Tường Thuật Hội Nghị Truyền Giáo Á Châu

tại Chiang Mai, Thái Lan(18-22/10/2006)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Tường Thuật Hội nghị Truyền giáo Á Châu do Liên hiệp Hội Ðồng Giám Mục Châu Á.

(tổ chức tại Chiang Mai, Thailand, từ 18 - 22.10.2006).

Hội Nghị được tổ chức tại Chiang Mai, Thái Lan, từ ngày 18 đến hết ngày 22/10/2006. Tổng số người tham dự là 1,047 người đại diện cho 25 nước thuộc các vùng Trung Á, Nam Á, Ðông Á và Ðông Nam Á. Có 5 vị Hồng Y, 69 Tổng Giám Mục và Giám Mục, 13 Ðức Ông, 385 linh mục, 190 nam nữ tu sĩ và 396 giáo dân (trong đó số nữ là 205 người). 43% người tham dự là người Thái. Ngoài ra còn có đại diện các tôn giáo bạn và các quan sát viên đến từ những quốc gia khác trên thế giới. Hội nghị được tổ chức tại Khách sạn Lotus Pang Suan Kaew Hotel, với hai sảnh đường lớn, nhà nguyện ở tầng 5, thính đường nơi diễn ra hội nghị có sức chứa hơn 2,000 người cũng là phòng triển lãm của các quốc gia. Văn phòng thư ký hội nghị và phòng báo chí nằm tại lầu 4. Trên tầng 5 cũng có một thính đường lớn tương tự như tầng 4. Vì khách tham dự khá đông nên các phòng ăn nằm trên cả bốn tầng được chia theo nhóm thảo luận. Lotus là một khách sạn lớn có 4 khu. Khu cao nhất là 13 tầng. Ngoài ra còn có một tháp đậu xe 10 tầng kế bên.

Chủ đề của Hội Nghị là "Truyện Chúa Giêsu tại Châu Á".

Ðức Tổng Giám Mục Salvatore Pennachio, Sứ Thần Tòa Thánh tại Thái Lan nói, "Hội Nghị lần này là một cơ hội hiếm hoi cho tất cả những ai tin Chúa tại Á Châu. Họ có dịp chia sẻ niềm vui và niềm phấn khởi của họ trong niềm tin vào Ðấng Kitô".

Còn Ðức Hồng Y Paul Poupard, Chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng về Văn Hóa lại cho rằng "Chủ đề của hội nghị thực sự thích hợp và thực tế. Ngài nói chủ đề đó sẽ thúc đẩy đời sống và sự phát triển của Giáo Hội tại Châu Á".

Ðức Thánh Cha Bênêđitô 16, trong thư gửi cho Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe, Tổng Giám Mục Thành Naples, Ðặc Sứ của Ðức Thánh Cha tại Hội nghị, đã viết như sau:

 

"Hiền Ðệ kính mến,

Do lòng thương của Vị Mục Tử, chúng ta là những người theo ý Chúa được trao cho nhiệm vụ tiếp nối công việc của Thánh Phêrô hướng dẫn Giáo Hội của Chúa. Chúng ta nhìn về Châu Á với niềm hy vọng lớn lao.

Tôi đã được thông báo về Hội Nghị Truyền Giáo Á Châu tại Thái Lan. Tôi rất sung sướng về sự kiện trọng đại này. Tôi gửi tới tất cả những vị lãnh đạo cũng như toàn Dân Chúa tại đó trái tim, trí óc và những lời chúc tốt đẹp nhất của tôi đến Hội Nghị.

Tôi cũng vô cùng sung sướng chấp nhận lời đề nghị của Hiền Ðệ kính mến, Hồng Y Michael Michai Kitbunchu, Tổng Giám Mục Bangkok. Hiền đệ đã khẩn thiết yêu cầu tôi gửi một Vị Hồng Y đại diện chính thức của Giáo Triều Roma tại Hội Nghị. Tôi tin rằng Hiền Ðệ sẽ là vị Ðặc Sứ thích hợp nhất của tôi. Hiền Ðệ Hồng Y Michai Kitbunchu cũng đã chính thức đề nghị Hiền Ðệ vì kinh nghiệm trong lãnh vực truyền giáo của Hiền Ðệ. Vì thế qua bức thư này, tôi bổ nhiệm chính thức Hiền Ðệ là Ðặc Sứ của tôi tại Hội Nghị Truyền Giáo Á Châu được tổ chức tại Chiang Mai, Thái Lan từ ngày 19 đến hết ngày 22 tháng 10 năm 2006.

