sử. Ngài thể hiện tình yêu của Ngài một cách tự do và nhưng không. Ngài kêu mời và chọn lựa một cách tự do và theo chương trình của Ngài. Ðiều này cũng nói lên chính tự do của con người: Có tiếng gọi là có sự đáp trả, một Thiên Chúa tự do kêu mời không chờ đợi một thái độ nào khác hơn là sự tự do đáp trả của con người .
2. Tiếng gọi ấy kêu mời tất cả mỗi người.
Kinh Thánh trình bày lịch sử dưới ba chiều kích: Lịch sử của cá nhân; lịch sử của dân đặc tuyển; lịch sử của toàn nhân loại. Mỗi người là một hữu thể tự do và cá biệt, mỗi người đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự đáp trả của mỗi người không chỉ là sự đáp trả cá biệt, mà còn liên hệ đến người khác. Vận mệnh của từng người gắn liền với vận mệnh của cộng đoàn, của dân tộc, của nhân loại. Do đó, tiếng gọi của Thiên Chúa được ngỏ với từng người nhưng lại được đón nhận trong tình liên đới với người khác. Nói khác đi, mỗi người không chỉ chịu trách nhiệm về mình, mà còn liên đới trách nhiệm với mọi người.
3. Tiếng gọi ấy là một sứ mệnh đòi hỏi một trách nhiệm nơi con người.
Ðiều này được thấy rõ nơi ơn gọi của Abraham, của Môsê, của các tiên tri. Thiên Chúa kêu gọi và trao cho họ một sứ mệnh. Lịch sử cá nhân họ cũng như của dân tộc và toàn nhân loại tùy thuộc sự đáp trả của họ. Thiên chúa tôn trọng tự do của mỗi người, giữa Ngài và mỗi người như thể luôn có sự trao đổi, bàn bạc. Ở đây chúng ta thấy nêu bật tư cách hình ảnh Thiên Chúa của con người: Con người cao cả đến độ Thiên Chúa không bao giờ áp đặt, trái lại, Ngài trình bày chương trình của Ngài và mời gọi con người tham gia thực thi chương trình ấy. Ðức Phaolô VI trong thông điệp "Phát triển các dân tộc" đã giải thích về ơn gọi của mỗi người như sau: "Trong chương trình của Thiên Chúa, mỗi người đều được mời gọi phát triển, bởi vì mỗi cuộc sống là một tiếng gọi. Từ lúc sinh ra, tất cả mọi người đều lãnh nhận một số khả năng và đức tính như một mầm mống cần phải được phát triển. Nhờ giáo dục của môi trường và cố gắng riêng, mỗi người có thể đạt tới đích mà Ðấng Tạo Hóa đã chỉ định cho mình".
Ðược Thiên Chúa mời gọi tham gia chương trình của Ngài, nhưng con người đã đáp trả lời kêu gọi đó như thế nào? Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" số 13 đã tóm tắt như sau: "Con người được Thiên Chúa thiết lập trong sự công chính, tuy nhiên ngay từ đầu lịch sử, con người nghe theo Thần Dữ đã lạm dụng tự do của mình để nổi dậy chống lại Thiên Chúa và muốn đạt tới cứu cánh ở bên ngoài Thiên Chúa. Dù họ đã nhận biết Thiên Chúa, nhưng họ đã chẳng tôn vinh Ngài như Thiên Chúa, trái lại tâm hồn mê muội của họ đã ra tối tăm và họ đã phụng sự tạo vật hơn là Ðấng Tạo Hóa. Ðiều Thiên Chúa mạc khải cho ta biết cũng phù hợp với kinh nghiệm của ta. Bởi vì nếu nhìn sâu tận đáy lòng mình, con người cũng khám phá ra rằng mình đã hướng về sự dữ và ngụp lặn trong muôn vàn sự dữ là những điều không thể xuất phát từ Ðấng Tạo Hóa của mình. Nhiều khi từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa Như nguyên ủy của mình, con người cũng phá đổ trật tự phải có để đạt tới cùng đích của mình, đồng thời phá vỡ mọi hòa hợp nơi chính bản thân cũng như đối với những người khác và với mọi thụ tạo".
"Vậy trong chính con người đã có sự chia rẽ. Vì thế, tất cả cuộc sống của con người, hoặc riêng tư, hoặc tập thể, đều biểu hiện như một cuộc chiến, dĩ nhiên là bi thảm, giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và tối tăm. Hơn nữa, con người cảm thấy mình không đủ sức khi tự mình phải chiến thắng hữu hiệu những tấn công của sự dữ đến nỗi mỗi người cảm thấy dường như bị xiềng xích trói buộc. Nhưng chính Chúa đã đến để giải phóng con người và làm cho con người trở nên mạnh mẽ khi Ngài đổi mới từ nội tâm họ và loại ra ngoài thủ lãnh của thế gian này là kẻ đã kìm giữ họ trong vòng nô lệ tội lỗi. Tội lỗi làm suy giảm chính con người và ngăn cản không cho con người đạt tới sự viên mãn. Dưới ánh sáng mạc khải này, thiên chức cao cả và nỗi thống khổ xấu xa mà con người cảm nghiệm đều tìm được ý nghĩa cuối cùng của chúng".
Bản văn Công Ðồng cho thấy ba giai đoạn, trong đó lịch sử tính của con người được nêu bật:
- Trước hết là tình trạng nguyên thủy của con người. Bản văn nói đến sự công chính của con người. Theo ý nghĩa Kinh Thánh, công chính là tình trạng trong đó con người luôn sống phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Một sự công chính như thế không phải là công trạng hay cố gắng riêng của con người, mà là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa. Tự sức mình, con người không có khả năng đạt được một sự công chính như thế. Ðây là tình trạng nguyên thủy nói lên hình ảnh đích thực của Thiên Chúa mà con người mang trong mình khi được tạo dựng. Quang cảnh an bình của Vườn Ðịa Ðàng nói lên tình trạng công chính nguyễn thủy ấy.
- Giai đoạn thứ hai là sự sa ngã của con người. Do tội lỗi, con người bóp méo hình ảnh Thiên Chúa, do chiều theo Thần Dữ con người đã đánh mất tình trạng công chính nguyên thủy. Do tội lỗi, con người cắt đứt sự lệ thuộc vào Thiên Chúa, và nói theo ngôn ngữ của Vaticanô II: Con người đi tìm cứu cánh của mình ở bên ngoài và nghịch lại với Thiên Chúa. Nhưng khi làm như thế, con người cũng chống lại chính mình, không sống phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, con người cũng bị xâu xé nội tâm.
- Bởi sự công chính là một ơn nhưng không của Thiên Chúa, bởi con người không thể tự đạt được sự công chính và cứu cánh của mình, nên Thiên Chúa đã đích thân can thiệp để cứu vớt con người. Và đó là giai đoạn thứ ba. Lịch sử của nhân loại, của Giáo Hội, của từng cá nhân, từ nay gắn liền với lịch sử của chính Ðức Giêsu Kitô Thiên Chúa Nhập Thể làm người để cứu rỗi con người. Hình ảnh Thiên Chúa mà con người bóp méo và làm cho lu mờ đã được Ðức Giêsu Kitô tái lập bằng cách giải phóng con người khỏi ách nô lệ của Thần Dữ và tội lỗi, và giao hòa con người với Thiên Chúa. Lịch sử của nhân loại, của từng cá nhân, do đó cũng chính là lịch sử của một lời mời gọi và đáp trả giữa Thiên Chúa và con người.