Phỏng vấn Ðức Cha Nguyễn Văn Nhơn

về Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu lần I

tại Chiang Mai, Thái Lan

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Phỏng vấn Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám Mục Ðà Lạt, về Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu lần I tại Chiang Mai, Thái Lan.

Ðà Lạt, Việt Nam (13/11/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu lần thứ I được tổ chức tại Chiang-Mai, Thái Lan, từ ngày 18 đến ngày 22 tháng 10 năm 2006, với sự tham dự của 1,000 đại biểu, gồm các Hồng Y các Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ và đông đảo anh chị em giáo dân. Tưởng cũng nên nói qua về Giáo Phận Chiang-Mai, nơi đón tiếp các đại biểu đến tham dự Ðại Hội. Chiang-Mai tiền thân là một giáo phận đại diện tông tòa đã được nâng lên thành giáo phận chính tòa vào năm 1969, cách thủ đô Bangkok 700 Km về phía Bắc, với tổng số dân gần 6 triệu, trong đó chỉ có 42,000 tính hữu công giáo tức là 0.7%. Giáo Hội Việt Nam là thành viên của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, nên từ rất sớm đã được mời tham dự Ðại Hội Truyền Giáo. Do sáng kiến của Thánh Bộ Truyền Giảng Tin Mừng được Ủy Ban Truyền Giáo của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu tổ chức. Vì là lần đầu tiên có một đoàn đại biểu chính thức tham dự Hội Nghị cấp quốc tế nên Ủy Ban Giám Mục về việc loan báo Tin Mừng đã cố gắng giới thiệu một danh sách với 15 thành viên gồm 2 Giám Mục, 7 Linh Mục, 3 tu sĩ và 3 giáo lý viên. Ðể chuẩn bị, các thành viên đã có rất nhiều cố gắng gặp gỡ và trao đổi, và cuối cùng cũng đem đến cho Ðại Hội một nét đặc sắc trong thực hành đạo, mang đậm nét Việt Nam, đó là việc dâng hoa kính Ðức Mẹ. Tại Ðại Hội, trong 10 phút cha sẻ, các thành viên Việt Nam trong y phục áo dài truyền thống dân tộc đã đưa dẫn mọi người vào bầu khí đạo đức của một thực hành đạo đức bình dân. Ðại Hội đã kết thúc hôm ngày 22 tháng 10 năm 2006, nhưng mãi đến nay, bạn Thụ Nhân mới được Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám Mục Ðà Lạt, trưởng phái đoàn Việt Nam tham dự Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu dành cho thời gian phỏng vấn. Mục thời sự hôm nay kính mời quý vị và các bạn theo dõi bài phỏng vấn này:

Hỏi 1: Thưa Ðức Cha, xin Ðức Cha cho biết ý nghĩa và mục đích của Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu lần này về chủ đề "Câu chuyện Chúa Giêsu ở Châu Á: Một cử hành đức tin và cuộc sống?

Ðáp 1: Theo thống kê, thì dân số tại Á Châu đã lên tới con số 3 tỷ rưỡi, chiếm 60% dân số toàn thế giới. Tuy nhiên số tín hữu Kitô chỉ là một đoàn chiên nhỏ bé. Vùng đất Á Châu cũng là vùng đất của đa ngôn ngữ, đa văn hóa, đa tôn giáo. Nhưng cũng là nơi Con Thiên Chúa đã chọn để Nhập Thể làm Người, để cứu chuộc con người. Vì Ngài là người Á Ðông và đối tượng trước mắt cũng là những người Á Ðông, cho nên Ngài hành xử theo cách người Á Ðông, có nghĩa là đi đến con tim trước rồi từ đó soi sáng cho lý trí' dùng những câu chuyện và dụ ngôn làm nền rồi sau đó dẫn đến chân lý, lấy chứng tá cuộc sống để chứng minh trước khi dùng lý luận để thuyết phục, v.v.... Vì thế Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu lần I làm nổi bật việc tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu như là cách thức thích hợp nhất để truyền giáo cho người Á Châu, trong đó có người Việt Nam. Là Thiên Chúa nhưng Ngài đã Nhập Thể làm Người để ở giữa loài người và đối thoại với con người. Chủ đề đối thoại nổi bật trong các bài tham luận, các chứng từ đối thoại với con người, cách riêng với người nghèo, đối thoại với các tôn giáo và đối thoại với các nền văn hóa. Nơi con người, tôn giáo và văn hóa đều có dấu vết của sự mạc khải, cho nên cần phải đối thoại để làm sáng tỏ những khía cạnh chứa đựng Tin Mừng. Trong đối thoại vừa có khía cạnh tôn trọng người khác, phong phú cho bản thân mình và thể hiện việc loan báo Tin Mừng.

Hỏi 2: Xin Ðức Cha cho biết những sinh hoạt chính của Ðại Hội?

