Cái Giá Của Tự Do
(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý
Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 112 -
Hiệp Nhất Trong Chúa
Hiệp Nhất Trong Chúa
(RVA News 12-11-2022) - Truyện kể, thời Chiến quốc (453-221 Trước Công Nguyên) bên Trung Quốc, nước Tần mạnh nhất, luôn dùng sức mạnh của mình xâm chiếm các nước yếu. Các nước yếu cũng thường đánh nhau. Lần kia, nước Triệu tuyên bố đánh nước Yên. Vua Yên nhờ Tô Ðại làm thuyết khách, đến Triệu thuyết phục vua Triệu đừng đánh Yên.
Ðến Hàm Ðan, Tô Ðại gặp Triệu Huệ Văn Vương. Vua Triệu biết Tô Ðại đến làm thuyết khách, nên cố ý hỏi:
"Tô Ðại, khanh từ nước Yên đến nước Triệu để làm gì?"
"Tâu Ðại Vương, thần đến để kể truyện cho Ðại Vương nghe."
Vua Triệu ngạc nhiên:
"Kể truyện? Kể truyện gì?"
Tô Ðại mới kể:
"Trên đường đến nước Triệu, đi qua Dịch Thuỷ, thần thấy một con trai mở hai vỏ ra, phơi nắng bên bờ sông. Một con cò đến mổ thịt con trai. Con trai liền dùng hết sức lực đóng vỏ lại, kẹp cứng mõ con cò. Cò nghĩ:
"Không sao, hôm nay không mưa, mai không mưa, mi phải chết khô, giờ đó mới ăn thịt mi."
Con trai cũng không chịu thua, nó nghĩ:
"Không sao, mõ mi hôm nay không rút ra được, mai không rút ra được, mi cũng chết, ai thắng ai bại còn chưa biết."
Con trai và cò không nhường nhau. Một ngư ông đi qua bắt được cả hai một cách dễ dàng."
Kể truyện xong, Tô Ðại mới nghiêm túc nói với Triệu Huệ Văn Vương:
- "Tâu Ðại Vương, nghe nói Triệu sắp phát binh đánh Yên, nếu việc này là thật, thì Tần sẽ là ngư ông."
Triệu Vương thấy có lý, bèn bỏ ý định đánh nước Yên.
Quý vị và các bạn thân mến!
"Chia để trị" là một chiến lược mà hầu hết những nhà lãnh đạo các quốc gia hay đi chinh phạt các nước yếu hơn áp dụng trong công cuộc thống trị của mình. Họ tận dụng mọi cơ hội, mọi chiến lược để gây chia rẽ, mất đoàn kết trong nội bộ người dân của nước bị chinh phạt. Và khi tạo được sự phân hóa trong tư tưởng và trong hành động của người dân bản xứ, chính quyền thống trị sẽ rất dễ dàng thu tóm thiên hạ trong tay mình, điều khiển vận mệnh của đất nước đó theo như chủ trương, chính sách của mình đã đề ra.
Trong một cộng đồng, một giáo xứ, muốn được phát triển vững chắc để cùng nhau thăng tiến trong hành trình đức tin, chắc chắc giữa cộng đoàn giáo xứ đó phải có sự hiện diện của tình yêu thương. Yêu thương đoàn kết giữa giáo dân, giữa các đoàn thể với nhau và ngay cả giữa linh mục quản xứ và giáo dân.
Trong một gia đình, dù là những người thân với nhau, nhưng những bậc làm cha mẹ cũng phải khéo léo, khôn ngoan để không tạo sự cách biệt trong đối xử và trong tình thương. Trong thực tế nhiều gia đình đã xảy ra bi kịch cũng chỉ vì anh em chia rẻ, thù hiềm lẫn nhau .
Và khi những mâu thuẫn đã đến đỉnh điểm của sự thù nghịch, không nhượng bộ như Trai và Cò trong câu chuyện ngụ ngôn thì ngư ông đắc lợi ở đây chính là ma quỷ. Chúng sẽ vỗ tay reo mừng vì đã chống phá được điều mà Thiên Chúa đã đổ chính những giọt máu của trái tim mình để xây dựng đó là Tình Yêu ngự trị giữa thế gian này.
"Hãy để bình an của Chúa Cứu Thế ngự trị trong lòng anh em. Thiên Chúa kêu gọi anh em hiệp nhất trong một thân thể" Cô-lô-sê, vì điều làm đẹp lòng Chúa là khi chúng ta chung sống với nhau và sống trong yêu thương, hòa thuận. Thánh Josaphat, giám mục mà giáo hội mừng kính hôm nay là người đã hy sinh mạng sống của mình vì sự hiệp nhất của Hội Thánh. Sự dâng hiến này là tột đỉnh của mọi hoạt động tông đồ của ngài, được thánh hiến trên hết cho sự hiệp nhất của Hội Thánh qua lời rao giảng và việc viết lách của ngài. Thông điệp Hội Thánh Thiên Chúa của Ðức Giáo Hoàng Piô XI, được đọc vào dịp mừng 300 năm ngày thánh Josaphat tử đạo (1923), mô tả thánh nhân là "người bảo trợ lỗi lạc nhất và cao quí nhất cho dân tộc Slavơ phương Ðông", người có ơn gọi "tái lập sự hiệp nhất Kitô giáo trên toàn thế giới." Ðức Piô XI cũng nhắc nhớ rằng thánh Josaphat đã lo lắng trên hết cho sự hiệp nhất của đồng bào của ngài với tòa thánh Phêrô... sau khi đã chuẩn bị hết sức chu đáo, ngài thực hiện việc tái lập sự hiệp nhất, và đã lao mình vào công việc này với tất cả sức lực và sự dịu dàng, đồng thời với thành công to lớn, khiến chính kẻ thù của ngài đã mệnh danh ngài là 'kẻ ăn cắp các linh hồn'".
Lạy Chúa Thánh Thần, thánh Josaphat đã đổ máu mình vì sự hiệp nhất của mọi thành phần dân Chúa, nhờ lời cầu bầu của thánh nhân, xin cho chúng con biết nương nhờ vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần để xây dựng sự hiệp thông, tình thương mến với nhau. Ðồng thời chúng con cũng khẩn cầu nguồn ơn soi sáng của Ngài để luôn có những quyết định sáng suốt khi giải quyết các mối tranh chấp, bất hòa. Amen.
Bình Minh