Hiền Ðệ sẽ là Ðại Diện Chính Thức của tôi cho sự kiện hệ trọng này. Hiền Ðệ cũng sẽ chủ tọa những Nghi Lễ Phụng Vụ, trình bày về sự quan trọng của Hội Nghị và gửi tới phần đất Á Châu này tình yêu thương của tôi. Hiền Ðệ cũng sẽ thay mặt tôi chào đón các đại diện các Tôn Giáo và thành phần niềm tin khác tại Hội Nghị.

Về phần tôi, Hiền Ðệ thân mến, tôi ủy thác quyền đại diện của Hiền Ðệ trong tay Mẹ Ðồng Trinh Vô Nhiễm Nguyên Tội. Tôi cầu xin Người bảo vệ những Dân Tộc của lục địa vĩ đại này và nhờ Ðức Mẹ cầu xin Thiên Chúa Con của Mẹ ban ơn cho các dân tộc ấy sự đoàn kết dồi dào trong tinh thần.

Cuối cùng, tôi nhờ Hiền Ðệ chuyển giao Phép Lành Tòa Thánh biểu tượng cho Ân Sủng của Thiên Chúa làm chứng cho thiện ý của tôi và Nhân Danh tôi cho tất cả những người tham dự Hội Nghị với tất cả tình cảm rất trìu mến của tôi.

Làm tại Ðiện Gandolfo, ngày 20 tháng 9 năm 2006

Năm Thứ Hai của Triều Ðại Giáo Hoàng của tôi.

Giáo Hoàng Benedito XVI".

 

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã từng nhận định: "Thiên niên kỷ thứ nhất Thánh Giá được trồng trên đất Âu Châu, Thiên niên kỷ thứ hai Thánh Giá được trồng trên đất Mỹ Châu và Phi Châu, thì chúng ta có thể cầu xin trong Thiên niên kỷ thứ ba, Giáo Hội sẽ gặt được một mùa gặt lớn trên lục địa vừa rộng lớn vừa tràn trề sức sống (là Á Châu) này" (GHAC 1).

(Nguồn: Newsletter of the Catholic Bishops' Conference of Thailand, issn. 1905-6257 - Oct. 2006)

 

Ngày Tiếp Ðón: 18-10-2006

Các phái đoàn lục tục kéo đến Bangkok rồi Chiang Mai trong ngày 18-10-2006. Ðoàn Việt Nam gồm 15 người: 2 giám mục, 7 linh mục, 2 nữ tu, 1 thầy dòng Phanxicô và 3 giáo dân lên đường vào sáng ngày 18, đến Bangkok lúc 2 giờ và lên đường đi Chiang Mai lúc 3 giờ 25 phút. Ðoàn đến Chiang Mai lúc 4 giờ 35 phút. Ban tổ chức tiếp đón tại sân bay và tặng mỗi người một vòng hoa nhài chưa nở. Vì khách quá đông nên hai vị giám mục ở tại Lotus, các vị còn lại lên xe tút tút về khách sạn Chiang Kum cách Lotus 10 phút taxi. 6 giờ chiều cùng ngày hội nghị tập trung dùng bữa ăn tối. 7 giờ 30, giờ trình diễn âm nhạc Thái lan.

8 giờ tối, Ðức Hồng Y Sepe khánh thành khu triển lãm của các nước tại phòng họp chính. 9 giờ tối đại diện các nước (do ban tổ chức chọn) tiếp xúc với ban tổ chức hội nghị để thông qua những hướng dẫn cơ bản.

