Chân Lý và Tự Do
(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Dẫn Nhập
"Chân lý sẽ làm cho an hem được tự do. Những lời này của Chúa Giêsu vừa tố cáo một thảm trạng, vừa khơi dậy một niềm hy vọng. Thảm trạng nói đây là thảm trạng nền tảng nhất: thảm trạng của nô lệ cho tội lỗi.
Thật thế, con người đói khát tự do như đói khát cơm bánh hằng ngày, một cách nào đó, tự do là linh hồn của sự sống. Con người cảm nhận tự do với tất cả sức lực của mình, nhưng đồng thời nó cũng cảm thấy tự do bị đe dọa không ngừng. Thảm trạng đau đớn nhất của con người chính là lấy sự nô lệ làm tự do. Ðó là trường hợp của những người Do Thái tự cho mình không nô lệ bất cứ ai chỉ vì mình thuộc dòng dõi Abraham. Nhưng Chúa Giêsu đã đi thẳng vào nội tâm sâu thẳm của con người khí nói: "Qủa thật, qủa thật, Ta bảo các ngươi: ai phạm tội thì là nô lệ cho tội". Trái tim và lòng dạ con người chính là cung thánh của tự do; phạm tội, tức là làm cho trái tim và lòng dạ ấy trở thành nô lệ cho tội lỗi, và đó là hình thức nô lệ cơ bản và trầm trọng nhất của con người. Nếu tội lỗi là thể hiện sâu đậm nhất của sự nô lệ, chính là vì tội lỗi đi ngược với chân lý về con người được tạo dựng theo và giống hình ảnh Thiên Chúa. Tội lỗi là một sự bóp méo hình ảnh Thiên Chúa nơi con người: thay vì kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, con người lại tôn thờ chính mình và khước từ tha nhân. Như thế, tội lỗi chính là cái chết của tự do, tức là cái chết của khả năng hiến thân cho Thiên Chúa và tha nhân. Ðó là thảm trạng mà Chúa Giêsu muốn nói lên khi Ngài tuyên bố: "Chân lý sẽ làm cho các ngươi được tự do".
Nhưng những lời của Chúa Giêsu không chỉ là một tố cáo tội lỗi, mà còn khơi dậy niềm hy vọng nơi chúng ta. Lịch sử nhân loại không phải là lịch sử hoàn toàn bị thống trị bởi tội lỗi. Chúa Giêsu đã mở ra cho nhân loại con đường dẫn đến tự do. Ngài tuyên bố: "Các ngươi sẽ biết chân lý, và chân lý sẽ làm cho các ngươi được tự do". Chúa Giêsu chính là chân lý, nhận biết Ngài là nhận ra con đường dẫn đến tự do đích thực, và tự do đích thực chính là khả năng có thể hiến thân cho Thiên Chúa và tha nhân. Thế nhưng, con người không thể đạt được sự tự do đó bằng sức riêng mình. Chúa Giêsu đã lên án thái độ kiêu căng tự mãn của những người Do Thái khi họ tự phụ rằng đã là con cháu Abraham thì họ không còn là nô lệ nữa.
Tư do đích thực thiết yếu là một hồng ân của Chúa. Chúa Giêsu đã xác quyết: "Nếu Con Người làm cho các ngươi được tự do, thì các ngươi mới được tư do". Chỉ có Chúa Giêsu mới là Ðấng giải phóng đích thực của nhân loại; chỉ có Chúa Giêsu mới mang lại tự do đích thực cho con người; và tự do ấy là tự do nền tảng cho mọi thứ tự do khác. Không có tự do đích thực ấy, nghĩa là không có tự do khỏi tội lỗi, thì mọi thứ tự do khác chỉ là giả dối mà thôi. Có tự do ấy tức là sống theo đúng chân lý. Con người được tạo thành theo và giống hình ảnh Thiên Chúa Tình Yêu; con người được mời gọi để nhận biết và phụng thờ Thiên Chúa, và hiến thân cho tha nhân; đó là chân lý mà các kitô hữu không ngừng được mời gọi để sống và làm chứng.