Cái Giá Của Tự Do

(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý

Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 029 -

Phút Bình Yên

 

Phút Bình Yên

Nt. Anh Thư

(RVA News 09-08-2022) - Cho tôi xin một phút bình yên, để lắng nghe điều kỳ diệu trong cuộc sống. Cho tôi quên những chuyện muộn phiền, để chữa lành vết xước trong tâm hồn. Cho tôi ca bài ca tình yêu sự sống, vì đó là điều đáng giá hơn tất cả của cải trên thế gian này.

Quý vị và các bạn thân mến,

Người ta quan sát thấy, những cư dân ở đảo Hawaii có đời sống nhàn tản và bình yên. Họ yêu thích và sống gần gũi với thiên nhiên. Buổi sáng, họ dành một khoảng thời gian để trấn tĩnh tâm trí, hít thở không khí tỏ lòng biết ơn về mọi điều. Buổi chiều, họ thanh lọc tâm trí bằng cách rũ bỏ những điều tiêu cực, học cách tha thứ để cải biến cuộc đời. Các bậc trưởng lão ở đó khuyên mọi người nên thiền định hai lần trong một ngày. Lần thứ nhất vào lúc bình minh để cảm tạ năng lượng vũ trụ, lần thứ hai vào buổi chiều tối để thanh lọc mình khỏi những điều tiêu cực giúp cho cuộc sống thêm hạnh phúc. Thân thể cần được tắm rửa thế nào thì tâm hồn cũng cần thanh lọc như vậy, để tránh những điều bế tắc u mê.

Y học cho biết, khi một bệnh nhân bị chứng bại liệt nửa người, đó là vì họ đã bị tắc nghẽn một mạch máu ở vị trí quan trọng trên não bộ khiến cho chân tay tê liệt. Cách chữa trị không chỉ là xoa bóp các chi bị liệt mà phải khai thông mạch máu đang bị nghẽn. Cũng vậy có lúc vì những va đập trong cuộc sống, những đổ vỡ trong tương quan khiến tâm hồn ta giao động, hoảng loạn rối bời, cảm xúc dồn dập tác động đến hơi thở và nhịp tim. Lúc này, ta cần dừng lại, hít thở chậm đều để điều chỉnh nhịp thở giúp thân tâm cân bằng.

Cuộc sống quá nhiều công việc, ồn ào và hối hả, có những lúc chúng ta cũng cần giây phút tĩnh lặng. Tĩnh lặng không phải là trạng thái thụ động bế tắc nhưng là lúc tâm hồn thu tích năng lượng. Mỗi ngày chúng ta tiêu tốn biết bao năng lượng vào công việc, học hành, vui chơi giải trí khiến cho cơ thể mệt mỏi và có thể kiệt sức. Hãy dành thời gian để nghỉ ngơi, thu tích năng lượng cho hành trình dài nếu không muốn bị thụt lùi. Tĩnh lặng còn là để lắng nghe lòng mình, gạn lọc cặn bã đục dơ giúp con mắt tâm hồn được trong sáng.

Trong sách Thánh Vịnh với 150 ca khúc, hẳn là tác giả phải trầm mình trong thinh lặng để viết lên những bài ca trác tuyệt ca ngợi kỳ công của Ðấng Tạo Hóa. "Vinh hiển Chúa nguyện muôn năm tồn tại, công trình Chúa làm Chúa được hân hoan. Chúa nhìn đất thấp, đất run lẩy bẩy, Người chạm núi cao, núi tỏa khói mịt mù. Suốt cuộc đời, tôi sẽ ca mừng Chúa, sống ngày nào, xin đàn hát kính Thiên Chúa của tôi. Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Người vui thỏa, đối với tôi, niềm vui là chính Chúa" (Tv 104,31-34). 150 bài thánh vịnh với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, lúc trầm lúc bổng, lúc hân hoan phấn khởi xen lẫn nỗi khắc khoải bi thương. Tất cả là tâm tình cầu nguyện của đoàn dân ngưỡng vọng lên Thiên Chúa.

Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta cũng cần trở vào căn phòng nội tâm để lắng nghe tiếng Chúa, để nhận biết chính mình với những góc khuất đầy lầm lỗi yếu đuối, với những hoang mang lạc lối giữa trăm ngàn ngã rẽ. Có ngã rẽ về chốn phồn hoa đô thị hưởng thụ vật chất, có nẻo về của những hy sinh từ bỏ. Ðôi lúc chúng ta cũng băn khoăn tự hỏi: Làm sao để nhận biết con đường Chúa mời gọi, làm sao để khỏi lạc lối yêu thương. Chân lý không phải là vật thể cho ta nắm giữ nhưng phải cảm nghiệm bằng đức tin và sự khiêm tốn lắng nghe.

Thiên Chúa là tình yêu, Người luôn lắng nghe và thấu cảm tiếng lòng của con người. Loài người càng tội lỗi bao nhiêu, Thiên Chúa càng thể hiện lòng thương xót sâu rộng bấy nhiêu. Tình yêu Thiên Chúa phủ lấp muôn vàn yếu đuối và tội lỗi loài người. Với lòng tin và lời khẩn nguyện của con người, Chúa Giêsu đã chữa lành bao nhiêu số phận, bao người đau khổ tội lỗi.

Lạy Chúa là nguồn mạch sự sống và khôn ngoan, xin cho chúng con luôn có sự gắn kết với Chúa trong cầu nguyện, để kín múc nguồn mạch sống thánh thiêng, và để tâm hồn được niềm vui an hòa. Amen.

Nt. Anh Thư

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page