Phần đóng góp của đoàn Việt Nam tại phòng triển lãm gồm sáu posters đứng theo khổ qui định 0,9 x 1,8 m, một tượng Ðức Mẹ La Vang và một tập sách hình 20 trang, khổ 20x20cm giấy cứng in nhiều màu và hình ảnh giới thiệu về lịch sử giáo hội Việt Nam và các hoạt động truyền giáo mang tựa đề "Jesus In Vietnam". Tập sách này được chia sẻ cho các thành viên tham dự hội nghị và các khách tham quan. Ðức Hồng Y Sepe ngừng tại bàn triển lãm của phái đoàn Việt Nam mở tập sách hình xem từng trang và nói chuyện với các Ðức Cha và các thành viên trong đoàn. Ngài cảm ơn một lần nữa về chuyến viếng thăm Việt Nam của Ngài vào tháng 12.2005 vừa qua. Ngày thứ nhất trôi qua, toàn phái đoàn trở về khách sạn tập dượt dâng hoa cho đến 11 giờ đêm.

 

Lễ Khai Mạc, ngày 19-10-2006

Chủ đề: Truyện Chúa Giêsu nơi dân tộc Châu Á.

Ngày 19-10, Hội Nghị đã khai mạc trọng thể. Thánh Lễ do Ðức Hồng Ivan Dias, Tổng trưởng Thánh bộ Loan Báo Tin Mừng Chủ tế. Trong bài giảng, Ðức Hồng Y đã cầu xin Thiên Chúa ban phước lành cho những tham dự viên hội nghị. Ngài nói "Thiên Chúa đã quá yêu thương thế giới đến nỗi đã ban Con Một của mình xuống thế tại Á Châu". Ðức Hồng Y cũng nhấn mạnh đến sự có mặt của dân Chúa trên một lục địa rộng lớn nhất để "đối thoại với những người thiếu thốn, với những nền văn hóa khác nhau, cũng như những tôn giáo khác nhau. Chúng ta là những giáo hội còn trẻ, rất trẻ; những quốc gia còn trẻ, và những người Con Chúa còn rất trẻ so với thế giới". Ngài nói tiếp: "Hội nghị sẽ không phải là nơi đặt vấn đề tại sao, nhưng sẽ là nơi chứng minh sự hiện diện của Giáo hội trong khung cảnh phức tạp của Châu Á với nhiều tôn giáo, nhiều chủng tộc và nhiều nền văn hóa khác nhau. Tất cả dân Chúa vì thế chỉ có một nhiệm vụ cùng theo chân Chúa Kitô, một người Á Châu, để tiếp nối con đường của Người tại Châu Á".

Ðặc Sứ Tòa Thánh, Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe đã tuyên bố khai mạc Hội Nghị trước Nghi Thức Thánh Thể. Ngày đầu tiên Hội Nghị đã tập trung vào Chủ đề "Kể chuyện Chúa Giêsu tại Châu Á" đặc biệt về "Vai trò của những Cộng Ðồng Kitô Hữu Cao Niên và Cơ Bản (BEC, Elderly and Basic Christian Communities). Ðức Cha Lui Antonio G. Tagle, Giám Mục Imus, Philippin, trong bài nói chuyện linh động và hấp dẫn đã nhắc lại câu nói của Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: "Truyền giáo như một sự chia sẻ ánh sáng đức tin vào Chúa Giêsu, một món quà được trao ban và một món quà được chia sẻ với tất cả các dân tộc Châu Á (EA, 10). Vị Giám Mục trẻ tuổi (sinh ngày 21.6.1957), thành viên của Ủy Ban Thần Học Quốc tế tại Vatican, đã lôi cuốn khán giả bằng bài nói chuyện thâm thuý, đầy hấp dẫn với tám đặc tính của việc kể chuyện, và tám phương cách đề nghị để "Kể Chuyện Chúa Giêsu cho những dân tộc Châu Á" dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Buổi chiều bắt đầu lúc 2giờ 30 với hoạt cảnh trình bày Tiến trình Kitô Giáo có mặt tại Châu Á; 3 giờ chiều, Ðức Cha John Tong Hon, Giám mục Giáo Phận Xianggang, Hongkong, một nhân chứng cho giới cao tuổi của "Truyện Chúa Kitô", trình bày "Bảy Phép Lạ trong đời tôi". Ðức Cha đã cho khán thính giả thấy "phép lạ đầu tiên về cuộc đời tận hiến của ngài, phép lạ thứ hai liên can đến sự trở lại đạo của mẹ ngài, những việc làm cho những người thiếu may mắn, và đặc biệt những gian truân của cuộc đời những đồng bào Trung Quốc, trong đó có ngài, khi phải lưu lạc từ quê hương Trung Quốc sang Bắc Việt Nam, rồi Nam Việt Nam, rồi lại rời Việt Nam lên đường ngược về phương bắc, một số đến được Hongkong sau bao gian khổ. Ðức Cha nói: "Trước những nỗi thống khổ của cuộc sống phiêu lưu, nhiều người kêu khóc và tự hỏi tại sao Thiên Chúa lại thử thách họ nhiều như vậy. Tôi đã an ủi họ và tôi nói với họ rằng Chúa Giêsu cũng đã từng là một người tị nạn tại Ai Cập". Mỗi một "phép lạ" có thật trong cuộc đời thực sự của "Chứng nhân lớn tuổi John Tong" là một câu chuyện có thật lưu dấu chân Chúa Kitô. Ðức Cha kết luận: "Những chứng nhân tôi đã gặp hiện nay nhiều người đã 80 hay 90 tuổi, vẫn đang rong ruổi trên con đường gieo rắc Niềm Tin theo Dấu Chân Chúa Cứu Thế. Rất nhiều người vẫn như những Môn Ðệ Emmaus đã nhận ra Chúa trong những cố gắng hết sức nhiệt tình của những môn đệ già để giúp đỡ những người tin Chúa". Bài nói chuyện rất xúc động của Ðức Cha thay cho giới người cao tuổi được kết thúc với lời nhắn nhủ: "Ba điều quan trọng Giáo Hội tại Á Châu phải làm để chu toàn trách nhiệm phục vụ dân Chúa đó là phải dấn thân, phải đối thoại, và phải là những sứ giả của Tin Mừng".

