Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 01 -

Tương Quan giữa Chân Lý và Tự Do

 

Tại hoa kỳ vấn đề phá thai đã tạo ra một cuộc chiến gay gắt phân ranh giữa hai phía: một bên có khẩu hiệu "bảo vệ sự sống", có thể là bảo vệ các thai nhi còn trong lòng mẹ; và một bên có khẩu hiệu tranh đấu cho "phụ nữ được quyền chọn lựa" giữa việc giữ hoặc hủy bỏ thai nhi. Hai chữ "chọn lựa" dĩ nhiên hàm chứa hai chữ "tự do": có tự do mới có chọn lựa.

Tuy nhiên vấn đề được đặt ra là con người có thực sự tự do khi chọn lựa điều ác không? Ðâu là tự do đích thực của con người? Con người cảm nhận tự do, con người khao khát tự do, nhưng có lẽ con người chưa thấu triệt được thế nào là tự do đích thực, và do đó cũng không nắm vững được chân lý về con người.

Con người được định nghĩa là một hữu thể có lý trí và tự do. Suy tư là một thể hiện nỗi khao khát chân lý nơi con người. Thế nhưng con người lại có nhiều thái độ khác nhau; có người có thể điên rồ và ngu xuẩn trước chân lý; con người có thể dửng dưng, nghi ngờ đối với chân lý, thậm chí con người có thể chọn lấy sự giả dối và trở nên dối trá. Con người được sinh ra cho chân lý, do đó nó được trang bị lý trí tìm kiếm và thực thi chân lý.

Trong số 15 của Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" Công đồng Vaticanô II đã nói về phẩm giá cao cả của con người như sau:

Với trí khôn, con người dự phần vào ánh sáng của Thiên Chúa, con người có lý để thấy mình vượt trên mọi tạo vật. Qua các thời đại, nhờ chuyên cần sử dụng tài năng của mình, con người đã thực hiện được những tiến bộ khoa học thực nghiệm trong kỹ thuật và nghệ thuật. Và trong thời đại chúng ta, con người đã đạt được những thành công đáng kể. Tuy nhiên, con người đã luôn luôn tìm kiếm và khám phá ra chân lý sâu sa hơn. Thật thế, trí khôn con người không chỉ giới hạn trong những hiện tượng, nhưng còn có thể thấu triệt thực tại siêu nhiên một cách chắc chắn, cho dù trí khôn có phần nào bị lu mờ và suy nhược do hậu quả của tội lỗi. Cuối cùng bản chất tri thức của con người được kiện toàn và phải được kiện toàn nhờ sự hiểu biết. Chính sự hiểu biết lôi kéo một cách nhẹ nhàng tâm trí con người tìm kiếm và ái mộ những gì là Chân Thiện Mỹ. Rồi nhờ thấm nhuần sự hiểu biết mà con người được đưa từ thế giới hữu hình tới thế giới vô hình.

Với lí trí luôn thôi thúc để tìm kiếm chân lý, con người lại cảm nhận mình có tự do, và tự do ấy luôn là một tự do có giới hạn. Con người ý thức rằng những hoàn cảnh xã hội trong đó mình đang sống luôn đặt ra những giới hạn tự do của nó. Những điều kiện nội tâm ấy cũng không ngừng giới hạn tự do con người, đôi khi những điều kiện ấy có thể bóp nghẹt hoàn toàn tự do của con người. Thế nhưng con người luôn ý thức rằng tự do là một khả năng được ủy thác cho mình, đến độ không gì và không ai có thể tước đoạt được. Chỉ con người mới bóp méo ý nghĩa thâm sâu của tự do và đánh mất tự do đích thực mà thôi. Những điều kiện trong đó con người cảm thấy tự do của mình bị giới hạn, thực ra cũng có thể là thách đố để giúp tự do trưởng thành và trách nhiệm hơn.

Con người là một hữu thể có lý trí và tự do, lý trí hướng về chân lý. Do đó, giữa chân lý và tự do có một mối tương quan thiết yếu: không có chân lý, tự do sẽ lạc hướng; chỉ trong chân lý mới có tự do đích thực. Lịch sử của cá nhân và xã hội là lịch sự tương quan giữa chân lý và tự do.

Trong thông điệp kỷ niệm 100 năm ban hành Thông điệp "Tân sự" của Ðức Lêô XIII, Ðức Gioan Phaolô II đã nêu bật tương quan ấy; sự tuân phục chân lý về Thiên Chúa và con người là điều kiện đầu tiên của tự do, nhờ đó con người mới có thể điều chỉnh những yêu cầu, ước muốn, và thỏa mãn chúng theo một trật tự đúng đắn. Làm thế nào để việc chiếm hữu sự vật trở thành một phương tiện giúp cho con người. Nếu không có một chân lý siêu việt mà con người phải tuân thủ để có được căn tính đầy đủ của mình, thì không có gì đảm bảo quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Nếu chân lý siêu việt không được nhìn nhận, thì sức mạnh của quyền lực sẽ thắng thế. Nhưng tự do chỉ được đánh giá đầy đủ khi chân lý được đón nhận mà thôi.

Năm 1991, sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, Thượng hội đồng Giám mục Âu châu đã lên tiếng báo động: "Chắc chắn sự sụp đổ của các ý thức hệ có những lý do kinh tế, chính trị, xã hội. Thế nhưng trong chiều sâu còn có một lý do khác có tính cách đạo đức nhân bản, và thiêng liêng". Tương quan giữa chân lý và tự do là một vấn đề thiết yếu; chân lý và tự do hỗ tương nhau đến độ không thể đạt điều này mà không có điều kia.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page