Truyện Vui Suy Niệm
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 45 -
Có Ðáng Chết Không
Ðám tang của Ayrton Senna, một trong những tay đua xe nổi tiếng thế giới, đã diễn ra tại Brazil như một quốc tang. Senna đã được người dân Brazil coi như biểu tượng của niềm tự hào dân tộc. Tại Sao Paulo, anh đã được chôn cất với nghi lễ và sự long trọng dành cho các vị nguyên thủ quốc gia. Chính phủ đã tuyên bố để tang anh ba ngày, và các đài truyền hình trong nước đã ngưng mọi hoạt động chương trình trong ngày để truyền đi cuộc đón rước linh cữu của anh tại phi trường Guarulhos ở Sao Paulo.
Một ngày trước đó, trên trăm ngàn người đã đứng xếp hàng dài đến hơn năm cây số để chào từ biệt thi hài của anh tại tòa nhà Quốc Hội, một số người đã lấy quốc kỳ phủ lên thân thể và bôi đen mặt của mình để biểu lộ nỗi tiếc thương.
Senna đã được người dân Brazil coi như một anh hùng dân tộc chỉ vì anh là một trong những tay đua xe nổi tiếng nhất thế giới. Anh đã ba lần đoạt chức vô địch quốc tế, và cứ sau một lần đua anh lại cố gắng phá vỡ kỷ lục cũ cho bằng được. Năm 1991, trong một cuộc phỏng vấn, Senna đã tuyên bố: "Tôi nghĩ rằng chúng ta phải khai thác cho hết những giới hạn của mình và giới hạn của máy móc".
Có lẽ vì Senna không muốn chấp nhận giới hạn của con người, nên đã dẫn đến cái chết trong một tai nạn vào ngày 1 tháng 5 năm 1994 tại cuộc đua xe có tên là "Công thức một" (Formula One - Grand Prix) diễn ra tại Imola ở Itala. Ðây là một cuộc đua xe vô cùng nguy hiểm và chỉ quy tụ các tay đua dám vượt qua tốc độ gần bốn trăm cây số một giờ. Một ngày trước đó, cũng tại khúc quanh nguy hiểm mà Senna ngộ nạn, danh thủ người Áo, Roland Ratzenberger đã qua đời.
Senna là biết rõ nguy hiểm đang chờ đợi anh. Nhưng phải chăng vì chính cuộc săn tìm tốc độ và danh vọng đã khiến anh lao mình vào cõi chết như một con thiêu thân. Nhiều người quy cái chết của anh cho những thiếu sót của kỹ thuật. Nhưng có ai tự hỏi một cái chết như vậy có phải là một cái chết đáng để chết không?
Người ta thường nói rằng cơn khủng hoảng trầm trọng nhất đối với giới trẻ nói riêng và đối với con người ngày nay nói chung đó là cơn khủng hoảng về ý nghĩa của cuộc sống.
Khi không còn tìm ra được một ý nghĩa, hay đúng hơn, một lý tưởng cho cuộc sống thì nhiều người hoặc tìm quên lãng trong men rượu, trong ma túy, trong tốc độ, hoặc trong những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng.
Quả thật, khi cảm thấy cuộc đời là phi lý, khi con người không còn tìm thấy một ý nghĩa nào nữa cho cuộc sống, thì dễ tìm đến cái chết bằng cách này hay cách khác như là chuyện xem ra hợp lý nhất.
Với ánh sáng đức tin, là những người Kitô hữu, chúng ta biết rằng ý nghĩa của cuộc sống chính là tình yêu. Nói như Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông Huấn về gia đình thì tình yêu là ơn gọi cơ bản và bẩm sinh của con người. Tình yêu là ơn gọi của con người, bởi vì con người đã được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa tình yêu. Do đó, tình yêu là lẽ sống, là lý tưởng, là ý nghĩa của đời người.
Cũng chính Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết trong Thông điệp "Ðấng Cứu Chuộc con người" như sau:
"Con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người sẽ mãi mãi không hiểu được chính mình và cuộc đời sẽ mất ý nghĩa nếu con người không đón nhận được mạc khải về Tình Yêu, nếu con người không gặp được Tình Yêu, nếu con người không biến Tình Yêu thành của mình, nếu con người không dự phần một cách mạnh mẽ vào Tình Yêu".