Cuộc Tử Ðạo Của Chị Anê Dần
Họ Bình Cang, Giáo Phận Nha Trang
Cuộc Tử Ðạo Của Chị Anê Dần, Họ Bình Cang, Giáo Phận Nha Trang.
Vòng hoa chiến thắng tử đạo đẹp nhất của tỉnh Khánh Hòa đã về tay một thiếu nữ tên Dần.
Chị Anê Dần, thuộc họ Bình Cang, tỉnh Khánh Hòa, giáo phận Nha Trang. Khi nghiên cứu sử liệu, chúng tôi không tìm ra tên thánh và tuổi tác chính xác của Chị Dần. Nhưng theo lời kể, có lẽ Chị Dần được rửa tội với tên thánh Anê. Chúng tôi xin dùng danh xưng Chị Anê Dần trong bài giới thiệu cuộc tử đạo của Chị. Theo lời khai của nhiều nhân chứng khác nhau, Chị Anê Dần tuổi từ 16 đến 20. Chị gia nhập nhà phước Mến Thánh Giá độ hai ba năm trước khi bị bắt. Khi qua đời, vào năm Canh-Thân 1860, Chị Dần còn mặc áo trắng nhà phước, nghĩa là còn trong thời kỳ tiền thỉnh sinh, như tên gọi bây giờ.
Cha mẹ Chị Dần là ông Ðây và bà Ti. Chị Dần cũng có một người chị. Khi cuộc bắt bớ đạo Công Giáo lan rộng khắp nước vào cuối thập niên 1850, Chị Dần bị bắt cùng với cha mẹ, chị cả và bị tống giam nơi phủ giống các tín hữu Công Giáo khác.
1/ Bản tường trình của Cha Francois-Marie Geffroy, Linh Mục thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP), liên quan đến cái chết vì đạo của Chị Anê Dần.
Cha Francois-Marie Geffroy truyền giáo tại Việt Nam tổng cộng 47 năm, trong đó có 8 năm tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, từ 1871-1879. Như thế, Cha đến Nha-Trang chỉ vỏn vẹn mới hơn 10 năm sau cái chết của Chị Anê Dần. Các bổn đạo tỉnh Khánh Hòa lúc ấy vẫn còn ghi khắc như in và nhắc nhở nhau về tấm gương sống động của Chị. Vừa đến Nha Trang, Cha Francois-Marie Geffroy thu thập ngay một số chứng từ và gởi Bản Tường Trình về Paris cho các Bề Trên vào năm 1871.
Cuộc bách hại đạo của Tự Ðức diễn ra vô cùng khốc liệt tại tỉnh Khánh Hòa. Ðiều này phần lớn do lỗi của các tín hữu, hay đúng hơn, do lỗi của các bậc Câu Biện, thua xa các bổn đạo thường trong đời sống đạo đức. Các ông Câu ông Biện này quá giao thân với người ngoại giáo. Một vài người làm phụ tá hoặc thư ký cho các quan; vài người khác chỉ huy binh lính. Do đó, họ là những người sẵn sàng quay lưng "hùa theo phía kẻ mạnh". Họ bảo nhau: "Ði ngược gió hoặc lội ngược dòng, chẳng ích lợi gì; chi bằng hãy nương theo chiều gió để khỏi bị bẻ gãy. Khi nào giông tố qua đi, chúng ta sẽ trở lại làm con chiên ngoan đạo như trước, bởi vì, chúng ta chỉ chối đạo bằng môi miệng, chứ tâm lòng chúng ta vẫn không thay đổi!".
Ðó là lý lẽ đáng thương của những bậc đầu mục không xứng đáng. Thế rồi họ không tiếc lời trách mắng các tín hữu Công Giáo kiên trung, nhất mực không phản bội Ðức Tin, như chúng ta sẽ thấy sau đây trong câu chuyện của thiếu nữ Dần, bởi lẽ, chính thái độ cương dũng gan dạ này kết án lối sống bất xứng của các bậc vị vọng trong giáo xứ.
