Cái Giá Của Tự Do

(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý

Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 155 -

Thánh Basiliô Cả và thánh Ghêgôriô,

Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh

 

Thánh Basiliô Cả và thánh Ghêgôriô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh.

Nt. Anh Thư

(RVA News 02-01-2023) - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến,

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã định nghĩa: Hội Thánh là dân Thiên Chúa, là thân thể của Chúa Kitô, là Nước Thiên Chúa, là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Hội Thánh là gia đình chung toàn cầu gồm cộng đoàn giáo dân và giáo sĩ, những người tin theo Chúa Kitô, được chính Thiên Chúa kêu gọi và quy tụ từ khắp thế gian (x. GLHTCG 752). Hội Thánh không ngừng gia tăng và lớn mạnh nhờ sống kết hợp mật thiết với Chúa Kitô qua sự thánh hóa của Chúa Thánh Thần. Trong đoàn dân của Thiên Chúa, có những con người đã tận tụy phục vụ và bảo vệ sự thánh thiện tinh tuyền của Hội Thánh khỏi tư tưởng lạc giáo, những người đó phải kể đến là thánh Basiliô Cả và thánh Ghêgôriô mà hôm nay phụng vụ Giáo hội mừng kính.

Thánh Basiliô sinh vào năm 330 tại Cêsarêa, thủ đô miền Cappadocia trong một gia đình Kitô giáo. Vốn là người có năng khiếu về văn chương và giàu nhân đức, thánh nhân đã chọn bước theo Chúa trong đời sống đan tu. Năm 370, ngài được chọn làm giám mục coi sóc đoàn chiên chính nơi ngài đã sinh trưởng. Thời ấy, giáo phái Ariô nổi lên chống lại giáo lý của Hội Thánh, họ phủ nhận thiên tính của Chúa Giêsu và Thánh Thần. Vì vậy, thánh Basiliô đã viết nhiều tác phẩm để bảo vệ thiên tính của Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần. Thánh nhân đã khẳng định rằng: Thánh Thần là Thiên Chúa và phải được cùng kể ra và cùng tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con (x. De Spirito Sancto: SC 17bis. 348). Ngài còn soạn thảo những điều luật hữu ích dành cho đời sống đan tu. Trong các điều luật, ngài chú trọng đến ba điều căn bản nhất, đó là đời sống cộng đoàn, cầu nguyện và khiêm nhường. Với vai trò mục tử, ngài hết lòng chăm lo cho người nghèo có cuộc sống ổn định mà phụng thờ Thiên Chúa.

Còn thánh Ghêgôriô được biết đến như một giáo phụ danh tiếng của Giáo hội Hy Lạp và được mệnh danh là nhà thần học vì tư tưởng giáo thuyết sâu sắc. Ngài cũng chào đời năm 330 gần thành Nadien trong một gia đình danh giá. Ngài đã đáp lại tiếng gọi của Chúa để trở thành linh mục. Ngài được cử đi học hùng biện ở Cêsarê, rồi Palestina.

Sau đó ngài đã qua Alexandria và tới thành phố Athen là cái nôi của khoa hùng biện. Trên đường tới Athen, con tàu của thánh nhân bất ngờ gặp một cơn bão lớn. Lúc ấy thánh nhân chưa được rửa tội và rất lo âu cho phần rỗi của mình. Ngài tha thiết cầu khẩn Thiên Chúa cho được sống để làm con cái Chúa, và ngài đã được như ước nguyện. Cơn giông bão chấm dứt và ngài tới được Athen. Tại đây ngài gặp và kết thân với một người bạn cũ là thánh Basiliô. Hai ngài trở thành đôi bạn hết lòng phụng sự Thiên Chúa bằng lửa nhiệt thành và tài trí khôn ngoan. Cả hai vị thánh đều có chung mối bận tâm là hướng tới sự trọn lành. Các ngài đã khiêm tốn cộng tác với ơn Chúa trong việc truy tìm chân lý và sự khôn ngoan đích thực.

Vào ngày 1 tháng giêng năm 379, thánh Basiliô đã được Chúa gọi về. Ngài để lại cho Giáo hội một kho tàng quí báu gồm 45 bài suy tư về thần học, 245 bức thư và một số tập thơ. Người ta còn giữ được cả bản di chúc và bản văn trên bia mộ chính ngài sáng tác. Còn thánh Ghêgôriô qua đời vào ngày 25 tháng giêng năm 389. Các tín hữu yêu mến gọi thánh Ghêgôriô là nhà thần học vì ngài vừa am tường đạo lý cao siêu vừa có tài hùng biện.

Con người ngày hôm nay xem nhẹ chân lý đức tin, họ bị vật chất hóa, dễ dàng chạy theo lối sống vô thần hưởng thụ. Giáo hội luôn mời gọi chúng ta tìm về nguồn Thánh Kinh là kho tàng phong phú để kín múc sự khôn ngoan, giúp biện phân trước luồng tư tưởng lạc giáo và thế tục.

Lạy Chúa Giêsu là nguồn mạch khôn ngoan và thánh thiện, Ðấng mà thánh Basiliô và thánh Ghêgôriô hết lòng phụng sự yêu mến, xin cho chúng con biết khiêm nhường tìm hiểu chân lý của Chúa, hết lòng yêu mến đem ra thực hành, hầu chúng con đón nhận được niềm hạnh phúc vững bền là Ơn Cứu độ của Thiên Chúa. Amen.

Nt. Anh Thư

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page