Sau bài nói chuyện của Chứng Nhân sống, Ðức Giám Mục John Tong, bốn vị khác cũng đăng đàn để chia sẻ những kinh nghiệm sống niềm tin nơi những gia đình, cộng đồng cơ bản, với người lớn tuổi, và gia đình. Ðó là Nữ tu Margret Pereira, người Mã Lai, phụ trách cộng đoàn BEC tại Tổng Giáo Phận Kuala Lumpur và Giáo phận Penang và Melaka. Ðó là ông Lawrence Visagaran và vợ là bà Celine Fernandez, một người gốc đạo Hindu, cả hai đều làm việc cho những BEC tại Mã lai. Ông bà đã kể về những gian nan khi hai tôn giáo khác nhau, Hồi Giáo và Ấn Ðộ Giáo phải hòa hợp với nhau như thế nào trong một gia đình. Ðó là cô Edna Quinquero Khoo, người Phi luật tân, cũng làm việc cho các nhóm BEC tại Phi kể về những việc làm để giúp các gia đình xây dựng tổ ấm Nazarét.

- Vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày, thành viên 20 nhóm thảo luận đã gặp nhau bao gồm những thành viên chính thức và những quan sát viên tại những phòng họp đã được sắp sẵn. Ngày đầu tiên này nhắm vào việc giới thiệu và chia sẻ những kinh nghiệm riêng về câu chuyện Chúa Kitô trong đời sống thực của mỗi người. Trong lúc đó các vị Giám Mục gặp gỡ với Ðức Hồng Y Ivan Dias.

- 6 giờ chiều ngày 19-10-2006, Linh mục Julian Saldanha, người Ấn Ðộ, trình bày bài Suy Tư Thần Học về việc theo chân Chúa Kitô để làm chứng nhân Tin Mừng nơi Châu Á. Ngài cũng kêu gọi tất cả chúng ta "chia sẻ kinh nghiệm sống đạo trong khung cảnh Á Châu, đưa ra những chứng từ cá nhân về sự khác biệt mà niềm tin đã đem đến cho mỗi người, những thí dụ trong đó Thánh Thần đã tác động đến các cá nhân, các nền văn hóa và các tôn giáo, cũng như làm sao để bảo tồn những giá trị tôn giáo, văn hóa và gia đình Á Châu".

- 7 giờ 15 cơm tối.

