Ngày thứ hai của Hội nghị Truyền giáo Á châu

nhấn mạnh tôn trọng các tôn giáo khác

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Ngày thứ hai của Hội nghị Truyền giáo Á châu nhấn mạnh tôn trọng các tôn giáo khác.

Chiang Mai, Thái Lan (UCAN AS01314.1415 Ngày 21-10-2006) -- Nguyên ngày thứ hai của Hội nghị Truyền giáo Á châu hướng các tham dự viên chú ý đến các tôn giáo lớn của châu Á.

Hôm 20-10-2006, các tham dự viên tập trung vào chủ đề "Câu chuyện Chúa Giêsu nơi các Tôn giáo của châu Á". Giống như tâm điểm của ngày hôm trước, chủ đề này phản ánh chủ đề chung của hội nghị là "Câu chuyện Chúa Giêsu tại Á châu: Một Cử hành Ðức tin và Sự sống".

Ngoại trừ khoảng 50 trong 1,000 người tham dự hội nghị từ ngày 18-22/10/2006 tại Chiang Mai, cách Bangkok khoảng 700 kilômét về phía bắc, số còn lại đều đến từ châu Á.

Chương trình ngày 20-10-2006 tập trung đặt câu chuyện Chúa Giêsu trong bối cảnh các tôn giáo lớn tại châu Á. Sau bốn bài diễn văn chia sẻ đức tin vào buổi sáng, khoảng 20 nhóm thảo luận nghiên cứu các giá trị tích cực của các tôn giáo khác nhau vào buổi chiều. Các bài diễn văn và kết quả thảo luận được tổng hợp trong các bài suy tư thần học và được đặt trong bối cảnh của công tác truyền giáo.

Nổi bật trong phần chia sẻ đức tin là M. Abdus Sabur của Bangladesh đã nói về Hồi giáo, và linh mục Nhật Bản Jean N. Tanaka kể lại quá trình ngài cải đạo từ Phật giáo và Thần giáo sang Công giáo như thế nào. Tham gia chia sẻ với họ có Arvindaksha Menon của Ấn Ðộ, một người Công giáo trưởng thành từ Ấn giáo, nói về Ấn giáo, và Ðức Hồng y Telesphore Toppo của Ranchi, một người bộ lạc ở Ấn Ðộ, nói về nguồn gốc lịch sử và sự phát triển của Giáo hội người bộ lạc ở miền trung Ấn Ðộ.

Mỗi người kể một câu chuyện cảm động về quan hệ giữa đạo Công giáo và các tôn giáo khác phổ biến tại Á châu -- Ấn giáo, Hồi giáo, Phật giáo và thuyết vật linh.

Sabur, tổng thư ký của Mạng lưới Hành động Hồi giáo Á châu (AMAN, hòa bình), nói với hội nghị rằng người Kitô giáo và Hồi giáo cần bổ sung cho nhau và cộng tác với nhau để thúc đẩy hòa bình và công lý trên thế giới.

Nhà hoạt động Hồi giáo này còn nói rằng các công tác từ thiện của Kitô giáo đã thúc giục ông khuyến khích các bạn Hồi giáo tham gia các công tác như thế.

Cha Tanaka dòng Ða Minh cho biết ngài xuất thân từ một "gia đình nghiêm khắc về đạo đức" theo cả Phật giáo lẫn Thần giáo. Ngài nói với các tham dự viên: "Có thể các vị khó tưởng tượng, nhưng gia đình tôi có một bàn thờ Phật và một bàn thờ Thần giáo trong nhà". Ngài kể lại buổi sáng bố ngài đã dâng nước và gạo tại mỗi bàn thờ và người thân dẫn ngài đi chùa cũng như đến đền thờ Thần giáo. Ngài cho biết các kinh nghiệm này tạo lòng sùng bái tự nhiên "một thứ gì đó vĩ đại hơn con người" và dạy ngài lòng khoan dung, chấp nhận, bình an trong tâm hồn và hòa hợp.

Menon, xuất thân là một người Ấn giáo Ấn Ðộ thuộc đẳng cấp cao, mô tả ông được nuôi dạy học kinh thánh, hát thánh ca và tham dự các nghi lễ hàng ngày tại đền thờ như thế nào. Ông cho biết, "cuộc sống hạnh phúc và vui tươi" khi còn nhỏ và "sự huấn luyện về đời sống đạo đức" của ông đã giúp ông phát triển tính nhạy cảm và "tình yêu" đối với tha nhân.

Nhưng khi ông gặp những khó khăn về tài chính, ông lại quay lưng với Thượng Ðế và đi khắp nơi thuyết giảng cho hội người theo chủ nghĩa duy lý Ấn Ðộ đến khi ông tìm thấy ánh sáng trong các câu chuyện của Ấn giáo mà ông nhận thấy có thể so sánh với các câu chuyện trong Kinh Thánh.

