Khi nào châu Âu trở thành một Giáo hội nhỏ
họ sẽ nhớ đến châu Á
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Bài phỏng vấn - 'Khi nào châu Âu trở thành một Giáo hội nhỏ, họ sẽ nhớ đến châu Á'
Chiang Mai, Thái Lan (UCAN AS01330.1416 Ngày 24-10-2006) -- Một thần học gia Á châu nổi tiếng nói rằng Giáo hội tại Á châu có thể thể hiện cách làm chứng cho Ðức Kitô với tư cách là một Giáo hội thiểu số bằng con đường đối thoại.
Ðức Giám mục Luis Antonio Tagle của Imus, Philippines, thành viên của Văn phòng các Vấn đề Thần học thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), thừa nhận rằng đối thoại với các nền văn hóa và tôn giáo theo những nỗ lực truyền giáo trước đây đã gây căng thẳng trong Giáo hội. Những người ủng hộ đối thoại buộc phải chứng tỏ đối thoại hữu hiệu không chỉ trên lý thuyết mà còn trong thực tế.
Ngài nói chuyện với UCA News hôm 21-10-2006 trong khi diễn ra Hội nghị Truyền giáo Á châu lần thứ nhất từ ngày 18-22/10/2006 tại Chiang Mai, miền bắc Thái Lan, và tại đây ngài đã đọc diễn văn chính trước hơn 1,000 tham dự viên tu sĩ và giáo dân suy nghĩ về chủ đề "Câu chuyện Chúa Giêsu tại châu Á: Một Cử hành Ðức tin và Sự sống".
Ngài nói với UCA News rằng các văn kiện của FABC phát hành trong ba thập niên qua nêu rõ "cách hình thành Giáo hội" tại châu Á, vốn nhấn mạnh đến vai trò tông đồ của giáo dân, ưu tiên cho người nghèo, và đối thoại với người nghèo, các nền văn hóa và tôn giáo.
Ðức cha Tagle còn giải thích rằng đối thoại rất cần thiết cho công tác truyền giáo tại các vùng châu Á nơi mà trực tiếp rao giảng Tin Mừng có thể làm mất mạng. Tuy nhiên, ngài cũng nói rõ, không phải tất cả đều được kêu gọi tử vì đạo.
Kitô hữu chỉ chiếm khoảng 3% trong hơn 3,6 tỷ người thuộc các chủng tộc và văn hóa khác nhau ở châu Á. Các thừa sai gặp phải sự bắt đạo từ những kẻ cực đoan tôn giáo, chế độ độc tài và các tình huống nguy hiểm chết người khác.
Ðức cha Tagle, 49 tuổi, có ông bà là người Trung Quốc. Năm 1998, trước khi trở thành giám mục, ngài được chỉ định làm chuyên gia thần học tham dự Thượng hội đồng Giám mục Á châu. Hiện nay ngài là thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế ở Vatican và còn đứng đầu Ủy ban Giáo lý và Ðức tin của Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines.
Ngài được bổ nhiệm làm giám mục của Imus ngày 22-10-2001, và được tấn phong ngày 12-12 cùng năm (2001). Giáo phận của ngài trông coi toàn bộ tỉnh Cavite và đặt trụ sở cách Manila khoảng 50 kilômét về phía nam. Ngài sống với các chủng sinh trong giáo phận và các chủng sinh ngoại quốc đang học tại Chủng viện Mục tử Nhân lành.
Sau đây là cuộc phỏng vấn của Ðức cha Tagle với UCA News:
UCA News: Thưa Ðức cha, thế nào là truyền giáo, nhất là ở châu Á?
Ðức Cha Luis Antonio Tagle: Truyền giáo có nghĩa là đem Tin Mừng đến tất cả mọi người. Ðó là nội dung của Evangelii Nuntiandi (Truyền giáo trong Thế giới Ngày nay), do Ðức Giáo hoàng Phaolô VI viết năm 1975. Truyền giáo đem Phúc âm vào tất cả các lĩnh vực đời sống gồm lương tâm, gia đình, truyền thông, để Phúc Âm, chính là Tin Mừng, không bị che khuất. Nó tuyệt vời đến độ có thể đóng góp một điều gì đó cho mọi lĩnh vực đời sống.
Trong khi Giáo hội có cam kết chung về truyền giáo, thì có sự mâu thuẫn liên quan đến cách thực hiện. Làm sao chúng ta đem Tin Mừng đến cho người khác?
Nhiều năm qua, có một phương pháp truyền giáo phổ biến đó là trực tiếp công bố về Chúa Giêsu. Ðiều này có nghĩa là thuyết giảng theo nghĩa truyền thống của lời nói, liên quan chặt chẽ đến "thành lập" Giáo hội. Cách tính số người đã nghe Tin Mừng là có bao nhiêu người đã được rửa tội và khi nào bạn thành lập cộng đoàn.
Hỏi: Ðó có phải là vấn đề không?