- 8 giờ, hội nghị xem phần trình diễn văn nghệ của các học sinh sinh viên Thái về "Sự hình thành Giáo Hội tại Thái Lan". Một buổi trình diễn xúc tích và đầy màu sắc.

 

Thứ Sáu, 20-10-2006

Chủ đề: Truyện Chúa Giêsu nơi các tôn giáo Á Châu

Toàn thể tham dự viên hôm nay sẽ hướng sự chú tâm của mình vào vai trò của Chúa Giêsu nơi các tôn giáo khác của Châu Á. Sau Thánh lễ lúc 6 giờ và giờ ăn sáng, Hội nghị bắt đầu nghe trình bày về "Các tôn giáo tại Châu Á" lúc 9 giờ và sau đó là phần chia sẻ của đại diện bốn tôn giáo chính. Những tâm tình của các tín hữu Hồi Giáo, Phật Giáo, Ấn Giáo, Tôn giáo các bộ tộc và tôn giáo nguyên thủy. Những chứng nhân niềm tin lần lượt được trình bày với ông M. Abdus Sabur, người Bangladesh, một nhà khoa học và một người hoạt động tích cực cho việc loan báo Tin Mừng trong nhiều tổ chức quốc tế cổ vũ cho đối thoại giữa các niềm tin, các bộ tộc và các nền văn hóa khác nhau. Linh mục người Nhật Jean Tanaka, OP, gốc Shinto (Thần Ðạo) sau theo Ðạo Phật và chuyển sang Công giáo, đã kể chuyện nước Nhật với 1% người Công Giáo trong tổng số 223 triệu người Nhật. Chính giáo lý của Ðạo Phật như một khái niệm siêu nghiệm đã giúp Cha tìm về Công giáo. Chứng nhân thứ ba là ông Arvindaksha Menon, người Ấn Ðộ trong một gia đình Ấn Giáo sau lấy bà Omana Menon và cả gia đình theo đạo Công giáo vào năm 1997. Chứng nhân thứ tư là Ðức Hồng Y Telesphore Placidus Toppo, Tổng Giám Mục Ranchi (Jharksand) sinh tại Chainpur, theo tôn giáo bộ tộc Adhivasi. Ðức Hồng Y Toppo là người Adhivasi Á Châu đầu tiên được phong chức Hồng Y. Ngài đã từng là Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Ấn Ðộ và là Chủ Tịch của Văn Phòng Loan Báo Tin Mừng của Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC). Buổi sáng chấm dứt với Suy Tư Thần Học về Sứ Mệnh của Giáo Hội do Giáo Sư Prosper (Stanley) Grech, OSA, Giáo sư Thần Học tại Học Viện Kinh Thánh và Văn Chương các Giáo Phụ tại Vatican.

Phần chính trong ngày 20-10-2006 của Hội Nghị bắt đầu lúc 2 giờ là họp nhóm thảo luận về kinh nghiệm sống chung với các tôn giáo khác cũng như những hoạt động liên tôn giáo của thành viên. Tiếp theo là hai bài Suy Tư Thần Học của Linh Mục Savio Hon Tai Fai, SDB, Tiến sĩ thần học, một nhà thần học Á Châu, và Linh Mục James Kroeger, MM., một người chuyên hoạt động trong các cộng đồng Á Châu hải ngoại. Linh mục là người Mỹ hoạt động tại Phi luật tân. Sau bữa ăn tối là giờ cầu nguyện cho việc Truyền giáo bằng Chuỗi Mân Côi với các thứ tiếng Pháp, La tinh, Tây-ban-nha, Anh, Thái và chầu Thánh Thể.

 

Thứ Bảy, 21-10-2006

Chủ đề: Truyện Chúa Giêsu nơi các nền văn hóa Á Châu.

Ngày thứ ba của hội nghị tiếp tục câu chuyện đối thoại với các nền văn hóa Á Châu. Buổi sáng có năm nhân chứng chia sẻ niềm tin về năm lãnh vực khác nhau: chủ nghĩa tiêu thụ, truyền thông, di dân, thanh niên, và các quan hệ liên tôn giáo. Ông Paul Mary Suvij Suvaruchiporn, một nhà hóa học đã trình bày về khuynh hướng tiêu thụ trong xã hội hiện nay. Tiến sĩ Maruja Asis, người Phi-luật-tân, trình bày về vấn đề di dân. Cô Sherlyn Khong, người Singapore, trình bày về công tác với thanh thiếu niên qua các nhóm nhỏ tại giáo xứ. Ông Albertus Ajisyksmo, một nhà giáo người Indonesia thuộc Ðại học Công Giáo Atmajaya, trình bày về những cuộc đối thoại với các tôn giáo khác.

