Ngày 24 tháng 11
Lễ Trọng Mừng Kính
Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Ngày 26 tháng 5
Thánh Matthêu Nguyễn Văn Phượng, trùm họ
(1808-1861)
Thánh Matthêu Nguyễn Văn Phượng tên thật do cha mẹ đặt là Nguyễn Văn Ðắc, nhưng khai trong sổ bộ của làng là Kế, và mãi sau khi lập gia đình, người ta thường gọi ông là Phương, theo tên của người con gái đầu lòng. Chào đời vào khoảng năm 1808, tại làng Kẻ Lái, huyện Lý Nhơn, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình đạo hạnh. Thân sinh ngài là cụ ông Nguyễn Văn Bường, làm đến chức cai đội; và thân mẫu rất dịu hiền, khôn ngoan và đảm đang. Ý Chúa nhiệm mầu, Thánh Matthêu Phương mồ côi cha khi vừa được mười tuổi và hai năm sau, mẹ ngài cũng khuất bóng. Cậu bé mười hai tuổi đã sớm ý thức được cuộc sống, nên gia công gắng sức xin học nghề thuốc với một thầy đông y ngoại đạo tên Nhu. Ba năm sau, khi được mười lăm tuổi, thôi học nghề và theo giúp cha Vincentê Nguyễn Thế Ðiềm (vị sẽ tử đạo dưới thời vua Minh Mạng, ngày 24 /11/1838). Một lòng sắt son, tận tụy giúp đỡ cha Ðiềm trong công việc tông đồ, mở mang Nước Trời.
Cha Ðiềm rất cảm mến tấm lòng đạo đức và đức tính cần mẫn nên khi ngài đã thành thân thì cha Ðiềm lo toan cưới cho một hiền thê, quí danh là Vốn, con của ông đội Khiêm, một gia đình đạo đức thuộc họ Sáo Bùn. Sau khi lập gia đình thì ngài dọn về chung sống với gia đình nhạc gia và thực hành nghề thuốc để độ nhật. Ngài sống bằng nghề thuốc, còn vợ ngài buôn tần bán tảo, nhờ ơn Chúa thương, gia đình thuận hòa, đầm ấm và an vui. Hai ngài có tám người con, các con được giáo huấn, ân cần sốt mến giữ đạo. Không chỉ chăm lo gia đạo, ngài còn ủi an, viếng thăm giúp đỡ những người đau ốm, rước cha xức dầu và đưa của ăn đàng cho các tín hữu hấp hối. Do các việc lành thánh, ngài được các cha cắt đặt làm trùm họ Sáo Bùn để hôm sớm lo nguyện, giảng dạy giáo lý cho những người tòng giáo hay rửa tội cho các trẻ em trong trường hợp khẩn cấp khi không mời được các cha. Lại khi có các cha đến ẩn nấp, trú ngụ trong nhà ngài để ban phát các nhiệm tích, thì ngài ân cần tiếp đón các ngài và nồng nàn khuyên nhủ mọi người trong họ đạo dọn mình lãnh nhận các ân sủng.
Trong thời kỳ cấm cách, ngài biết rằng tội oa trữ đạo trưởng Da Tô sẽ mang đến bản án tử hình cho chính ngài, nhưng một lòng can trường, quả cảm, ngài đã để cho cha Gioan Hoan ẩn trú trong nhà khi cha Hoan đến ban bí tích cho giáo dân trong họ Sáo Bùn vào tháng Giêng năm 1861. Có người xấu bụng, đi tố cáo với quan về chỗ ẩn nấp của cha Hoan để lãnh thưởng. Do sự chỉ điểm, quan quân xông đến vây xét nhà ngài. Khi vừa nghe tiếng động thì cha Hoan đã thoát thân ra ngoài. Khi quan vào nhà, bắt trói ngài quì gối giữa nhà và tra hỏi chỗ ẩn nấp của cha Hoan, thì ngài một mực từ chối báo rằng không biết. Quan cho lệnh lục xét trong nhà và quân lính bắt gặp nhiều đồ lễ, sách nguyện và đồ thờ phượng. Vì không thấy tiền bạc, nên quan quân càng lục lọi, xáo trộn bừa bãi. Quan hạ lệnh đánh đòn ngài bốn mươi roi và đánh người con trai út ngài là cậu Thắng tám mươi roi để khảo cho ra chỗ dấu của, cũng một lòng như cha, hai cha con ngài một điều thinh lặng chịu đựng. Cuối cùng, quân lính tìm thấy được hai mươi lạng bạc của cha Hoan, quan quân hả dạ, chấm dứt màn tra khảo, thả cho cậu Thắng, còn dẫn Thánh Phượng về công đường tỉnh Quảng Bình.
