Truyện Vui Suy Niệm
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 35 -
Ra Khỏi Hang Ðộng
Cách thời đại của chúng ta khoảng 1,700 năm, có một người thanh niên quý phái giàu sang đã bán tất cả gia tài phân phát cho người nghèo rồi từ giã thân nhân vào sa mạc. Anh hăm hở đi mãi cho đến khi gặp được một hang động. Anh dừng lại nơi ấy và ở đây một mình với Chúa, không còn gì có thể lôi kéo anh ra khỏi nơi trú ẩn này nữa. Ðêm ngày anh cầu nguyện trong hang động tối tăm ấy.
Cuộc sống ẩn dật không phải là một nếp sống dễ giải. Người thanh niên phải trải qua không biết bao nhiêu cám dỗ. Anh mơ ước lại được ăn những món ăn ngon, được nằm trên chiếc giường sang trọng với chăn êm niệm ấm. Nhưng sau nhiều tháng ngày chiến đấu, anh đã thắng được tất cả mọi cơn cám dỗ. Giờ đây, anh không còn mơ ước gì nữa, Chúa là tất cả của anh. Người thanh niên ấy chính là thánh Anton ẩn tu.
Theo truyền thuyết, một hôm Chúa hiện ra với thánh nhân: "Con hãy rời khỏi hang động này vài hôm và tìm đến một thành phố. Tại đó, con hỏi thăm người thợ giày, gõ cửa và xin trú lại nhà ông vài ngày".
Vị ẩn sĩ rất ngạc nhiên về mệnh lệnh của Chúa. Nhưng ngày hôm sau, ngài vâng lời Chúa lên đường về thành. Sau một ngày băng qua sa mạc, thánh nhân đã tìm được nhà của người thợ giày. Nghe tiếng gõ cửa, một người đàn ông ra mở cửa và vui vẻ mời người khách lạ vào nhà. Không cần hỏi lý lịch của người khách lạ, người thợ giày bảo vợ chuẩn bị thức ăn và giường chiếu để tiếp khách.
Vị ẩn tu ở lại gia đình người thợ giày ba ngày, ngài đã hỏi thăm về gia cảnh nghề nghiệp và cuộc sống của người thợ giày. Người thợ giày cũng rất muốn biết về ông khách lạ. Nhưng vị ẩn tu đã tìm mọi cách để lẩn tránh những câu hỏi của chủ nhà.
Sau những ngày được gia đình người thợ giày ân cần tiếp đãi, vị ẩn tu từ giã và lên đường trở lại chốn ẩn tu của mình, trong lòng không ngừng thắc mắc tại sao Chúa đã sai mình đến ở với gia đình người thợ giày.
Sau khi vị ẩn sĩ yên ổn với cuộc sống quen thuộc của mình, Chúa liền hỏi ngài:
- Con thấy người thợ giày như thế nào?
Thánh nhân trả lời:
- Ông ta là một người đơn thành, quảng đại. Vợ ông sắp sinh một đứa con nữa, hai vợ chồng rất mực yêu thương nhau, Ông có một tiệm giày nhỏ đủ sống, ông ta làm việc rất siêng năng. Hai vợ chồng luôn chia sẻ tiền bạc và thức ăn cho những người túng thiếu hơn họ. Hai người có một lòng tin vững mạnh vào Chúa, họ cầu nguyện ít nhất mỗi ngày hai lần. Họ có nhiều bạn. Lại nữa, ông thợ giày là một người thích khôi hài.
Chúa chăm chú nghe lời báo cáo của vị ẩn sĩ và kết luận như sau:
- Antôn, con là một người thánh thiện, và vợ chồng người thợ giày cũng là những người thánh thiện.
* * *
Bài học của giai thoại trên đây đã được Công đồng Vatican II khẳng định trong số 40 của Hiến chế về Mầu nhiệm Giáo Hội. Công đồng dạy như sau: "Tất cả mọi Kitô hữu dù là bậc sống hay địa vị nào cũng đều được mời gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đức ái hoàn hảo".
Do đó, thánh thiện không phải là đặc quyền của một thành phần ưu tuyển nào. Không nhất thiết phải sống bậc tu trì mới nên thánh thiện mà ngay cả trong cuộc sống hôn nhân, mọi người đều được mời gọi nên thánh. Chỉ có một sự thánh thiện nhưng được thực hành dưới nhiều hình thức khác nhau. Thiết tưởng đó phải là xác tín của những người sống bậc vợ chồng.
Hơn ở đâu khác, cần phải có những đức tính phi thường, một sự can đảm cao độ, một lòng quảng đại sâu sắc, một sự nhẫn nhục kiên cường mới có thể sống trọn vẹn những cam kết trong cuộc sống hôn nhân và gia đình.
Bậc độc thân vẫn luôn là dấu chỉ ưu việt cho những thực tại của Nước Trời. Nhưng trong xã hội ngày nay, bậc hôn nhân lại càng là một chứng tích cao đẹp hơn.
Trong một quyển sách gọi là Phúc Âm Thánh Phêrô, khi có người hỏi Chúa Giêsu bao giờ Nước Trời đến, Chúa Giêsu trả lời: "Khi người nam và người nữ nên một".
Nên một trong yêu thương, trong phục vụ, trong xả kỷ hy sinh. Còn gì thánh thiện hơn, còn gì cao quý hơn, còn gì đáng khâm phục hơn.