Trong buổi sáng thứ Bảy này, một sự kiện dành cho đoàn Việt Nam đó là trình bày về văn hóa dân tộc trong giáo hội tại Việt Nam.

Phái đoàn Việt Nam là phái đoàn duy nhất chào mừng hội nghị bằng một diễn nguyện mang màu sắc văn hóa: Dâng hoa.

Mười lăm phút diễn nguyện này được thực hiện bởi toàn đoàn 15 người: 2 Ðức Giám Mục nâng cao tượng Ðức Mẹ La Vang cao 95cm bằng gỗ pơmu, trước tượng là 12 thành viên trong quốc phục (áo dài khăn đống màu xanh cho nam, màu hồng - vàng cho nữ) xếp hàng từ cuối hội trường bước lên bục trong khi cha Joseph Bùi Hoàng được phân công đọc bài giới thiệu đã được phái đoàn sửa chữa lần chót ngày 16/10/2006 trước khi lên đường dự hội nghị. Trích đoạn lời chào và giới thiệu dịch ra tiếng Việt như sau:

"Các bạn thân mến, trước hết chúng tôi xin hân hạnh gửi đến tất cả các bạn những lời chào nồng ấm nhất của phái đoàn Việt Nam.

Hiện diện ở đây, chúng tôi hy vọng được chia sẻ đôi điều với các bạn trong ngọn lửa cháy bừng của đức tin, đức cậy và đức mến. Chúng tôi ghi nhớ rằng Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu hôm nay là một Ðại Hội tràn đầy ánh sáng và niềm vui. Ánh sáng của lời chúa, và niềm vui của Ơn Cứu Chuộc mà Thiên Chúa đã tuôn đổ trên loài người, nhất là trên các dân tộc Châu Á chúng ta.

Ðể nói lên tâm tình xúc động của chúng tôi về Ðại Hội này, chúng tôi mời các bạn cùng hiệp thông với chúng tôi trong một cử hành tiêu biểu của lòng đạo đức bình dân Việt Nam: Dâng Hoa.

Người Công giáo Việt Nam thường dâng lời chúc tụng Thiên Chúa và Ðức Maria với một cử hành gồm nhạc, nến, hoa. Cử hành này được cha ông chúng tôi sáng tác từ thế kỷ 18, như một cố gắng hội nhập văn hóa, một phương cách "kể chuyện của Thiên Chúa" bằng màu sắc.

Cuộc Dâng Hoa gồm có ba phần:

Trong phần thứ nhất, chúng tôi chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi, Ðức Mẹ và toàn thể các thiên thần và các thánh. Ðây là phần "ngũ bái".

Phần thứ hai là việc dâng năm sắc hoa: đỏ, trắng, xanh, vàng, tím. Mỗi màu hoa là biểu tượng của một nhân đức của Ðức Maria mà mọi người công giáo cố gắng bắt chước Mẹ trong cuộc sống của mình.

Phần thứ ba là lời tạ ơn, và xin Ðức Mẹ chuyển cầu để chúng tôi có thể sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa, ở "dưới đất cũng như trên trời".

Hôm nay, chúng tôi chỉ trình bày trích đoạn của phần hai: dâng ba sắc hoa đỏ, trắng, xanh. Xin mời các bạn cùng hiệp thông với chúng tôi".

Hơn một ngàn tham dự viên thinh lặng dõi theo tiếng hát và những điệu múa của các diễn viên dâng hoa "đã không còn trẻ" với tiếng vỗ tay không ngớt và những lời khen tặng tại các cuộc họp nhóm và hành lang hội nghị sau đó.

Buổi chiều dành phần lớn thời giờ cho các nhóm trao đổi về kinh nghiệm giao lưu văn hóa Kitô Giáo trong lòng dân tộc. Các nhóm đã trình bày những đổi thay của giáo hội theo các hoạt động và sinh hoạt văn hóa cũng như thay đổi lễ nghi, y phục để cùng hòa mình vào cộng đồng dân tộc.

