Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 03 -

Cái Nhìn Mạc Khải về Con Người

 

Con người bởi đâu mà ra? Con người sống để làm gì? Con người sẽ đi về đâu? Ðó là những câu hỏi muôn thủa của con người, dù sống trong không gian và thời gian nào. Cách sống của mỗi người chính là lời giải đáp cho câu hỏi ấy. Ngày nay, càng lúc nhân loại càng ý thức về phẩm giá cao cả của con người. Tất cả mọi cuộc đấu tranh đều xoay quanh vấn đề nhân quyền. Thế nhưng đâu là nền tảng của cái mà người ta gọi là nhân phẩm của con người. Ðược Thiên Chúa ủy thác cho kho tàng mạc khải. Giáo hội trả lời rằng con người có một phẩm giá cao cả, vì được tạo thành theo và giống hình ảnh Thiên Chúa.

Ðược tạo thành theo và giống hình ảnh Thiên Chúa. Kiểu nói này khẳng định ba nét đặc biệt trong dung mạo con người:

1. Trước hết, qua kiểu nói này, Kinh Thánh muốn nói rằng con người là thụ tạo của Thiên Chúa. Ðây là yếu tố chung cho con người và mọi thụ tạo khác. Thân phận thụ tạo nêu bật sự mỏng dòn và tính có cùng của con người. Nhưng đồng thời cũng nói lên sự tham dự của con người vào lòng thiên hảo và sự cao cả của Thiên Chúa. Tác giả Thánh Vịnh 8 tuy không dùng kiểu nói "hình ảnh Thiên Chúa" nhưng đã nhận ra sự dung hợp giữa tính mỏng giòn của con người và tình yêu cao cả của Thiên Chúa: "Ôi Yavê, Chúa chúng tôi. Kỳ diệu thay Danh Chúa khắp hoàn cầu. Con người là chi mà Chúa phải bận tâm". Thân phận thụ tạo ấy cũng nói lên sự tùy thuộc hoàn toàn của con người vào Thiên Chúa. Từ lúc được cưu mang cho đến khi lìa đời, không một phút giây nào con người không tiếp nhận sự sống từ Thiên Chúa. Cuối cùng thân phận thụ tạo cho thấy rằng sự tùy thuộc của con người vào Thiên Chúa không phải là một nét phụ thuộc trong thân phận làm người, mà là một tư cách thiết yếu. Nói khác đi, con người chỉ được định nghĩa một cách trọn vẹn bằng mối dây liên kết với Thiên Chúa mà thôi. Mối liên kết ấy nói lên tất cả ý nghĩa và cứu cánh của cuộc sống con người.

2. Ðặc tính thứ hai của kiểu nói "được tạo thành theo và giống hình ảnh Thiên Chúa" muốn khẳng định rằng chỉ con người mới giống Thiên Chúa một cách đặc biệt. Kinh Thánh viết: Khi tạo thành vũ trụ và muôn vật, Thiên Chúa chỉ phán một lời liền có vũ trụ và muôn vật. Thế nhưng, riêng việc tạo thành con người, xem ra Thiên Chúa đã phải suy nghĩ, bàn bạc, rồi cuối cùng mới đưa ra phán quyết: "Ta phải tạo thành con người theo và giống hình ảnh Ta". Với một cách trình bày đơn sơ, Kinh Thánh đã nêu bật được một chân lý cao cả: Chỉ con người mới là hình ảnh của Thiên Chúa. Là hình ảnh Thiên Chúa, con người là đại diện của Thiên Chúa và được Ngài trao cho quyền làm chủ vạn vật. Khác với vạn vật, con người được tạo thành như một nhân vị, nghĩa là được tạo thành để đi vào tương quan đối thoại với Ngài. Chỉ con người là tạo vật duy nhất được Thiên Chúa ngỏ lời và đối thoại với. Chỉ con người là tạo vật duy nhất có thể làm chủ chính mình. Ðây chính là nền tảng của nhân phẩm, nhân quyền mà qua mọi thời đại con người không ngừng khẳng định và đòi hỏi. Nhưng nhân vị con người không phải là một nhân vị tự hữu. Nói khác đi, con người chỉ có thể nói lên cái tôi của mình trong tương quan với Thiên Chúa mà thôi. Cắt đứt tương quan ấy cũng có nghĩa là chối bỏ nhân vị con người và tất cả những gì gắn liền với nhân vị con người. Phải chăng đó không là thảm trạng của mọi thứ nhân bản chủ nghĩa đóng khung, nghĩa là nhìn con người bên ngoài Thiên Chúa hay không có Thiên Chúa? Xét cho cùng, giá trị cao cả của con người chính là được tạo thành như một kẻ đối thoại với Thiên Chúa.

3. Ðặc tính thứ ba của kiểu nói "được tạo thành theo và giống hình ảnh Thiên Chúa" chính là con người là hình ảnh của Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô. Mãi mãi kể từ khi Ngôi Lời nhập thể làm người, không thể định nghĩa con người mà không có Ðức Giêsu Kitô. Chỉ có Ðức Giêsu Kitô mới là hình ảnh đích thực của Thiên Chúa và sứ mệnh của Ngài là làm cho mỗi người nhờ Ngài mà trở thành hình ảnh Thiên Chúa. Tước hiệu "Con Người" mà Chúa Giêsu tự gán cho mình mang một ý nghĩa đặc biệt. Phải chăng Ngài không muốn nói với chúng ta rằng Ngài là mẫu mực, là con người theo đúng hình ảnh Thiên Chúa. Sau khi cho đánh đòn Chúa Giêsu, tổng trấn Philatô đã cho đưa Ngài ra trước đám đông và tuyên bố: "Này là Người". Lời tuyên bố của Philatô quả thật mang một ý nghĩa tiên tri: Chúa Giêsu chính là con người mẫu của nhân loại. Con người chỉ có thể đạt được hình ảnh Thiên Chúa trong và nhờ Chúa Giêsu Kitô mà thôi. Về điểm này, Công đồng Vaticanô II đã viết trong số 22 Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng": "Mầu nhiệm về con người chỉ thực sự sáng tỏ trong Mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, bởi vì Adam - con người đầu tiên đã là hình bóng của Adam sẽ đến là Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu Kitô - Adam mới, trong khi mạc khải Chúa Cha và tình yêu của Ngài đã cho con người biết rõ về chính con người, và tỏ cho họ biết thiên chức cao cả của họ". Con người là hình ảnh của Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô, đó là nền tảng của luân lý Kitô giáo, cũng như của bất cứ cuộc sống nhân bản đích thực nào.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page