Ngày 24 tháng 11

Lễ Trọng Mừng Kính

Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Ngày 28 tháng 11

Thánh Anrê Trần Văn Trông, quân nhân

(1814-1835)

 

Thánh Anrê Trần Văn Trông sinh năm 1814 trong một gia đình Công Giáo ở Kim Long, Phú Xuân (Huế). Cậu là con trai duy nhất trong nhà. Năm lên 15 tuổi, cha cậu mất sớm, gia đình phải lâm vào cảnh mẹ góa con côi. Vì thương mẹ và không muốn mẹ phải chịu khổ nhiều, nên Anrê Trông đành thu xếp sách đèn, theo chân bà con lối xóm về họ Thợ Ðúc dệt tơ cho hoàng gia. Ảnh hưởng sự giáo dục từ người mẹ hiền, cậu ngay thẳng thật thà, luôn chăm chỉ làm việc và không ưa những chuyện gây gỗ, bất hòa. Mỗi buổi chiều, sau những giờ lao động mệt mỏi, cậu thường vác cần câu đến ngồi bên bờ sông Hương xanh biếc, để được gần gũi với thiên nhiên.

Năm 20 tuổi, Anrê Trông cảm thấy với đồng lương ít ỏi của nghề thợ dệt tơ không đủ nuôi sống gia đình, cậu đành giã từ mẹ lên đường nhập ngũ.

Sau tám tháng phục vụ trong quân đội, tháng 11 năm 1834, triều đình ra lệnh những binh sĩ Công Giáo phải ra trình diện. Không chút e dè, Anrê Trông cùng với 12 đồng đội cùng ở khu Thợ Ðúc đến ra mắt quan. Quan yêu cầu các anh phải tuân lệnh nhà vua bỏ đạo và đạp lên Thánh Giá. Cả 13 chiến sĩ Công Giáo đều cương quyết khước từ. Các quan bèn dùng biện pháp tra tấn dã man... Lần lượt 12 người từ từ bỏ cuộc, chỉ còn một mình Anrê Trông vẫn trung kiên đến cùng. Quân lính trói anh lại khiêng qua Thánh Giá, nhưng anh co chân lên quyết không xúc phạm đến ảnh Chúa. Thế là từ trại lính, anh bị tống qua trại giam. Các quan kết án tử hình, nhưng còn giam hậu, nghĩa là chưa xử tử ngay.

Suốt một năm bị giam trong ngục, Anrê Trông chịu nhiều điều cơ cực khổ sở, nhưng niềm tin của anh qua những thử thách đó càng ngày càng vững mạnh. Anh sốt sắng cầu nguyện và đặc biệt phó thác đời mình cho Ðức Mẹ, xin Chúa vì lời Mẹ Maria chuyển cầu ban cho ơn trung tín đến cùng. Những món quà tiếp tế nhận được, anh chia sẻ cho các bạn tù và lính canh ngục, nên được họ quí mến. Cũng chính nhờ đó, anh có cơ hội đặc biệt để đi xưng tội, rước lễ và thăm mẹ.

Khi biết tin có cha Ngôn đang hoạt động ở Phú Xuân, Anrê Trông liền xin viên cai ngục và cậu được phép về nhà một ngày dưới sự giám sát của một người lính. Nhờ đã dò hỏi rõ nơi ở của vị linh mục, Anrê Trông và người lính chèo thuyền đến bến đò kia vào giữa lúc trưa. Lúc đó, mọi người dân chài đã lên bờ ăn uống nghỉ ngơi. Anh Anrê Trông liền bước qua thuyền của cha Ngôn, đẩy thyền trôi nhẹ ra giữa dòng. Hai người nhỏ to tâm sự và anh quỳ xuống lãnh phép lành tha tội. Xưng tội xong, anh ngỏ ý xin rước lễ, cha Ngôn hẹn anh sáng hôm sau tại Kẻ Văn. Thế rồi anh và người lính tiếp tục chèo thuyền về Kim Long. Hai người lên bờ và ngủ tại nhà mẹ một đêm. Tả sao cho xiết niềm vui của hai mẹ con được tái ngộ trong hoàn cảnh bất ngờ này. Mẹ anh đã hết lời khích lệ động viên anh kiên tâm vì đức tin.

