Kể chuyện về tình yêu của Ðức Kitô
là 'bày tỏ' tình yêu của Ngài
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Các linh mục Thái Lan nói rằng cách kể chuyện về tình yêu của Ðức Kitô là 'bày tỏ' tình yêu của Ngài.
Bangkok (UCAN TH01380.1418 Ngày 6-11-2006) -- Người Công giáo có thể chuyển tải đức tin cách hữu hiệu nhất trong xã hội có đa số Phật tử này bằng cách bày tỏ tình yêu của Chúa Giêsu qua các việc làm vì lợi ích của tha nhân, các linh mục trên khắp Thái Lan cho biết sau Hội nghị Truyền giáo Á châu gần đây.
Khoảng 150 linh mục Thái Lan đã nhóm họp tại trung tâm đào tạo mục vụ của tổng giáo phận Bangkok để tham dự cuộc họp từ ngày 23-27/10/2006, với chủ đề: Kể Truyện về Chúa Giêsu tại Thái Lan. Ðây là cuộc họp tiếp theo sau hội nghị, được tổ chức từ ngày 18-22/10/2006 tại Chiang Mai, miền bắc Thái Lan, có gần 1,000 giáo dân, giáo sĩ và tu sĩ chú tâm vào chủ đề Câu chuyện Chúa Giêsu tại Á châu: Một Cử hành Ðức tin và Sự sống.
Cha Vorayuth Kitbamrung, thư ký Ủy ban Giáo sĩ Công giáo của các giám mục Thái Lan, tổ chức cuộc họp này. Ủy ban tổ chức họp hàng năm cho tất cả các linh mục trong nước để giúp các ngài cập nhật những phát triển của Giáo hội và tạo cơ hội cho các ngài cùng nhau suy nghĩ về tu đức và các vấn đề khác liên quan đến thừa tác vụ của các ngài.
Ở Thái Lan, các tu viện Phật giáo nằm rải rác khắp nơi và hầu hết người ta xem người Thái đều theo Phật giáo, tôn giáo có hơn 90% dân số, đạo Công giáo thường được xem là sasana farang, tôn giáo của người Tây phương.
Là một cộng đoàn nhỏ và ít được biết tới, người Công giáo nên để cho hành động của mình nói thay mình, theo cha Vuthilert Haelom đến từ giáo phận Chiang Mai, một trong các linh mục nói chuyện với UCA News sau khi cuộc họp kết thúc.
Ngài giải thích hôm 1-11-2006: "Chúng ta sống trong một xã hội Phật giáo -- không ai nghe tiếng nói của chúng ta. Tốt hơn là hãy tự thể hiện mình là người tốt. Chúng ta không cần mọi người cải đạo theo Công giáo. Chúng ta nên bày tỏ tình bằng hữu và tình yêu chân thật -- tình yêu cho đi mà không đòi hỏi bất cứ điều gì, giống như tình yêu của Chúa Giêsu".
Cha Chai Khanthahom thuộc dòng Chúa Cứu Thế viện dẫn cố Chân phước Têrêsa thành Kolkata (Chân Phước Mẹ Têrêsa Calcutta), người làm việc với người nghèo và người bị bỏ rơi trong đó có bệnh nhân phong, như là tấm gương sống thực sự chứng tỏ tình yêu của Ðức Kitô hơn là chỉ công bố tình yêu của Ngài.
Ðối với cha Gustav Roosens thuộc dòng Salesian, điều này có nghĩa là xây dựng các trường hướng nghiệp để người nghèo có thể học miễn phí và học các kỹ năng giúp họ tìm việc làm hay mở một doanh nghiệp. Cha Roosens làm việc ở miền nam, nơi mà "hầu hết người dân không được học hành, không có việc làm và nghèo khổ". Ngài cho biết, đôi khi làm việc với các tôn giáo khác có thể khó khăn.
Cộng đồng Hồi giáo chiếm thiểu số ở Thái Lan sống tập trung dọc biên giới với Malaysia. Họ chiếm đa số ở Pattani và Yala, nơi cha Roosens làm việc, và cận tỉnh Narathiwat. Tình hình bất ổn trong ba tỉnh này, chính phủ đổ lỗi cho người Hồi giáo ly khai, đã làm hơn 700 người thiệt mạng từ tháng 1-2004. Ngay cả các tu sĩ và giáo viên địa phương cũng trở thành mục tiêu của các vụ bắn giết, đánh bom và một vài vụ chặt đầu.
Cha Joseph Chusak Sirisut của giáo phận Ratchaburi đồng ý rằng "kể truyện" không phải là biện pháp đầu tiên, nhưng ngài nhận thấy rằng chia sẻ về các vấn đề tôn giáo là việc làm bình thường đối với người Thái. Vị linh mục đến từ miền tây Thái Lan nói: "Người Thái luôn hiếu kỳ khi một điều thú vị được chia sẻ với họ".
Cha Chusak đề nghị: "Trước khi chúng ta nói, chúng ta phải lắng nghe. Chúng ta nên đi từng bước một, hãy để người khác mở tâm trí họ và chia sẻ suy nghĩ của họ. Ðối thoại liên tôn nên bày tỏ lòng tôn trọng, và lòng tôn trọng sẽ được đáp đền".
Ngài nói thêm: "Trong quá khứ, chúng ta có 'cái nhìn của phương Tây' vốn xem tất cả các tôn giáo khác đều là lầm lạc. Nhưng sau Công đồng Vatican II, chúng ta đã thay đổi".
Nhiệt huyết của hội nghị truyền giáo vẫn còn hấp dẫn đối với cha Pornthavee Sorint của tổng giáo phận Tharae-Nongseng, đông bắc Thái Lan. Ngài nói: "Chúng ta phải chia sẻ Tin mừng cách hấp dẫn, hứng thú và sinh động".
Theo cha Vorayuth, cuộc họp nhằm mục đích giúp các linh mục truyền cảm hứng cho nhau bằng cách chia sẻ và cam kết.
Ngài nói: "Tại các cuộc họp này chúng tôi cần tất cả các linh mục tha thiết với công tác truyền giáo. Chúng tôi không lên kế hoạch phải làm gì tiếp theo, nhưng để cho các linh mục khám phá và thảo luận những thử thách, và suy nghĩ xem có thể áp dụng kiến thức hiểu biết như thế nào tại địa phương".
Thành viên ủy ban này nói thêm rằng Giáo hội cần tất cả các thành viên "làm chứng nhân và công bố Tin mừng, và bổn phận của linh mục là hỗ trợ họ".
UCAN