Bị bắt bớ, giam cầm hơn bốn tháng trong lao tù Ðồng Hới, hơn bốn lần bị tra khảo, bị quyến dũ bỏ đạo, mỗi lần tra tấn bị đánh hơn 30 roi, nhưng ngài mãi một lòng sắt son. Các quan trường cố ép ngài vào tội oa trữ đạo trưởng để có đủ lý do khép tội và đệ án vào kinh. Trong một lần tra khảo chung với cha Gioan Hoan tại công đường, vì thấy quân lính đánh đập quá tàn nhẫn, nên cha Hoan đã thì thầm với ông trùm Phượng chỉ chấp nhận khai với quan là đã dọn cho cha Hoan một bữa ăn mà thôi. Sau lần chấp nhận có dọn bữa ăn cho cha Hoan, quan lấy làm đủ không còn tra tấn thêm và làm án vào kinh. Trong ngục tù do sự đút lót, cho tiền các lính canh, nên ngài cũng được thong thả đón tiếp các con cái, thân bằng đến viếng thăm. Ngài một lòng khuyên bảo mọi người can trường giữ đạo Chúa. Trong những ngày lao tù, cha Hoan và ông trùm Phượng bị giam riêng biệt hai nơi khác nhau, nhưng nhiều lần cha Hoan đã được phép vào an ủi, giải tội và mang Mình Thánh Chúa. Các con cái đến viếng thăm, ngài khích lệ tinh thần, khuyên bảo cố gắng giúp đỡ nhau, yêu thương nhau, ngài thương cách đặc biệt người con gái đang tu trong Dòng Mến Thánh Giáo Sáo Bùn là chị Thủ và cậu Thắng là con trai út.
Ngày 25 tháng 5 năm 1861, án lệnh của vua Tự Ðức từ Kinh Ðô về đến Ðồng Hới, nhưng không một ai hay biết. Ðến sáng ngày 26 tháng 5 năm 1861, sau khi thức dậy thật sớm, đọc kinh nguyện ở trong tù, và đang khi ông trùm Phượng đang chẻ củi, nhóm lửa để nấu nước trà, thì quân lính ập vào, đeo gông cùm và báo tin mang ngài đi xử tử. Nét mặt an bình, tâm hồn tràn ngập niềm tin yêu, hy vọng sắp được diễm phúc tử vì đạo. Ông trùm Phượng để cho quân lính dẫn ra pháp trường tại cửa thành Quảng Bình. Trên đường ra pháp trường, ngài hân hoan được gặp lại cha Hoan cũng đang bị dẫn đi, hai đôi mắt nhìn nhau trong âm thầm cảm tạ hồng ân Thiên Chúa. Dáng đi khoan thai, đôi mắt đăm chiêu nhìn xuống, miệng thầm thì cầu nguyện, quang cảnh thật cảm động và đánh động nhiều người đang chứng kiến xuộc xử hình. Ðến cửa thành, ông trùm Phượng quì xuống và xin cha Hoan chúc lành, quân lính cởi áo của ngài và cho phép ngài chọn lựa: hoặc bị cột vào cọc hoặc chỉ quì xuống. Ngài đã chọn lựa cách thứ hai. Sau tiếng chiêng, lý hình vung lát kiếm và đầu của ngài lìa xác để mãi mãi đi vào vinh quanh bất diệt của Ðức Kitô. Giáo dân tuôn vào hôn kính thấm máu tử đạo. Xác ngài được đưa về an táng tại họ Mỹ Hương.
Sau này khi cải táng, Ðức Giám Mục Sohier (Bình) đã cẩn thận gói kỹ hài cốt trong tấm lụa và giữ tại Tòa Giám Mục Huế. Ðến năm 1909, do lệnh của Bộ Phong Thánh, Ðức Giám Mục Allys (Lý) đã mở ra để kiểm soát, niêm phong trong một tấm lụa và đặt trong hòm xương thánh, cung kính lưu giữ tại Ðại Chủng Viện Phú Xuân, Huế.
Ngày 2 tháng 5 năm 1909, Ðức Thánh Cha Piô X tôn phong ông trùm thánh thiện Matthêu Nguyễn Văn Phương lên bậc Chân Phước.
Ngày 19 tháng 6 năm 1988, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong ngài lên bậc Hiển Thánh.