Vòng hoa chiến thắng tử đạo đẹp nhất của tỉnh Khánh Hòa đã về tay một thiếu nữ tên Dần. Chị qua đời trong tù vì bị đánh đập tàn nhẫn. Có lẽ hồ sơ xin phong chân phước cho Chị chỉ thiếu duy nhất một điều: bản kết án tử hình, hoặc cần có một thỉnh nguyện viên hết lòng chăm lo án xin phong thánh cho Chị. Chị mới 16 tuổi khi bị bắt cùng với cha, mẹ và người chị cả. Gia đình Chị rất nghèo và thuộc họ Bình Cang. Trong tù, cả gia đình bị đói khổ, bởi vì theo thói tục xứ An-Nam bấy giờ, trước khi thực sự bị kết án, các tù nhân không được cung cấp lương thực, họ phải tự xoay xở nuôi sống chính mình.
Vì không có ai bên ngoài lo lắng giúp đỡ, nên gia đình Chị Dần chỉ ăn nhờ của bố thí. Sau hai năm sống khốn cực như thế, vì không thể tiếp tục được nữa, bà mẹ và người chị cả của Chị Dần đành chối đạo để được trả tự do về nhà kiếm ăn. Người cha cầm cự đến cuối, nhưng sau đó cũng chối đạo luôn, chỉ còn lại Chị Dần, cương dũng trung thành với đạo Công Giáo cho đến khi tắt thở.
Cũng bởi Chị Dần trẻ tuổi nhất trong số những bổn đạo nhất mực tín trung, nên các quan đổ dồn mọi chú ý trên Chị, đâm bổ vào Chị, cấu xé Chị như sư tử cắn mồi, hầu khiến Chị phải chối đạo. Thật tội nghiệp Chị, trẻ thân tất bạc, thịt da non nớt! Lúc ra giữa công đường, nên khổ não cho các quan, vì thua nữ nhi thơ yếu, khi về nhà giam lại nên cay đắng sỉ hỗ cho những người chối Chúa.. Lúc ấy, các bổn đạo có dấu gì chối đạo, quan cho về làng lập tức, còn mấy đầu mục, dầu đã xiêu lòng chối đạo, quan vẫn chưa tin và giam lại đó. Những người này thấy Chị Dần còn nhỏ tuổi mà có lòng tin vững vàng cùng cam lòng chịu khổ hơn mình thì lấy làm sỉ nhục thẹn thuồng, chịu không được. Họ nhạo báng Chị Dần, kêu Chị con nọ con kia mà rằng: "Ðồ quân vô hình khốn kiếp, mi dám dạy khôn ta? Ớ con chai đầu, cứng cổ kia, hãy chối đạo về nhà kiếm ăn cho rồi!". Kẻ thì nhiếc mắng, người thì dỗ dành. Nhưng Chị Dần lặng lẽ chịu trận, không đáp lại ai lời nào, ngoại trừ câu nói: "Không bao giờ con chối đạo. Không! Không! Con sẽ không bao giờ chối bỏ Thiên Chúa con". Trong khi đó, các bổn đạo tín trung thấy Chị Dần mạnh mẽ vững vàng, đem lòng quí mến và yêu thương Chị lắm.
Ông trùm Nên ở họ Chợ Mới, thuộc tỉnh Khánh Hòa, thuật lại rằng. Một ngày, con gặp Chị Dần và hỏi: "Con chịu đòn đánh thịt nát tan xương, nhưng không bao giờ thấy con than van năn nỉ gì hết. Bộ con không đau sao?". Chị Dần thưa: "Con đau đớn lắm, nhưng con cứ làm ngơ cho khuây lảng. Lại nữa, khi nào người ta bắt đầu đánh đập con, con cũng bắt đầu đọc kinh "bắt đạo", tức là Kinh Dốc Lòng. Ðọc kết Kinh, con đọc trở lại. Cứ thế, con đọc đi đọc lại nhiều lần Kinh Dốc Lòng cho đến khi nào người ta ngừng đánh con".