Ðức Hồng y Toppo, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Ấn Ðộ, kể chuyện về linh mục dòng Tên Constant Lievens, thừa sai người Bỉ được ca ngợi là "vị tông đồ của Chotanagpur". Ngài viếng thăm hàng trăm ngôi làng bộ lạc trong một vùng miền trung Ấn Ðộ và hàng ngàn người bộ lạc đã theo đạo vào những năm 1880.

Ðức Hồng y Toppo giải thích rằng việc làm của cha Lievens "thành công chủ yếu là do ngài lắng nghe các câu chuyện của họ, kể chuyện về Chúa Giêsu bằng ngôn ngữ của họ, và sau đó thể hiện câu chuyện của Ngài trong cuộc sống".

Trong các bài suy tư thần học tóm tắt các cuộc thảo luận của ngày hôm đó, cha Savio Hon Tai-fai, cựu bề trên tỉnh dòng Trung Quốc của dòng Salesian đặt trụ sở ở Hồng Kông, nhận xét: "Giáo hội phải cấp bách giữ cho câu chuyện Chúa Giêsu sống động trong bối cảnh của rất nhiều truyền thống tôn giáo như thế và chú ý đến tính nhạy cảm về văn hóa của các truyền thống đó". Ngài còn nói về những vấn đề phức tạp từ "các thuyết tương đối" có khuynh hướng làm suy yếu đức tin.

Ðầu ngày hôm đó, linh mục dòng Augustinô là Prosper Grech trình bày một viễn cảnh về công tác truyền giáo. Ngài hướng người khác chú ý đến câu chuyện về Giáo hội sơ khai làm việc cho những người trở lại đạo trên khắp Bắc Phi, châu Âu và Tiểu Á.

Cha Grech nói: "Tôi không cần mô tả đầy đủ chi tiết cho các bạn... sự hy sinh mà người Rôma hay Hy lạp đòi hỏi phải có khi theo Kitô giáo. Những người trở lại đạo đã được sinh ra và nuôi dưỡng trong một nền văn hóa nào đó, trong một tôn giáo với những quy định về thực hành, niềm tin và phong tục tập quán, mà họ phải bỏ phần lớn các quy định đó khi cải đạo".

"Họ có thể đã nghĩ rằng họ đang từ bỏ thành bang của mình và ngay cả gia đình mình. Theo Kitô giáo họ buộc phải từ bỏ nguồn gốc của mình. Họ có thể bị xã hội khai trừ, trở thành một người xa lạ trong chính quê hương của mình, chưa nói đến kỷ luật đòi hỏi họ từ bỏ hành vi đạo đức trước đây của họ. Họ còn thường bị gia đình và các đồng nghiệp ngược đãi và xa lánh".

Cha Grech nhận xét: "Thế giới Á châu của các bạn không nhất thiết phải khác với thế giới của Phaolô và Gioan, nhưng phức tạp hơn rất nhiều... các bạn có rất nhiều nền văn hóa và tôn giáo trong khu vực, một số lâu đời hơn Kitô giáo nhiều và phong phú về mặt tinh thần hơn các tôn giáo của người Hy lạp và Rôma".

Ðối với những người tuyệt vọng, ngài dẫn lời tiên tri Ezekiel mệt mỏi chán nản báo trước với các bộ xương khô và việc các môn đệ của Chúa Giêsu cho dân chúng ăn từ năm chiếc bánh và hai con cá.

Ngài nói "Nếu các bạn cũng nói những lời tiên tri và hành động trong đức tin, Ðức Kitô Phục sinh sẽ ban Thần Khí của Ngài trên khắp trái đất và phép lạ này sẽ xảy ra. Nó sẽ xảy ra theo cách của Chúa. Một ngàn năm đối với Ngài giống như chỉ một ngày. Người ta nói rằng Thiên Chúa tạo nên những tác phẩm đẹp mắt bằng những đường cong. Người ta chỉ cần gieo hạt, và nó sẽ tự mọc".

Ðể kết thúc ngày hôm đó, các tham dự viên đã tham gia đọc kinh Mân côi Truyền giáo, đọc 10 kinh Mân côi cầu cho việc truyền giáo ở mỗi châu lục. Những người hướng dẫn đọc kinh Mân côi đến từ mỗi châu lục hướng dẫn đọc 10 kinh Mân côi bằng tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Thái, Ý và tiếng Anh. Giờ chầu Thánh Thể kết thúc ngày hôm đó.

Liên Hội đồng Giám mục Á châu đã tổ chức hội nghị này, đây là hội nghị đầu tiên thuộc loại này tại châu lục.

 

UCAN

 

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page