Ðáp 2: Trong bốn ngày Ðại Hội, có những bài thuyết trình, những bài chia sẻ và những chứng từ. Trong phần này thì phải giỏi về Anh văn mới có thể bắt được hết. Rõ ràng có những bài thuyết trình được các tham dự viên hoan nghênh cách đặc biệt. Nhưng cũng phải công nhận có một số bài mà sự hưởng ứng không được nhiệt tình lắm. Ðối với tôi, các buổi chia sẻ nhóm từ 8 đến 12 người trong một nhóm và trong vòng 60 đến 90 phút, mang lại nhiều lợi ích hơn về việc trao đổi dễ hiểu hơn, cụ thể hơn và sống động hơn. Tôi cũng rất thích các buổi cử hành Kinh Sáng theo chủ đề Ánh Sáng, Nước và Màu Sắc. Dùng biểu tượng, hình ảnh và bài hát để ca tụng Thiên Chúa qua các kỳ công của Ngài và cũng để gây ý thức con người cần tin vào Thiên Chúa để sống dồi dào. Thánh Lễ khai mạc và bế mạc đưa chúng tôi vào trong lòng một Hội Thánh duy nhất, nhưng đa sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa. Tất cả mọi sinh hoạt đều luôn luôn hướng đến chủ đề phải loan báo Tin Mừng. Và loan báo Tin Mừng, trước hết là việc tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu, một Chúa Giêsu đã phục sinh và đang ở giữa chúng ta. Ngài hiện diện đặc biệt nơi người nghèo, và chúng ta cũng bắt gặp Ngài ở một khía cạnh nào đó nơi các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Và trên hết mọi sự, chính bầu không khí huynh đệ, cỡi mở, vui vẻ phục vụ bao trùm cả Ðại Hội trong suốt thời gian sinh hoạt và phải nói là làm việc cật lực với một chương trình dày đặc.

Hỏi 3: Phần đóng góp của Phái Ðoàn Việt Nam như thế nào, thưa Ðức Cha?

Ðáp 3: Trước hết phải công nhận đoàn đã có một sự chuẩn bị rất kỹ vì nhận thức rằng đây là một biến cố lớn vượt quá hiểu biết và khả năng của mình. Có nhiều cuộc họp chung và ai được phân công việc gì thì hết lòng thực hiện. Ðoàn (đại biểu Việt Nam) giữ một sự liên lạc với Ban Tổ Chức liên tục trong 6 tháng trước Ðại Hội. Nhờ thế Ðoàn được hướng dẫn rất tỷ mỹ và được giải đáp rất rõ ràng các thắc mắc. Tuy chỉ có 15 thành viên nhưng Ðoàn đã tham dự rất tích cực, đóng góp logo, gởi bài ca chủ đề, đăng ký tham dự triển lãm, đăng ký dâng hoa, làm tập sách lưu niệm với nhiều hình ảnh và bằng tiếng Anh, dày 20 trang khổ 15/20, trình bày lịch sử truyền giáo ở Việt Nam. Ðức Hồng Y cựu Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo - Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe, và Ðức Tân Tổng Trưởng Ivan Dias dừng rất lâu ở gian hàng triển lãm Việt Nam, sung sướng đón nhận tập sách lưu niệm và khen ngợi. Việt Nam cũng tham dự vào việc công bố Lời Chúa trong Thánh Lễ, xướng Kinh Truyền Tin, và đặc biệt cũng được chọn để hướng dẫn nhóm hội thảo. Nhưng kỷ niệm nổi bật nhất vẫn là việc Dâng Hoa cho Ðức Mẹ được Ðại Hội rất tán thưởng, vì cả 15 thành viên, trong đó có 2 Giám Mục cùng bước lên sân khấu dâng hoa và 13 thành viên còn lại trong y phục khăn đóng áo dài, múa hoa múa nến rất nhịp nhàng, dựa trên một bài vãn dâng hoa có từ thế kỷ thứ 19.

Hỏi 4: Thưa Ðức Cha, xác tín của Ðức Cha trong nỗ lực cộng tác truyền giáo là như thế nào?

Ðáp 4: Trước khi đi tham dự, tôi rất lo lắng, vì trách nhiệm trưởng phái đoàn và vốn liếng Anh văn còn yếu kém. Nhưng vào cuộc rồi thì bị cuốn hút bởi bầu khí đạo đức cỡi mở đón nhận, nên dần dần tan biến những mối lo âu và đã thật sự tham gia với lòng sốt sắng, và niềm tin Chúa Kitô Phục Sinh đang hiện diện và đồng hành với chúng tôi. Tôi cũng được một phần nào kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmau sau khi được Lời Chúa làm nóng bỏng tâm hồn để trở về nhà chia sẻ câu chuyện Chúa Giêsu.

 

Quý vị và các bạn thân mến, vừa rồi là bài phỏng vấn Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám Mục giáo phận Ðà Lạt, do Thụ Nhân thực hiện, cùng với Ðặng Thế Dũng và Minh Duy trình bày. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 

Thụ Nhân, Minh Duy và Ðặng Thế Dũng cùng thực hiện

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page