Sau đây là nguyên văn Kinh Dốc Lòng:
- Lạy Chúa, con sấp mình dưới chân Chúa là Ðấng dựng nên trời đất muôn loài. Chúa cũng dựng nên con để ở đời này con tôn thờ Chúa. Vì thế, bổn phận chính yếu của con là có lòng tin, cậy, mến và giữ đạo đàng hoàng. Bởi vì, tại tội lỗi con và vì thương xót con mà Chúa đã sai Ngôi Hai xuống thế làm Người và Ðức Chúa Giêsu đã phải chịu hành hạ rồi chịu chết để mang lại cho con ơn cứu rỗi, cũng như chuộc con khỏi lửa hỏa ngục đời đời. Còn con, khi đến giờ, con lại không muốn chịu đau khổ để đáp đền ơn Ðấng đã yêu thương con đến vô ngần sao? Không! Không thể được! Vì thế, kể từ ngày hôm nay và cho đến mãi mãi, dù người ta bắt con, trói con, dù người ta buộc con mang gông mang cùm, dù người ta tống ngục hay biệt giam con; hoặc nữa, dầu cho con bị đày đi xa hoặc bị tách lìa khỏi cha mẹ, gia đình con cùng mọi của cải con; hay là, nếu con phải chịu tra tấn hành hạ dữ dằn cho đến chết đi nữa vì Ðức Tin, con vẫn cương quyết chấp nhận chịu mọi đau khổ và tin tưởng vững vàng rằng, mọi độc ác tàn bạo người ta dùng chống lại con, vẫn không thấm vào đâu, so với các cực hình Chúa đã chịu ngày xưa vì tội lỗi con. Hơn nữa, con tin vững chắc rằng, các đau khổ con chịu ngày hôm nay rồi sẽ qua mau, nhưng phần thưởng Chúa dành cho con mai sau trên thiên đàng sẽ vô biên và bất tận. Vì thế, con khẩn nài Chúa, lạy Thiên Chúa con, xin ban cho con sức mạnh và lòng cương quyết, hầu kể từ giây phút này, bằng một lòng kiên trung, con thà chịu mọi hình khổ độc dữ nhất và ngay cả cái chết khủng khiếp nhất, chứ không thà chối bỏ đạo thánh Chúa. Bởi vì, chối đạo chỉ dành cho con ở đời này một cuộc sống khốn cùng, nhưng sau đó, nơi đời sau, con lại bị kết án trầm luân khốn cực vô cùng nơi hỏa ngục. Amen.
Quan án Tường được đổi vô Khánh Hòa vào cuối thời kỳ bách hại đạo Công Giáo. Ông quan đến từ Huế này dữ như cọp. Ông độc ác đến độ làm cho phân nửa tín hữu Công Giáo còn bị giam đã chối đạo hết, trong số đó có ông Ðây thân phụ Chị Dần.
Ông Ðây nói với Chị Dần rằng ông cảm thấy không đủ can đảm kháng cự lâu với ông quan mới hung tợn này. Ông quyết định chối đạo ngay ở buổi ra tòa đầu tiên. Chị Dần khóc lóc nức nở. Chị van nài thân phụ hãy kiên trung đến cùng. Chị thưa với thân phụ: "Chối đạo sau khi đã ròng rã chịu đựng gian khổ trong vòng ba năm trời, ấy chẳng phải cha biến thành vô ích mọi cực hình cha đã vui lòng chấp nhận cho đến ngày hôm nay sao? Chối bỏ Thiên Chúa ư! Há chẳng thà chết ngàn lần hơn là đi đến chỗ tồi bại ấy? Xét cho cùng, cha được lợi ích gì khi chối đạo? Cha sẽ được thả về, đúng thế, nhưng để rồi cha sẽ chết ngay sau đó?". Và quả thực đã xảy ra như lời Chị Dần nói.
Chị Dần khóc lóc ngày đêm, van xin thân phụ đứng vững và cả đến việc chấp nhận cái chết, nếu cần. Nhưng tất cả đều vô hiệu. Ngay buổi ra tòa đầu tiên trước quan án Tường, ông Ðây đạp lên Thánh Giá chối đạo. Chị Dần đau đớn khóc ròng. Sau đó, khi ông Ðây đến từ biệt con gái, Chị Dần nói với cha: "Cha đã chối bỏ Thiên Chúa, con không nhận cha là cha con nữa. Hãy đi đi và xin Thiên Chúa thương xót linh hồn cha".
