Truyền giáo, một công việc tiếp nối

và tham gia vào câu chuyện của Chúa Giêsu

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Bài Giảng của Ðức Hồng Y Ricardo J. Vidal, Tổng Giám Mục Sebu, Philippines, trong thánh lễ ngày thứ ba của Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu tại Thái Lan, (thứ Bảy 21/10/2006).

(Cvtđ. 13,44-49; Mc 7,24-30)

Trọng kính quý Hồng y, quý Giám mục, quý linh mục, tu sĩ nam nữ và toàn thể anh chị em trong Ðức Kitô.

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người đàn bà xứ Ca-na-an cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về câu chuyện của Chúa Giêsu khai mở thế nào trong khi Ngài thực thi sứ vụ rao giảng của Ngài. Người đàn bà xứ Ca-na-an đến gặp Chúa để xin Ngài chữa lành đứa con gái của bà đang bị quỷ ám. Bà đến với Chúa không do niềm tin thúc đẩy. Nhưng đến với Chúa trong tình huống hết sức ngặt nghèo. "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con", Chúa Giêsu trả lời. Ở đây, Chúa đã dùng câu chuyện của dân Do Thái, một dân tộc luôn hãnh diện là dân được tuyển chọn của Thiên Chúa. Ðối với dân Do Thái, dân ngoại bị khinh bỉ như là "lũ chó". Ðiều này tưởng như chấm dứt cuộc đối thoại, nhưng người đàn bà vẫn một mực nài xin. Bà khéo léo đưa chuyện của mình vào câu chuyện của Chúa Giêsu. "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống".

Chúa Giêsu đã không ngăn cản bà. Ngài cho phép bà tham gia vào câu chuyên của Ngài. Vì thế, câu chuyện của bà đã thành một phần của câu chuyện của Chúa Giêsu để mỗi khi chúng ta kể về Chúa Giêsu là chúng ta cũng nhắc đến chuyện của bà. Giả như Chúa chỉ kể riêng chuyện của dân Israel nói về chính họ thì chuyện của người đàn bà này đã không được nhắc lại trong Phúc Âm. Và không ai trong chúng ta biết được Chúa Giêsu đã làm những gì. Và chúng ta cũng không thể tham dự vào câu chuyện của Chúa Giêsu.

Trong bài đọc một hôm nay chúng ta cũng thấy cùng một tác động như vậy. Các tông đồ không thể rao giảng cho chính dân của mình. Các ngài bị từ chối và vì thế các ngài đã quyết định đến với những người ngoại giáo. Nếu các tông đồ nghĩ rằng câu chuyện về Chúa Giêsu chỉ xứng đáng kể lại cho những người cùng văn hóa với mình, cùng tôn giáo với mình thì câu chuyện ấy đã chấm dứt ở đây. Nhưng các ngài đã rao truyền câu chuyện của Chúa Giêsu cho mọi dân tộc đến tận cùng trái đất.

Khi Chúa Giêsu cho phép câu chuyện của người đàn bà trở thành một phần câu chuyện của Ngài, Câu chuyện của Ngài không hề bị thay đổi nhưng câu chuyện đã được tiếp nối. Cũng vậy, một khi chúng ta cho phép nền văn hoá khác trở nên một phần của câu chuyện của Chúa Giêsu là chúng ta đưa câu chuyện mở rộng thêm ra và vì thế câu chuyện được mãi mãi tiếp nối. Lịch sử Giáo Hội Á Châu được kể lại vào thứ Năm (19/10/2006) vừa qua là sự nối dài câu chuyện của Chúa Giêsu. Câu chuyện được diễn tả lại bởi các em thiếu nhi vào chiều thứ Năm (19/10/2006) vừa qua cũng là sự tiếp nối câu chuyện của Chúa Giêsu, lần này ở đây tại Thái Lan. Ðiều nguy hiểm không phải là câu chuyện của Chúa Giêsu sẽ bị biến đổi vì sự đồng hóa của các nền vân hóa. Trái lại câu chuyện của Chúa Giêsu không bao giờ đổi thay bởi vì người kể chuyện không ai khác chính là Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, chính do sự từ chối đón nhận những ưu điểm của các nền văn hóa khác sẽ có thể làm cho câu chuyện của Chúa Giêsu không được rao truyền nữa.

