Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 02 -

Chân Lý về Con Người

 

Tin mừng kể lại rằng khi người thanh niên giàu có đến hỏi Chúa Giêsu mình phải làm gì để được sống đời đời. Chúa Giêsu đã đọc lên mười giới răn do Thiên Chúa ban bố cho Dân Ngài trên núi Sinai. Như vậy, đối với Chúa Giêsu, muốn sống cho nên người, cơ bản nhất là phải tuân giữ mười giới răn, trong đó bao gồm những điều phải làm và những điều phải tránh. Nhưng câu hỏi cơ bản nhất mà bất cứ người có suy nghĩ nào cũng có thể đặt ra: Tại sao tôi được làm điều này? Tại sao tôi không được làm điều kia? Câu trả lời đơn giản nhất: vì tôi là người chứ không phải là súc vật. Ðẩy mạnh cho đến tận cùng, câu hỏi sẽ là con người là gì? và trả lời cho câu hỏi ấy chính là đi tìm chân lý về con người. Như vậy, bàn đến vấn đề luân lý chính là bàn đến vấn đề chân lý về con người, và một hệ thống luân lý lành mạnh thiết yếu phải là một hệ thống xây dựng trên chân lý đích thực về con người.

Con người vốn là một huyền nhiệm đối với chính mình. Con người vẫn mù mờ và lầm lạc về chính mình. Một chân lý nên tảng về con người được Thiên Chúa mạc khải là: "Con người được tạo thành theo và giống hình ảnh Thiên Chúa". Ðược tạo thành có nghĩa là sự hiện hữu của con người không phải là một sự hiện hữu tất yếu; con người hiện hữu là do tình yêu nhưng không của Thiên Chúa mà thôi. Và nói đến tình yêu là nói đến tự do. Như vậy, được tạo thành theo và giống hình ảnh Thiên Chúa cũng có nghĩa là được tham dự vào tự do của Thiên Chúa. Sự tự do ấy được thể hiện qua quyền thống trị trên mọi loài mọi vật Thiên Chúa trao ban cho con người. Không những thế, con người được làm chủ sự sống chính mình khi được Thiên Chúa trao cho quyền sinh sôi nảy nở. Con người là tạo vật duy nhất được Thiên Chúa tạo dựng cho chính nó. Nhưng quyền làm chủ này là một quyền lãnh nhận từ Thiên Chúa, do đó chỉ là một quyền tương đối. Quyền làm chủ này chỉ có ý nghĩa khi con người biết nhìn nhận và tuân phục Thiên Chúa mà thôi. Dĩ nhiên, sự tuân phục này không làm cho con người vong than, trái lại, đó chính là nền tảng của phẩm giá con người. Con người chỉ là con người khi nó lệ thuộc vào Thiên Chúa, con người chỉ có tự do thực sự nếu nó hành động theo chương trình Thiên Chúa đã vạch ra. Ðó là ý nghĩa của mệnh lệnh Thiên Chúa đã truyền cho ông bà nguyên tổ: "Các ngươi có thể ăn tất cả những thứ trái cây trong vườn, nhưng các người không được ăn trái từ cây biết lành biết dữ, vì ngày nào các ngươi ăn trái ấy, các ngươi sẽ chết".

Như vậy, phán quyết tối hậu về điều thiện và điều ác là quyền tuyệt đối của Thiên Chúa. Con người được làm chủ, nghĩa là được tự do, nhưng sự làm chủ ấy phải lệ thuộc sự làm chủ tuyệt đối của Thiên Chúa. Mãi mãi con người vẫn là thụ tạo, do đó, mãi mãi tự do của con người là tự do của thủ tạo. Tự do của con người gắn liền với thân phận thụ tạo của nó.

Cơn cám dỗ của ma quỉ đã giăng ra để hại ông bà nguyên tổ chính là tách lìa chân lý với tự do. Ma quỉ nói với ông bà nguyên tổ: "Ngày nào các ngươi ăn trái cây này, các ngươi sẽ trở thành Thiên Chúa; các ngươi sẽ biết thế nào là thiện, thế nào là ác". Ông bà nguyên tổ đã muốn trở thành Thiên Chúa để tự phán quyết về điều thiện và điều ác. Con người đã muốn được tự do tuyệt đối ở bên ngoài Thiên Chúa. Chân lý về con người như được mạc khải là: "Ðược tạo thành theo và giống hình ảnh Thiên Chúa" đã bị chối bỏ, và đó chính là bản chất đích thực của tôi lỗi. Thật thế, tội lỗi thiết yếu mà một khi chối bỏ thân phận thụ tạo để đi tìm một thứ tự do ở ngoài Thiên Chúa. Nhưng lịch sử của cá nhân và xã hội cho thấy rằng phá hủy tương quan giữa chân lý và tự do đích thực, con người lại chiều theo những khuynh hướng xấu và làm nô lệ cho tội lỗi. Con người không còn làm chủ được chính mình nữa. Ðiều mà con người cho là tự do thực ra chỉ là một hình thức nô lệ. Trong thư Roma, thánh Phaolô đã nói lên kinh nghiệm về sự xâu xé nội tâm của ngài: "Ðiều thiện tôi muốn, tôi không làm; còn điều xấu không muốn, tôi lại làm".

Trong tình trạng tội lỗi, tự do của con người chọn lựa nghịch với chân lý về con người. Thay vì chọn lựa theo thân phận thụ tạo và lấy Thiên Chúa làm tiêu chuẩn tối hậu, con người lại chọn ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa. Ở đây quyết định về sự thiện và sự ác không còn là quyền tối thượng của Thiên Chúa nữa, mà trở thành quyền của con người. Một cách nào đó, con người gạt bỏ Thiên Chúa để đưa mình lên ngang hàng Thiên Chúa. Con người chối bỏ chân lý về con người, con người chối bỏ chính mình. Khi phạm tội, con người tưởng mình thực sự được tự do. Thực ra, đó chỉ là một ảo tưởng, bởi vì chỉ có chân lý mới làm cho con người được tự do thực sự. Như vậy tương quan giữa chân lý và tự do là một tương quan thiết yếu, nghĩa là tự do đích thực chỉ có trong chân lý mà thôi.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page