Tảng sáng hôm sau, anh Anrê Trông và người lính gác vội vã chèo thuyền đến điểm hẹn. Gặp lại vị "khách quí" là cha Ngôn, anh liền quỳ xuống lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Cha Ngôn chúc lành: "Ước gì Mình Thánh Chúa Giêsu Kitô sẽ gìn giữ con đến cuộc sống muôn đời". Anh thưa: "Amen". Rồi trong niềm hân hoan vì hồng phúc mới lãnh nhận, anh vui vẻ trở về trại giam như lời hứa với viên cai ngục.

Sau một năm giam tù, thấy không hy vọng gì Anrê Trông thay đổi ý kiến, các quan quyết định ngày xử là 28/11/1835. Sáng hôm đó, người chiến sĩ đức tin gặp được người anh họ mình. Anh ta hỏi có muốn ăn gì không? Anrê Trông trả lời: "Em muốn ăn chay để dọn mình tử đạo", rồi nói tiếp: "Xin anh giúp đỡ mẹ em, chúng ta là anh em, mẹ em cũng sẽ yêu thương anh. Xin nhắn lời với mẹ em: Ðừng lo gì cho em cả, cầu chúc bà mãi mãi thánh thiện, và sẽ hài lòng vì con trai mình luôn trung thành với Chúa cho đến chết". Nhưng thực tế, người anh họ chưa kịp nhắn lại. Bà mẹ của Anrê Trông khi hay tin con bị đem xử, liền vội vã ra đón con ở đầu chợ, nơi con sắp đi qua, gặp con, bà chỉ hỏi một câu vắn tắt: "Bấy lâu nay xa nhà, thời gian ở tù con có nợ nần ai chăng, nếu có thì cho mẹ hay, mẹ sẽ trả thay con". Tấm lòng người mẹ là thế đấy. Bà biết rõ con của mình đủ can đảm chịu mọi đau đớn, giờ đây bà chỉ lo cho con về đức công bình.

Khi được con cho biết không vướng mắc gì với ai, bà tiếp tục đi sát bên con, bình tĩnh thêm lời khích lệ. Ðến nơi xử, sau khi quân lính tháo gông xiềng, người chiến sĩ đức tin liền đón lấy, trao cho người lính cạnh bên và nói: "Xin nhờ anh đưa giùm cái này cho mẹ tôi, để bà làm kỷ niệm". Mẹ anh đứng gần nên nghe rất rõ, nhưng bà chưa lấy kỷ vật đó làm đủ, bà còn muốn đón nhận chính thủ cấp của con mình nữa.

Chiêng trống nổi lên, lý hình vung gươm, đầu vị tử đạo 21 tuổi rơi xuống. Bà mẹ của Anrê Trông chứng kiến ngay từ giây phút đầu tại pháp trường, bà thỏa lòng dù rất khổ đau, bước ra đòi viên chỉ huy trao thủ cấp con bà.

Trong hạnh tích thánh Anrê Trông, người quân nhân xứ Huế, Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII ca tụng người mẹ của thánh Anrê Trông đã thể hiện lòng can trường "theo gương Nữ Vương Các Thánh Tử Ðạo". Như Ðức Maria dưới chân Thánh Giá dâng hiến người Con Yêu Dấu, bà mẹ đó cũng có mặt trong cuộc hành quyết để hiến dâng người con trai duy nhất của mình. Bà đi bên cạnh con, không than khóc không sầu buồn, trái lại còn bình tĩnh vui vẻ khuyên con hãy bền chí đến cùng. Khi đầu Anrê Trông rơi xuống, bà mạnh dạn bước vào pháp trường kêu lớn tiếng trước mặt các quan: "Ðây là con tôi, đứa con mà tôi đã cưu mang dưỡng dục. Giờ này nó vẫn là con tôi, xin các ông trả lại tôi cái đầu của con tôi". Nói xong, bà mở rộng vạt áo, bọc lấy thủ cấp đẫm máu của người con yêu quí. Bọc trong vạt áo rồi ghì chặt vào lòng, bà vừa hôn vừa lặp đi lặp lại: "Ôi con yêu quí của mẹ, con nhớ cầu nguyện cho mẹ nhé!" rồi bà đem về mai táng trong nhà.

Ngày 27/05/1900, Ðức Giáo Hoàng Lêo XIII suy tôn người chiến sĩ anh hùng Anrê Trông lên hàng Chân Phước. Ngài cũng không ngớt lời ca ngợi mẫu gương của bà mẹ hào hùng, đã họa lại gần trọn vẹn hình ảnh Ðức Maria, Nữ Vương Các Thánh Tự Ðạo xưa trên đỉnh Canvê.

Ngày 19 tháng 6 năm 1988, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong ngài lên bậc Hiển Thánh.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page