Cái Giá Của Tự Do

(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý

Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 181 -

Biết Cảm Thông

Với Nỗi Ðau Của Người Khác

 

Biết Cảm Thông Với Nỗi Ðau Của Người Khác.

Nt. Rosa Lê Ngọc Thuỳ Trang, MTGCQ.

(RVA News 01-02-2023) - Có một cô bé ngay từ nhỏ không may mắc phải chứng bệnh mất cảm giác đau đớn. Khi bị đứt tay, hay khi cho tay vào lửa, vào nồi nước đang sôi, những vết bỏng sưng tấy lên nghiêm trọng cô bé cũng không có cảm giác đau đớn gì. Tình trạng đó khiến cô không thể tự bảo vệ mình khỏi những điều gây hại cho bản thân.

Khi đến trường, nếu giáo viên lơ là không để mắt đến thì cô bé thường xuyên là đối tượng để các bạn học thách thức làm những điều gây tổn thương cho bản thân. Có lần, bọn trẻ bảo cô bé ngồi yên để chúng dùng những quyển sách dày đập mạnh vào đầu cô và hỏi cô có đau không? Cô bé bảo không đau, chúng càng mạnh tay hơn. Lần khác, khi đi cắm trại đêm, bọn trẻ thách thức cô bé đi chân không, dẫm lên những thanh củi đang cháy. Cô làm theo và đôi bàn chân bị bỏng nặng nhưng vẫn thản nhiên như không có chuyện gì.

Những sự việc đau lòng đó nhiều lần diễn ra và thầy giáo chủ nhiệm quyết định dạy cho bọn trẻ một bài học. Trong một tiết học, thầy phổ biến cho cả lớp trò chơi: Ai không đau sẽ được nhận phần thưởng.

Mỗi bạn sẽ giơ bàn tay ra để thầy dùng thước đánh thật mạnh vào bàn tay, ai không đau và có thể nhận nhiều roi nhất sẽ là người chiến thắng. Tất cả các bạn trong lớp đều chỉ chịu được roi thứ hai là bỏ cuộc, chạy về chỗ ngồi. Bạn chịu đau giỏi nhất cũng chỉ nhận đến roi thứ bốn. Riêng cô bé không có cảm giác đau thì đến roi thứ năm vẫn kiên trì giơ bàn tay nhỏ bé với gương mặt hết sức thản nhiên. Người thầy bảo cô bé trở về chỗ và hỏi cả lớp:

- Khi bị cây thước đánh vào tay, các con cảm thấy như thế nào?

Cả lớp đồng thanh:

- Thưa, đau lắm thầy ạ. Ðau phát khóc, đau không chịu nổi ạ!

Người thầy gật đầu:

- Chỉ mới chịu một, hai roi, các con đã thấy đau và không thể chịu thêm roi nào nữa. Nhờ vậy mà các con có thể bảo vệ mình và không để cho bản thân bị tổn thương thêm. Còn người bạn của các con đây vì không có được cảm giác biết đau như các con nên không thể tự bảo vệ mình khỏi những vết thương. Sao các con không biết thương bạn và bảo vệ bạn mà lại gây ra thêm những tổn thương cho bạn ấy như vậy?

Nghe thầy nói, bọn trẻ cúi đầu hối hận. Từ đó, cô bé mất cảm giác đau ấy đã không còn bị bạn bè trêu chọc và hành hạ nữa nhưng được các bạn hết sức quan tâm và bảo vệ.

Quý vị và các bạn thân mến,

Không ai muốn và cũng chẳng ai thích cảm giác đau đớn. Sự đau đớn dù nhiều hay ít nơi thân xác hoặc trong tâm hồn đều đem đến cho con người cảm giác khó chịu, sợ hãi và muốn tránh né. Thế nhưng, những cảm giác đau đớn đó lại hết sức cần thiết và hữu ích cho con người để có thể tự bảo vệ mình và người khác khỏi những tổn thương. Ðại thi hào Nguyễn Du có một câu thơ rất hay diễn tả những nỗi đau của nhân vật Thuý Kiều trong tác phẩm Truyện Kiều của mình đó là: "Kể bao xiết nỗi thảm sầu, Ðoạn trường ai có qua cầu mới hay". Câu thơ này nói lên một thực trạng đó là phải trải nghiệm hoặc kinh nghiệm được những nỗi đau của người khác nơi con người mình thì chúng ta mới có thể hiểu, cảm và thấm thía được những đau đớn mà người khác phải chịu. Còn khi chưa nếm thử những đau đớn của người khác, chúng ta sẽ không thể cảm thông và hiểu được cảm giác của họ.

Trong ý nghĩa đó, cảm giác đau đớn thật sự rất cần thiết cho tất cả chúng ta bởi vì nó là một cơ chế giúp chúng ta có thể biết được điều gì gây nguy hại cho mình để tự bảo vệ mình khỏi những tổn thương. Những người không có cảm giác đau đớn như cô bé trong câu chuyện bên trên sẽ không có được khả năng bảo vệ mình và thậm chí còn để cho mình tự rơi vào những tình huống nguy hiểm đến tính mạng. Chúng ta cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta có khả năng cảm nhận được những đau đớn nơi thân xác và cả trong tâm hồn của mình để có thể bảo vệ mình và cảm thông được với đau đớn của những người xung quanh: những người đang đau đớn vì bệnh tật, vì mất người thân trong dịch bệnh, chiến tranh và thiên tai, nhân tai. Tác giả thánh vịnh 119 đã nói rằng: "Ðau khổ quả là điều hữu ích, để giúp con học biết thánh chỉ Ngài" (Tv 119,71). Xin Chúa dạy chúng ta biết được ý nghĩa của những đau đớn để nhận ra được lời Chúa đang mời gọi chúng ta cùng chung tay đẩy lùi và xoa dịu những đau đớn của con người trong thời đại hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chịu những đau đớn nơi thân xác và tâm hồn để chung chia những đau đớn của phận người chúng con. Xin Chúa cho chúng con nhận ra được ý nghĩa và sự cần thiết của những nỗi đau trong đời mình để được thanh luyện và trưởng thành hơn trong niềm tin, cậy, mến. Nhờ đó, chúng con có thể can đảm dấn thân và cộng tác với nhau để xoa dịu những đau khổ cho anh chị em đồng loại. Amen.

Nt. Rosa Lê Ngọc Thuỳ Trang, MTGCQ.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page