Các Kitô hữu được mời gọi để nói về Chúa Giêsu, nhưng trong khi kể chuyện, chúng ta cần phải lắng nghe những câu chuyện của các anh chị em từ các nền văn hoá khác nữa. Chúa Giêsu đã không chỉ lưu tâm đến câu chuyện của dân Ngài nói về chính mình. Ngài đã lắng nghe câu chuyện của người đàn bà và cho phép câu chuyện của bà được nối tiếp với câu chuyện của Ngài. Trong Tin Mừng có một từ để diễn tả về loại lắng nghe này. Ðó là "lòng thương". Lòng thương có nghĩa là "cảm xúc với - đồng cảm với". Có nghĩa là chúng ta cho phép người khác góp phần vào câu chuyện của chúng ta. Trong dụ ngôn người Samaritanô tốt lành, Chúa Giêsu hỏi người thanh niên rằng, "Ai là anh em của người bị cướp hành hung?" Câu trả lời "đó là người đã tỏ lòng thương với người đó" (Lc. 10:36,37). Và người Samaritanô tốt lành đó đã tỏ lòng thương như thế nào? Anh ta đã vượt ra khỏi cách ứng xử đời thường để săn sóc cho người bị nạn. Bằng cách đưa người bị nạn đến quán trọ và hứa với người chủ quán sẽ lo trả hết phí tổn cho việc săn sóc người này. Lòng thương chính là sự vượt ra khỏi cách ứng xử thường ngày để giúp đỡ anh chị em khi họ cần đến. Vị tư tế đã đi qua nhưng ông không muốn bất cứ ai có thể ngăn cản ông thi hành chức vụ tư tế của mình. Vì thế, ông đã tránh sang bên lề khác và bỏ đi. Người Lêvi cũng chẳng khá gì hơn. Chỉ có người Samaritanô là muốn đưa câu chuyện của người bị nạn trở thành câu chuyện của chính mình.

Ðể câu chuyện của Chúa Giêsu được mãi tiếp nối, chúng ta phải cho phép câu chuyện của những người khác trở thành chuyện của chính mình. Việc mời gọi người khác bước vào thế giới của riêng mình không luôn là việc làm ta dễ chịu tí nào. Chúng ta bố thí cho người ăn xin để họ khỏi phiền hà chúng ta. Cho đi thì dễ hơn là lắng nghe câu chuyện của người khác. Lắng nghe chuyện của người khác có thể làm chúng ta khó chịu, phiền nhiễu bởi vì chuyện của họ đòi hỏi chúng ta phải dây mình vào. Chúng ta không muốn dây dưa vào chuyện của người khác và thế là chúng ta bố thí cho những hội từ thiện nào đó. Chúng ta thích để đồng tiền lên tiếng nói cho chúng ta hơn là sẵn lòng đối diện trực tiếp với những ai cần chúng ta giúp đỡ.

Lắng nghe chuyện người khác còn có nghĩa là đôi khi chúng ta phải từ bỏ những câu chuyện mà chúng ta đã dựng nên cho chính mình. Chúng ta cũng có thể quy hướng về tương lai và kể chuyện của chúng ta ngay khi chúng chưa được hoàn tất trọn vẹn. Một nhà truyền giáo nào đó sẵn sàng làm theo ý bề trên ngay cả khi điều đó đi ngược lại với những ước vọng mong muốn của mình, cũng là một cách lắng nghe đòi hỏi sự tự hiến.

Mẹ chân phước Têrêsa Calcutta, trong một bài nói chuyện của mẹ, đã gây ấn tượng mạnh nơi một người ngoại giáo, một người (syncretist) đàn bà Mỹ, đến nỗi sau này chị ta đã trở thành người một thiện nguyện viên đắc lực cho Dòng của Mẹ tại thành phố Los Angeles. Ðây là những lời của mẹ Têrêsa đã đánh động tâm hồn chị:

"Tôi phải nói với các bạn rằng cả thời trẻ của tôi, tôi đã luôn băn khuăn buồn rầu về sự đau khổ của người nghèo. Bây giờ tôi đã là một người già và tôi có thể chia sẻ với các bạn điều tôi đã khám phá ra và điều này đã mang lại sự bình an cho trái tim tôi. Ðó chính là sự chiêm niệm, bởi vì trong thinh lặng bạn sẽ thấy rằng cầu nguyện là tiếng nói khiêm cung tận đáy lòng thì thầm với Chúa. Với Chúa bạn sẽ tìm ra một tình yêu vô biên và niềm khát vọng nẩy sinh từ tình yêu này sẽ hướng dẫn bạn đến việc phục vụ Ðấng Toàn Năng qua việc phục vụ dân Chúa. Trong tình yêu cho đi cách vị tha này sẽ cho bạn sự bình an."

Cầu nguyện sẽ dẫn chúng ta khám phá ra tình yêu vô biên của Chúa. Từ tình yêu vô biên này, niềm khát vọng phục vụ dân Ngài sẽ trổ hoa và chính trong tình yêu cho đi cách vị tha này cuối cùng chúng ta sẽ tìm ra sự bình an. Và cũng chính qua sự kinh nghiệm về lòng vị tha trong sự cho đi của chúng ta mà những người chúng ta phục vụ hy vọng sẽ tìm gặp được Thiên Chúa --- một Thiên Chúa yêu thương, lắng nghe, một Thiên Chúa qua mầu nhiệm nhập thể, cho phép câu chuyện của chúng ta dự phần vào chuyện của Ngài.

Xin Ðức Trinh Nữ Maria, ngôi sao của Tân Phúc Âm Hóa, luôn luôn soi đường cho chúng ta trong việc chia sẻ câu chuyện của Chúa Giêsu với các nền văn hoá khác.

 

Ðức Hồng Y Ricardo J. Vidal,

Tổng Giám Mục Sebu, Philippines

Thứ Bảy, 21/10/2006

 

(Peter Nguyễn Hùng Cường, MM, chuyển dịch Việt ngữ)

 

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page