Buổi ra tòa tiếp theo đó, vì biết rõ Chị Dần từ chối không nghe lời thân phụ đạp lên Thánh Giá, quan án Tường dùng đủ mọi thủ đoạn ghê rợn nhất. Dưới những lằn roi đánh tới tấp, Chị Dần ngất xỉu. Chị được đưa trở lại nhà giam, máu me đầm đìa. Mặc dầu thế, chỉ vỏn vẹn hai ngày sau, Chị lại bị đưa ra công đường và bị đánh đập tàn nhẫn. Lần nữa, Chị Dần lại lịm đi. Lính liền kéo lê thân xác rách nát Chị ra khỏi tòa và bỏ cho chết ngoài hàng rào. Ông Sự, người quê Phú-Yên và là một trong những tín hữu Công Giáo kiên trung với Ðức Tin, đã ra ngoài rào, bế Chị Dần trên tay và đưa vào nhà giam, đặt trên một phản gỗ cứng nhắc.
Từ trên tấm gỗ đó, Chị Dần không còn nhúc nhích gì được nữa. Bị đau đớn vô cùng, nhưng Chị Dần nhẫn nhục chịu đựng, không hé môi than trách lời nào. Từ từ, các vết thương của Chị nưng mủ sinh giòi và lỡ loét mỗi ngày một lan rộng. Cùng với một người nữa, ông Sự tiếp tục giúp đỡ Chị Dần. Cứ thế, Chị Dần kiên trung anh dũng chịu đựng trong vòng hai tuần lễ, cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, vào năm Canh Thân 1860.
Mấy năm sau, Cha Vận hốt cốt Chị Dần cùng với 8 vị tuyên xưng Ðức Tin khác, trong số này có Chú Giuse Hữu, và đem về chôn nơi nghĩa trang Chợ Mới.
Trên đây là bản tường trình của Cha Francois-Marie Geffroy, gởi về các Bề Trên Hội Thừa Sai Paris vào năm 1871.
50 năm sau - 1920 - Ðịa phận Ðông Ðàng Trong, có tòa giám mục đặt tại Qui-Nhơn, thu thập một số chứng từ liên quan đến cuộc tử đạo của Chị Anê Dần. Hồ sơ hoàn thành và gởi về Tòa Thánh cùng năm 1920.
2/ Lời cung khai của ông Antôn Hiển, 72 tuổi, họ Hà-Dừa, tỉnh Khánh-Hòa, Nha Trang.
Con đã từng có dịp gặp mặt Chị Dần, vì Chị thuộc họ Bình-Cang, con thuộc họ Hà-Dừa, hai giáo xứ cách nhau không xa. Vã lại lúc ấy, mỗi khi đi lễ Chúa Nhật ở Bình-Cang, con lại có dịp trông thấy Chị Dần.
Cha Chị Dần tên Ðây. Họ là các tín hữu đạo đức, siêng năng xưng tội, rước lễ. Gia đình Chị Dần rất nghèo, làm nghề đan và bán thúng rổ để có tiền sinh sống. Con không rõ số tuổi chính xác của Chị Dần, chỉ biết rằng, Chị Dần lớn hơn con khoảng 2-3 tuổi. Con cũng không biết tên thánh rửa tội của Chị Dần.
Con nhớ có dịp trông thấy Chị Dần khi Chị còn ở nhà với cha mẹ. Sau đó Chị vào nhà phước, ở được khoảng hai ba năm thì bị bắt và vui lòng chết vì đạo. Khi chết Chị còn mang áo trắng.
Vào thời kỳ đạo Công Giáo bị bách hại, các quan bắt Chị Dần cùng lúc với các tín hữu khác. Cha mẹ Chị Dần đạp lên Thánh Giá nên được thả ra. Chị Dần không chịu chối đạo nên bị giam ở phủ. Cha con lúc ấy cũng bị giam ở phủ. Do đó con thường vào tận nhà giam mang cơm nuôi cha con. Con có dịp thường xuyên trông thấy Chị Dần. Chị bị giam với 3 Chị nhà phước, nơi dãy nhà tách biệt. Ba con bị giam với mấy tín hữu khác nơi dãy nhà bên cạnh, dành riêng cho đàn ông.
