Cái Giá Của Tự Do

(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý

Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 193 -

Ðôi Mắt Của Tâm Hồn

 

Ðôi Mắt Của Tâm Hồn

(RVA News 15-02-2023) - Chuyện kể rằng:

Có một nhóm sinh viên tổ chức tham quan mỏ than Scottish ở Anh Quốc. Mỗi sinh viên được phát một nón bảo hộ của người thợ mỏ, đằng trước nón có gắn bóng đèn nổi với một bình điện đeo ở thắt lưng.

Người hướng dẫn đưa họ vào buồng thang máy xuống tận đáy hầm than. Tới nơi, ông mới đề nghị các sinh viên bật đèn trên nón bảo hộ vì con đường dẫn đến khu khai thác tối đen như mực. Mái vòm chỉ cao một mét hai, nên mọi người phải cúi rạp xuống khi di chuyển. Than được chở trên băng tải và đổ vào các toa trên đường ray.

Ngay khi nhóm sinh viên đến khu khai thác, người hướng dẫn đã nói:

- "Các bạn hãy tắt tất cả các đèn trên nón".

Mọi người đều làm theo. Trong tăm tối, người thợ mỏ nói:

- "Hãy cố gắng nhìn kỹ vào ngón tay của bạn".

Chẳng ai thấy gì cả. Một vài người bắt đầu sợ hãi. Rồi người thợ mỏ nói một câu mà các sinh viên không bao giờ quên được:

- "Ðây là tình trạng của những người mù".

Tất cả sinh viên đều hiểu ra. Bị mù thì không bao giờ thấy được ánh sáng hoặc bất cứ thứ gì khác. Họ cũng hiểu tại sao những người thợ mỏ lại thích bầu trời trong xanh và ánh nắng rực rỡ của mặt trời.

Kính thưa quý vị và các bạn,

Các sinh viên trong câu chuyện trên mới chỉ trải nghiệm cảm giác không nhìn thấy ánh sáng trong một khoảng thời gian rất ngắn ở hầm mỏ, nhưng họ đã phần nào thấm thía được câu nói của người xưa:"Có đau mắt mới biết thương người mù". Thật vậy, có ở trong tình trạng không nhìn thấy ánh sáng, chúng ta mới thấu cảm được nỗi khổ của những người bị mù. Họ không chỉ đau khổ vì thân thể khiếm khuyết của mình, mà cái mù về mặt thể lý ấy còn đẩy họ đi đến mặc cảm về tinh thần vì phải sống lệ thuộc vào người khác khi không nhìn thấy được thế giới xung quanh. Còn gì đau khổ hơn khi phải sống trong hoàn cảnh như thế?!

Sống ở trên đời, ngoại trừ những người tật nguyền, khiếm khuyết một số bộ phận trên thân thể ra thì hầu hết mỗi người chúng ta đều được sinh ra với một đôi mắt sáng. Ðôi mắt thường được ví như là cửa sổ của tâm hồn; thế nhưng, đôi khi từ khung cửa sổ xinh đẹp ấy, chúng ta lại không nhìn thấy những điều tốt đẹp của thế giới xung quanh mình. Ðâu đó trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta vẫn nghe nói về những kiểu "mù lòa" nơi người sáng mắt. Những kiểu nói như "nhìn cò ra quạ", "ghen tuông mù quáng", "có mắt như mù" hay "tiền bạc làm mờ đôi mắt" là những thành ngữ phản ánh tình trạng "mù lòa" từ trong tâm hồn và trên thực tế, tình trạng "mù từ trong tâm" này không thiếu trong cuộc sống quanh ta... Ðiểm xuất phát chung của những kiểu "mù loà" này thường là từ cái nhìn thành kiến bên trong suy nghĩ của chúng ta. Nhưng điều đáng nói là không phải ai cũng có thể nhận ra căn bệnh mù lòa của mình đang ẩn dưới hình thức khiếm khuyết trong tâm hồn này. Cho nên, ngoài đôi mắt thể lý, mỗi người chúng ta cũng cần lắm một đôi mắt tâm hồn, đôi mắt của trái tim để qua đó, chúng ta có thể nhìn thấy ánh sáng của tình yêu và lan tỏa ánh sáng ấy trong cuộc sống.

Chúng ta cảm thông với nỗi đau của những người không nhìn thấy ánh sáng, giúp đỡ họ vượt qua những khiếm khuyết của thể lý; nhưng qua họ, chúng ta cũng được mời gọi nhìn sâu vào trong tâm hồn mình với đôi mắt của trái tim. Có như thế, chúng ta mới có thể nhìn rõ những giới hạn, khiếm khuyết của bản thân mình và quyết tâm sửa đổi để bản thân mỗi ngày được trở nên hoàn thiện hơn.

Lạy Chúa Giê-su, chúng con đã được đọc, được nghe rất nhiều phép lạ nói về việc Chúa chữa lành cho những người bị mù. Nhìn lại bản thân, chúng con cũng thấy chính mình trong hình ảnh của những người mù được Kinh Thánh thuật lại. Xin Chúa đến giải thoát chúng con khỏi tình trạng mù lòa tâm linh, để chúng con luôn nhìn thấy những kỳ công tốt đẹp Chúa đang thực hiện hằng ngày ngang qua cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con cũng nhận ra ánh sáng của ân sủng Chúa, để nhờ ánh sáng Chúa soi dẫn, chúng con biết sống hiệp thông với Chúa và với tha nhân trên con đường xây dựng một Giáo Hội Hiệp Hành mà chúng con đang hướng đến. Amen.

Sr. Anna Phạm Thị Bích Liễu OP.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page