- 5 giờ 30 chiều là bài Suy Tư Thần Học do Linh Mục John Mansford Prior, SVD, người Indonesia, Cố Vấn Cho Hội Ðồng Giáo Hoàng về Văn Hóa và là thành viên của văn phòng Loan báo Tin mừng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC).

Linh mục nhấn mạnh, "Trong khi toàn cầu hóa đang đe dọa nhấn chìm những nét văn hóa của các dân tộc về phương diện tôn trọng con người, đức từ bi, lòng trắc ẩn, sự lương thiện và yêu thương lẫn nhau như anh em một nhà thì Lời Chúa giúp con người thực thi một nền văn hóa đầy nhân bản tính. Một nền văn hoá hướng về tha nhân ngõ hầu có thể thoát khỏi một thứ trật tự xã hội (gọi là) thịnh vượng dựa trên "chủ nghĩa tiêu thụ mù quáng" (crass-crass-consumerism) và chủ nghĩa tư bản tham lam" (greed-induced capitalism)". Chính bên cạnh những xã hội đầy vật chất đó mà con người tìm thấy niềm tin như câu chuyện của một phụ nữ người Singapore có một cuộc sống máy móc và đầy đủ nhưng buồn chán đã kể về việc đi tìm Chúa sau khi đến thăm một khu nhà ổ chuột. Ðể có thể làm được điều đó, diễn giả đề nghị mỗi một Kitô hữu Á Châu nên diễn tả niềm tin của mình không phải bằng ngôn từ của "triết học Hy Lạp", nhưng bằng ngôn từ và triết học Á Châu bởi vì "chính nền văn hóa Á Châu sẽ làm phong phú niềm tin khi được diễn tả bởi chính nền văn hóa đó". Linh mục đề nghị "người Á Châu đọc Kinh Thánh theo cái nhìn của người Á Châu thay vì đặt mình trong cái nhìn và nhận thức của người phương Tây". "Chúng ta nên đọc Kinh Thánh trong đối thoại trực tiếp với đời sống, đặc biệt là với những người cùng khổ, thêm vào đó là một nhận thức sâu xa về tương quan văn hóa". Giữa những anh em thuộc tôn giáo khác tại Châu Á, người Kitô hữu sẽ nhận ra chính mình khi họ cùng với những anh em Hồi Giáo, Phật Giáo, Ấn Giáo... sống với nhau qua những việc xã hội cùng làm với những người anh em đó. "Chúng ta không bảo bọc niềm tin của mình, nhưng đem niềm tin đó vào đời sống với những anh em thuộc các niềm tin khác", linh mục kết luận.

Người Công Giáo Á Châu phải tạo lập một giáo hội không phải là Giáo Hội "trái chuối" (Banana Church), hay "trái dừa" (Coconut Church), nhưng phải tạo lập một Giáo Hội "Trái Xoài" (Mango Church) để cả bên trong và bên ngoài đều cùng một màu vàng như nhau, một giáo hội với sự cảm thông bên trong cũng như bên ngoài, một giáo hội "nối kết mọi niềm tin" vươn ra với xã hội bên ngoài, một giáo hội theo kiểu của tâm hồn người Châu Á. "Chính niềm tin Công Giáo giúp con người tìm thấy hạnh phúc trong sự đa diện của các nền văn hóa, và của các xã hội con người. Giáo Hội phải đi tìm "khuôn mặt của Chúa Kitô trong và qua các nền văn hóa Á Châu, phải cùng sống với những người nghèo khổ đang chiếm số đông tại Châu Á chúng ta". Trong cuộc hành trình đi tìm đất sống và phẩm giá của mình, "chúng ta thấy nơi các bộ tộc, các dân tộc thiểu số tiếng gọi Tông Ðồ để làm chứng nhân cho Tin Mừng của công lý, an bình, sự chính trực để sáng tạo". Cha Prior nói tiếp: "Những nhà truyền giáo làm việc với những người anh em khốn cùng đó đã khám phá ra rằng chính những giá trị văn hóa dân gian của các cộng đồng thiểu số ấy và giá trị của Tin Mừng có liên hệ mật thiết và soắn chặt với nhau".