Chị Dần bị giam khoảng hai năm. Chị thường bị gọi ra hầu tòa, trung bình 5 ngày một lần. Các quan bắt Chị bỏ đạo và mỗi lần Chị từ chối, quan truyền lính dùng roi có móc sắt đánh Chị dữ dội. Khi quan ra lệnh: "Ðạp chân lên Thánh Giá", Chị Dần trả lời: "Thưa quan lớn, đạo Ðức Chúa Giêsu Kitô, tôi cương quyết giữ đến cùng và nhất định không bao giờ chối bỏ". Mỗi lần Chị Dần nói như thế, quan truyền đánh Chị 5 roi, mạnh đến độ máu tuôn ra và thịt rách nát tơi bời. Sau đó, quan lại ra lệnh: "Hãy bỏ đạo thì sẽ được thả về nhà kiếm kế sinh nhai". Chị Dần vẫn anh dũng trả lời: "Không bao giờ! Không bao giờ tôi chối đạo!". Quan truyền đánh đòn lần thứ ba, cho đến khi thấy mọi lời dọa nạt dụ dỗ đều vô hiệu, quan ra lệnh đưa Chị Dần về lại nhà giam.
Mỗi lần quan truyền đưa Chị Dần hầu tòa và đánh đập Chị hầu buộc Chị phải chối đạo, nhằm lúc con đang có mặt trong phủ dọn cơm cho ba con, con liền chạy ra xem có chuyện gì. Sau mỗi phiên tòa, khi mấy người lính tháo cọc và cởi trói cho Chị, Chị Dần không còn sức lực nào nữa, vì bị đánh đập quá tàn nhẫn. Phải một lúc thật lâu Chị mới lết được ra khỏi công đường, ngừng một lát, lấy lại chút hơi tàn, trước khi khó nhọc lết về đến nhà giam.
Các quan chưa chính thức viết bản văn kết án tử Chị Dần. Nhưng khi đánh đập Chị tàn nhẫn đến độ toàn thân Chị Dần trở thành một vết thương lở lói, bị giòi bọ rúc rỉa và tắt thở sau 15 ngày đau đớn cùng cực như thế, cái chết của Chị Dần cũng tương tự y như Chị bị kết án trảm quyết vậy.
Sau khi Chị Dần tắt thở, binh lính chôn xác Chị bên ngoài thành. Xác không được đặt trong hòm, nhưng chỉ được quấn chiếu kẹp giữa 4 khúc tre và bỏ xuống lỗ.
Tận thẳm sâu lòng con, con rất quí mến và ngưỡng mộ Chị Dần. Chị Dần không bị kết án chặt đầu, đúng thế, nhưng chết trong tù như Chị, sau khi bị đánh đập tàn nhẫn khiến toàn thân lở loét thúi rữa, giòi bọ lúc nhúc, Chị Dần quả xứng đáng mang danh hiệu tử vì đạo.
3/ Lời cung khai của bà Lucia Ðiều.
Con tên Lucia Ðiều, lúc trước thuộc họ Ðại-Ðiền. Sau khi cha mẹ qua đời, con về sống với người cháu ở họ Cầu-Ké. Năm nay con 73 tuổi. Vào năm 1860, con ở lứa tuổi 14-15 và vẫn còn sống với cha mẹ ở Ðại-Ðiền. Ðại-Ðiền không cách xa phủ bao nhiêu. Chị Dần lúc ấy khoảng 16-17 tuổi.
Người ta kể cho nhau nghe rằng, các quan truyền bắt và giam Chị Dần nơi phủ. Tại đây, các quan tìm cách bó buộc Chị Dần bước qua Thánh Giá. Chị Dần quyết liệt từ chối. Các quan ra lệnh cho lính đánh chị tàn nhẫn hơn bất cứ tù nhân nào khác. Các quan thường xuyên gọi Chị Dần ra tòa, bảo phải chối đạo. Chị Dần luôn luôn trả lời rằng: "Quan lớn đánh tôi, tôi chịu đánh, quan lớn giết tôi, tôi bằng lòng chết, nhưng thà chết chứ không thà chối bỏ Thiên Chúa tôi tôn thờ".
