Truyện Vui Suy Niệm

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 110 -

Thà Ở Tù Còn Hơn

 

Ðời thượng cổ nước Hy Lạp có một hoàng đế tên là Ðơ-ni. Ông này nổi danh tàn bạo, nhưng tính lại thích làm thơ.

Nghe tiếng Philôxen một thi sĩ nổi danh ở xứ Ca-rinh, nhà vua liền sai người đi triệu về.

Thi sĩ Philôxen đến, nhà vua trịnh trọng mời ngồi để cùng nhau đàm luận. Sau đó nhà vua đưa thi sĩ một bài thơ mới sáng tác của ông mà ông cho là tuyệt diệu để thi sĩ phê bình.

Philôxen nhận lấy bài thơ, ông xem một lượt từ đầu đến cuối rồi lạnh lùng phát biểu:

- Tâu bệ hạ, bài thơ của bệ hạ toàn dùng những sáo ngữ, hình thức tầm thường, nội dung nông cạn, cần phải sửa lại thật nhiều thì mới gọi là thơ được.

Vốn từ lúc làm vua đến nay, Ðơ-ni vốn không quen những lời nói thẳng và những lời phê bình mạnh bạo. Nên vừa tức giận vừa muốn giữ thể diện với bá quan triều đình, ông hạ lệnh bắt giam thi sĩ liền.

Mấy hôm sau, trong một bữa tiệc hội văn nghệ, nhà vua sai lính cho thi sĩ Philôxen trong ngục ra dự. Lần này ông lại đưa thi sĩ một bài thơ mới làm và cũng đắc ý cho là tuyệt tác.

Xem xong bài thơ thi sĩ không phát biểu gì cả. Ông chỉ cười bảo người lính giữ ông:

- Ðủ rồi, xin dẫn tôi trở lại nhà giam thôi.

* * *

Háo danh là một trong những tật lớn nhất của con người. Hạng người nào cũng háo danh, nhất là những ai chức cao quyền trọng.

Tính ham danh của lòng người hầu như không gì làm toại nguyện được. Ðến như vua Ðơ-ni của Hy Lạp trong câu chuyện trên đây, dù chẳng thiếu một vinh dự nào trong địa vị một hoàng đế, ông vẫn chưa đủ thỏa, mà còn khao khát được khen tặng là thi sĩ.

Thế nhưng, còn tệ hại hơn nữa, một khi tính háo danh không được đáp ứng, con người sẽ trở nên bất công, tàn bạo. Vì chỉ ưa được dua nịnh, được tâng bốc, người ta không còn có thể chịu được những lời nói thật nữa. Ðó là mối nguy lớn nhất cho con người, vì dối trá đã trở thành lẽ sống, thành nhu cầu sinh tử mất rồi.

Một cái nguy lớn khác cho con người và cho xã hội, đó là thói nịnh hót. Vì ích kỷ, vì tư lợi, người ta sáng chế ra đủ mọi lời ca tụng, mọi cách tôn vinh. Ngoài xã hội và trong Giáo Hội đâu đâu cũng cảm thấy như nồng nặc bầu khí ô nhiễm bởi dối trá.

Trong Kitô hữu, chúng ta không phải không có những tâm hồn khảng khái như thi sĩ Philôxen, thà ở tù còn hơn là nịnh hót, thà mất mạng còn hơn chối bỏ sự thật. Thánh Thomas More nước Anh, chịu chết tử đạo để làm chứng cho chân lý không chịu khai gian dối.

Tuy nhiên, đấy phải là thái độ, là cách sống của tất cả những ai biết mình là môn đệ của Ðấng đã tự xưng mình "Ta là sự thật" (Ga 14:6). Và chính Ngài đã nghiêm nghị khuyến cáo: "Có thì nói có, không nói không. Thêm thắt đặt chuyện là do ma quỷ xúi giục" (Mt 5:37).

Mới đây Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với thông điệp "ánh sáng chân lý" công bố ngày 05 tháng 10 năm 1993 đã nói lên lập trường mới của Giáo Hội về chân lý, sự thật. Ðức Giáo Hoàng có ý ra thông điệp này sau khi ban hành cuốn giáo lý chung cho Giáo Hội hoàn vũ.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page