- 7 giờ chiều là bữa ăn tối tại Hội Trường Ðại Hội. Sau đó là cuộc gặp gỡ giao lưu giữa các quốc gia với nhau trong quốc phục của từng nước, cuộc gặp gỡ thân mật dường như không muốn dứt.

 

Chủ Nhật, 22-10-2006, Ngày Bế Mạc Hội Nghị

Chủ nhật 22-10-2006 là ngày của nghi thức bế mạc chính thức. Hơn một ngàn nam phụ lão ấu thuộc Giáo Phận Chiang Mai đã có mặt. Và để tôn trọng người dân địa phương nhằm giao lưu dễ dàng, một vài phần trong nghi lễ được tổ chức bằng tiếng Thái.

- 6 giờ 45 là giờ cầu nguyện.

- 7 giờ ăn sáng.

- 8 giờ 15 những sinh hoạt văn nghệ chuẩn bị.

- 8 giờ 30, Linh mục Niphot Thienviharn và đoàn vũ Thái Lan trình bày Bước Chân Chúa Giêsu trên đất Thái và ba thế hệ người Thái, người công giáo bộ tộc và các nền văn hóa. Sau đó là phần tổng kết Hội Nghị bằng tiếng Thái.

- 10 giờ 15, nghi lễ bế mạc bắt đầu. Ðức Hồng Y Orlando Quevedo, OMI, đọc bản tổng hợp Hội Nghị. Linh Mục Mario Saturnino Dias, Thư ký Văn phòng Loan Báo Tin Mừng thuộc Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC) đọc lời cảm tạ.

- 11 giờ, Thánh Lễ Bế Mạc Hội Nghị do Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe chủ tế.

Ngày cuối đầy màu sắc. Như những môn đồ đầu tiên của Chúa Giêsu, sứ điệp mang tên của những tham dự viên từ Liban tới Nhật Bản, từ Kazakhstan và Mông Cổ tới Indonesia đều nghe được vô số những câu truyện đầy hứng thú, cho đến những câu truyện về cuộc sống, niềm tin, tính cách anh hùng, gương phục vụ, cầu nguyện, đối thoại và lời rao giảng: "Cả một tâm trạng tràn ngập niềm vui đến với mọi người".

"Câu truyện của Chúa Giêsu là 'xương sống' của mọi kinh nghiệm tạo nên một kho tàng truyện kể vĩ đại. Tất cả mọi màu sắc, con người, ngôn ngữ, văn hóa, các giá trị dân gian cũng như các sinh hoạt tôn giáo và nghệ thuật của con người Á Châu được diễn ra trên một tấm thảm vĩ đại. Giá trị của những câu chuyện Á Châu giúp xây dựng các quốc gia và cải đổi đời sống có liên quan dựa vào Tông Huấn 'Giáo Hội tại Á Châu' (Ecclesia in Asia) của Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II".

Chính Thánh Thần là "người kể chuyện vĩ đại nhất". Người hướng dẫn Giáo Hội trong mọi tình huống để liên tiếp kể chuyện qua những chứng từ làm thay đổi cuộc sống. "Nhiệm vụ của Giáo Hội là làm cho câu truyện của Chúa Kitô sống động, tạo nên những cộng đồng, biểu lộ tình yêu thương, thân mật với mọi người, để sẵn sàng vác Thánh Giá và làm chứng nhân sống động cho Con Người Giêsu".

Hội Nghị Truyền Giáo Á Châu (AMC) đã cung cấp một cái nhìn mới cho nhiệm vụ đối thoại với các dân tộc, các tôn giáo, các nền văn hóa của Á Châu. Mọi tham dự viên đều tự hứa "đem về quê hương mình những dấu ấn mới trong Câu truyện của Chúa Giêsu đặc biệt theo chiều hướng của người Á Châu.

- 12 giờ 30, bữa ăn trưa cuối cùng.

- 2 giờ chiều, Hội Nghị chia tay bế mạc.

 

Gs Trần Bá Nguyệt và Lm. Ngô Quang Tuyên

(Hiệp Thông số 38)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page