Một ngày, khi đi bán dạo, con ngang qua phủ. Con nghe tiếng đánh đập một người nào đó. Con hỏi thì người ta cho con biết là lính đang đánh Chị Dần. Con liền vào phủ để xem. Và đây là điều con thấy tận mắt. Chị Dần nằm dưới đất, bị cột vào cọc và một người lính đứng bên cạnh, dùng roi đánh Chị. Quan bố và quan án hét lớn với Chị Dần rằng: "Hãy chối đạo". Những người lính cũng thúc giục Chị Dần hãy nghe lời quan và chối đạo. Nhưng Chị Dần vẫn không lay chuyển. Vừa khóc vì quá đau đớn Chị Dần vừa khẳng khái trả lời: "Quan có thể đánh tôi đến chết, tôi bằng lòng chết, còn việc chối bỏ Thiên Chúa tôi tôn thờ, tôi sẽ không bao giờ làm".
Khi ấy con nghe mấy người lính nói với quan rằng: "Thưa quan lớn, chúng tôi đánh con nhỏ này đến độ toàn thân nó là vết thương đỏ lói, không còn biết phải đánh chỗ nào nữa. Và nó cứ nhất mực không nghe lời quan và chối đạo. Chỉ còn cách sau cùng là chém đầu nó cho xong. Xin quan lớn quyết định phải làm gì bây giờ". Lúc đó con đứng thật gần và ở lại một lúc thật lâu và chứng kiến tận mắt, nghe tận tai những điều con vừa kể. Xong con bỏ đi vì không dám ở lại lâu hơn nữa. Khoảng 10 ngày sau, con nghe người ta kể rằng, vì bị đánh đập quá tàn nhẫn, nên Chị Dần đã trút hơi thở cuối cùng.
Ngay những người ngoại giáo, khi nói về Chị Dần họ cũng kháo láo với nhau rằng: "Chị ấy can đảm thật! vì dám kháng cự lại các quan và thà chết chứ không thà bỏ đạo. Ðúng là liệt nữ, anh thư! Bởi vì, nếu ở vào trường hợp của Chị, hẳn là mình đã chối đạo ngay sau 4 hay 5 cú đánh và bằng lòng làm theo mọi lời quan lớn truyền!". Về phần các bổn đạo, mọi người đều nức lời khen ngợi Chị Dần. Ai ai cũng cảm phục lòng kiên trung của Chị và mọi người cho rằng Chị Dần xứng đáng được mang danh hiệu tử vì đạo. Riêng con, con tin chắc rằng, khi chết trong một hoàn cảnh như thế, quả Chị Dần xứng đáng được bay thẳng về Trời ngay sau khi tắt thở.
... Kinh Thánh Mẫu La Vang:
Lạy Mẹ Maria Thánh Mẫu La Vang,
đầy muôn ơn phước, ngời chói vạn hào quang,
muôn vàn Thần Thánh không ai sánh bằng.
Ðức Chúa Trời đã đoái thương chọn Mẹ,
tinh tuyền thánh thiện, sinh Ðấng Cứu Ðộ muôn loài.
Mẹ đã chọn La Vang mà hiện đến,
cứu giúp hộ phù tổ tiên chúng con lương giáo,
giữa thời ly loạn cấm cách, khốn khổ trăm bề.
Từ ấy gót chân Mẹ bước đến,
vẫn mãi đầy ơn thiêng.
Ơn phần hồn, ơn phần xác,
người bệnh tật, kẻ ưu phiền,
nào ai cầu khẩn mà Mẹ không nhậm lời.
Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang,
Mẹ là Thánh Mẫu Chúa Trời,
cũng là Thánh Mẫu loài người chúng con.
Cúi xin xuống phước hải hà,
đoái thương con cái thiết tha van nài.
Xin cho chúng con tấm lòng từ bi nhân hậu,
đại lượng bao dung,
cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống.
Xin Mẹ phù hộ chúng con
luôn sống đức hạnh, đầy lòng cậy trông.
Và sau cuộc đời này,
xin cho chúng con được về sống bên Mẹ,
hưởng vinh phúc trong Chúa Ba Ngôi muôn đời. Amen.
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
(Radio Vatican 29/01/2016)