Cái Giá Của Tự Do

(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý

Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 063 -

Năm Ngón Tay

 

Năm Ngón Tay

Nt. Anh Thư

(RVA News 17-09-2022) - Một hôm, năm ngón tay tranh luận với nhau xem ai mới là quan trọng hơn cả. Thoạt tiên, ngón tay giữa nói:

- Tôi là trung tâm của bàn tay, không có tôi thì bàn tay chẳng ra gì nữa.

Các ngón khác phản đối:

- Tuy ở vị trí trung tâm nhưng cậu có giúp bàn tay cầm nắm được đâu.

Ngón tay đeo nhẫn cũng vỗ ngực tự hào:

- Tôi có vai trò quan trọng nhất, có nhiệm vụ đeo nhẫn cưới tượng trưng cho tình yêu hôn nhân.

Các ngón tay còn lại đều chế nhạo:

- Cậu nên im đi. Chiếc nhẫn cưới thì có gì hay ho.

Ngón tay trỏ nói:

- Quan trọng nhất vẫn là tôi. Ai là người chỉ đường cho bạn? Chính là tôi và chỉ có tôi.

Ngón tay cái phản đối:

- Bạn nhầm rồi, tôi cũng chỉ đường được, nhưng chỉ một cách khéo léo, tế nhị hơn. Tôi không chỉ về phía trước, mà còn chỉ qua bên phải, bên trái và phía sau.

Riêng ngón tay út vẫn im lặng. Nó thầm nhủ: "mình là ngón tay bé nhỏ nhất, mình sẽ phụ giúp các anh lớn làm việc, thành công của các anh cũng chính là của mình vậy."

Quý vị và các bạn thân mến,

Trong bàn tay, mỗi ngón tay đều bình đẳng và hữu ích như nhau, cùng nhau làm việc. Mỗi người đều có phận vụ riêng, chu toàn phận vụ ấy là chúng ta sẽ trở nên người hữu ích.

Con người trong xã hội hôm nay đang bị phân rẽ bởi tiền bạc vật chất, điều nguy hại nhất đó là sự phân rẽ bởi tư tưởng thành kiến, bởi cái tôi hẹp hòi ích kỷ. Ai cũng muốn khẳng định chính mình, cho mình là trung tâm vũ trụ. Thiên Chúa thì lại khác, Người khiêm nhu tự hạ nên bé nhỏ hòa mình với thụ tạo. Người tự xóa mình đi, tự hủy trong chính bản thể Người để hiệp nhất nhân loại trong một nhiệm thể duy nhất.

Trong cái nhìn của thánh Phaolô, mầu nhiệm phục sinh của Ðức Kitô đã giao hòa chúng ta với Thiên Chúa, biến đổi loài người chúng ta thành thụ tạo mới. Vì thế, đừng ai hãnh diện khoe mình về một phương diện nào, đừng phân biệt mình là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do. Tất cả chúng ta đều thừa hưởng quyền làm con của Thiên Chúa, được tham gia vào sứ vụ loan báo Tin Mừng. "Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Ðấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Ðức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Ðức Kitô" (Ep 4,4-6.12-13).

Sống tinh thần hiệp hành trong Giáo hội, chúng ta được mời gọi tôn trọng sự khác biệt và khả năng của người khác. Khi đi rao giảng Tin Mừng, Ðức Giêsu không ngần ngại đến với những người nghèo, người tội lỗi để cảm hóa và trao cho họ niềm hy vọng cứu độ. Qua các bí tích, Giáo hội như người mẹ dịu dàng mở rộng vòng tay đón nhận tất cả con cái mình, nhất là những đứa con lạc hướng và mang đầy những thương tích. Giáo hội ví như vườn hoa muôn sắc, trong đó mỗi tín hữu mang hương sắc khác nhau. Mỗi người đều nhận lãnh đặc sủng để hoàn trọn ơn gọi của mình. Vì thế "Ðừng bao giờ quên rằng Giáo hội không thể hiện hữu nếu thiếu chiều kích đặc sủng. Phủ nhận chiều kích này không chỉ làm nghèo Giáo hội mà còn phủ nhận luôn cả sự hiện hữu của Giáo hội. Không có chiều kích này, Giáo hội không chỉ bị mất một bộ phận nào đó của mình, giống như một người bị mất bàn tay, nhưng sẽ không còn là Giáo hội nữa, vì chính yếu tính của Giáo hội sẽ bị tiêu hủy" (Suenens, Thánh Thần, Hơi Thở Sống Ðộng của Giáo hội).

Lạy Chúa, xin ban sự sống Thần Linh của Chúa cho chúng con, giúp chúng con được biến đổi, được trở nên giống Chúa, biết cùng đối thoại lắng nghe nhau, cùng nhau phục vụ, hầu lan tỏa vẻ thánh thiện và tình thương Chúa cho mọi người. Amen.

Nt. Anh Thư

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page