Truyện Vui Suy Niệm
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 41 -
Thà Chết Còn Hơn
Trong hai số liên tiếp ra ngày 18 và 25 tháng 4 năm 1994 tuần báo New Street đã nói nhiều về cái chết của ca sỹ nhạc Rock người Mỹ, Kurt Cobain, mà tuần báo này mệnh danh là thi sĩ của vong thân.
Ngày 5 tháng 4 năm 1994, Kurt Cobain đã dùng súng kết liễu đời mình trong nhà riêng ở Seattle thuộc tiểu bang Washington khi tuổi đời chưa tròn 30. Có lẽ anh đã đạt được sự giải thoát trên cõi Niết Bàn mà anh hằng mong ước. Thật thế ban nhạc do anh lãnh đạo có tên là Nirvana (Niết Bàn). Là một trong những bản nhạc Rock có số đĩa hát bán chạy nhất hiện nay tại Hoa Kỳ cũng như tại nhiều nơi khác trên thế giới.
Tại sao Kurt Cobain lại tìm đến cái chết?
Trong chúc thư để lại cho vợ là ca sỹ Courtney Love, được ghi trong băng, Kurt Cobain đã thu âm như sau: "Tôi không có cảm hứng để nghe cũng như sáng tác nữa từ nhiều năm nay. Tôi không còn một đam mê nào nữa. Bởi đó, xin các bạn hãy nhớ cho: thà chết còn hơn là tàn phai dần".
Ðó có lẽ là lý do đã khiến Kurt Cobain từ nhiều năm nay không ngừng tìm đến với ma túy. Trong một chuyến đi trình diễn tại Roma, ít lâu sau trước khi chết, anh đã ngất xỉu vì dùng quá nhiều ma túy. Nhưng đâu là nguyên nhân chính đã khiến người ca sĩ này bước vào con đường nghiện ngập? Thưa, chính là sự đổ vỡ trong gia đình.
Mẹ anh là một người nội trợ, chào anh là một tài xế tại một khu phố nghèo thuộc phố Washington. Năm anh lên tám tuổi, cha mẹ anh đã ly dị nhau. Ðó là một vết thương đầu đời không bao giờ lành trong tâm hồn anh. Từ đó, anh sống hướng nội và không ngừng gặm nhấm nỗi đau ấy. Trong các bản nhạc của anh, Kurt Cobain muốn làm người phát ngôn cho thế hệ của anh để nói lên nỗi đau mà đa số đều trải qua.
Cái chết của anh không chỉ là kết thúc của một nỗi khổ đau, mà còn là một tiếng kêu gào gửi đến tất cả những bậc làm cha mẹ. Những vết thương mà họ gây ra nơi con cái của họ là những vết thương khó lành.
* * *
Hội nghị về dân số và phát triển do Liên Hiệp Quốc triệu tập hồi đầu tháng 9 năm 1994 tại Ai Cập đã gây ra nhiều tranh luận sôi nổi. Ðức Thánh Cha và Tòa Thánh đã lên tiếng phản đối những lời đề nghị vô luân của một số chính phủ.
Nhiều người cho rằng dân số gia tăng là một do một cản trở cho việc phát triển và đồng thời dẫn đến các tệ nạn xã hội. Do đó, người ta chủ trương hạ giảm dân số bằng mọi cách. Nhưng tất cả những phương pháp ấy chỉ mở ngõ cho những khuynh hướng thấp hèn, ích kỷ trong con người và đưa đến sự đổ vỡ của gia đình.
Không ai chối cãi được rằng sự đổ vỡ của gia đình là giềng mối của không biết bao nhiêu tệ nạn xã hội. Do đó, mấu chốt của vấn đề chính là sức khỏe tinh thần của gia đình. Sức khỏe ấy không đương nhiên tùy thuộc vào tình trạng phát triển kinh tế của một quốc gia.
Một gia đình lành mạnh là một gia đình được xây dựng trên nền tảng đạo đức vững chắc. Có tất cả nhưng thiếu nền tảng ấy thì gia đình sẽ chỉ như là một ngôi nhà xây trên cát. Trái lại dù có vất vả, nghèo nàn, nhưng được xây dựng trên một nền đạo đức phẩm chất, gia đình sẽ không hề lung lay.
Nên tảng vững chắc ấy, đối với các tín hữu Kitô, chính là niềm tin mạnh mẽ vào tình yêu của Chúa. Nơi nào con người để cho tình yêu của Thiên Chúa ngự trị, nơi đó sẽ có an bình và hạnh phúc.