Ðáp: Không ai thắc mắc về điều đó. Nếu nó có thể áp dụng trong trường hợp nào đó, thì áp dụng. Ðiều mà chúng ta đã nói ở đây tại châu Á trong 30 năm qua là có một số trường hợp ở châu Á cách công bố trực tiếp này không thể áp dụng được. Nó có thể phản tác dụng và vì thế chúng ta cần tìm các phương pháp truyền giáo khác.
Vấn đề ở đây là có một số người trung thành với phương pháp thuyết giảng trực tiếp và nghĩ rằng đối thoại trực tiếp với các tôn giáo và văn hóa khác của châu Á là phản bội truyền giáo.
Hỏi: Vì thế mà một số người thận trọng với phương pháp này phải không, thưa Ðức cha?
Ðáp: Thường thì sự bày tỏ nỗi lo sợ và thận trọng xuất phát từ một số nhân viên Giáo hội trước, họ lo rằng đối thoại có thể được dùng thay thế phương pháp thuyết giảng trực tiếp, vì thế họ sợ chúng ta có thể quá dễ dãi và cuối cùng quên Chúa Giêsu.
Tôi không trách họ. Ðược nhắc nhở về bổn phận của chúng ta là điều tốt. Và tôi đã gặp những nhân viên Giáo hội đánh giá cao tình huống lúc bạn giải thích với họ rằng bạn không bỏ phương pháp rao giảng trực tiếp, nhưng đối thoại là cách trực tiếp nhất mà bạn có thể làm trong một số tình huống.
Ở một số quốc gia châu Á, bạn bị cấm rao giảng. Nếu bạn không đối thoại trong những tình huống như thế, bạn có thể làm gì khác? Việc có thể làm là tử vì đạo và không phải ai cũng được kêu gọi tử vì đạo. Chúng ta kính trọng đối với những người có ơn huệ này. Nhưng một số người đang ở trong những tình huống phức tạp, chẳng hạn như ở Trung Quốc. Chúng ta không thể chỉ trích những người thuộc Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc bởi vì không phải ai cũng có thể bí mật. Chúng ta không thể nói rằng họ ít nhiệt tình truyền giáo hơn. Có thể đó là tất cả những gì họ có thể làm được.
Chúng ta nghe các nhân viên Giáo hội, ở châu Á và bên ngoài, nói rằng các học giả, tu sĩ và giáo dân cũng lo lắng về đối thoại. Nhưng tôi nghĩ rằng họ đang bảo vệ một hình ảnh của Giáo hội mà họ đã quen thuộc. Bởi hiện nay chúng ta đang ở trong một lĩnh vực mới, nên họ lại rất lo lắng.
Hỏi: Ðiều này có ý nghĩa thế nào đối với Giáo hội tại châu Á?
Ðáp: Tôi không thể trách họ. Tôi không thể chỉ trích họ. Họ đang làm như thế là vì họ yêu Giáo hội. Vì thế chứng tỏ không chỉ trên lý thuyết mà còn trong thực tế đối thoại thực sự là phương pháp hay có thể là phận sự của những người đang đề xuất đối thoại bởi vì đến lúc người ta nhận thấy sự lo sợ của họ là vô căn cứ... và rồi họ sẽ xem xét lại quan điểm của họ.
Bản thân tôi đã có kinh nghiệm về điều này. Tôi đã gặp gỡ một số lãnh đạo Giáo hội nói với tôi rằng họ lo lắng về những việc các giám mục Á châu đang làm và đang đề xuất.
20 năm sau, tôi gặp lại họ và họ nhận thấy thực trạng của châu Á và họ cũng đã thấy những người đã dùng phương pháp đối thoại và họ khiêm tốn tiếp xúc và vui mừng khi nói: "Giờ tôi đã hiểu được điều mà các giám mục châu Á đang làm". Ðó là lý do khiến tôi không tức giận khi hỏi tại sao họ không đối thoại? Tại sao họ không hiểu chúng ta? Tôi đã chứng kiến nhiều người thay đổi quan điểm của họ, nhưng điều này tùy thuộc vào kinh nghiệm của họ khi họ chứng kiến thực tại của châu Á và cả khi họ thấy giáo dân, linh mục ở châu Á tham gia đối thoại và đối thoại có kết quả.
Hỏi: Tại sao khó để cho người khác đánh giá cao đối thoại trong sứ mệnh truyền giáo?
Ðáp: Chính hiện nay, các phương pháp của chúng ta vẫn còn mơ hồ đối với họ. Nhưng khi thực trạng này bắt đầu, khi họ trở nên giống chúng ta, họ sẽ hiểu.
Một số người ở châu Âu lo lắng về đường lối truyền giáo ở châu Á, nói: "Tất cả việc anh làm là đối thoại". Tôi nói với họ, một ngày nào đó anh sẽ hiểu được việc làm của chúng tôi bởi vì đây là điều đang xảy ra ở châu Âu. Giáo hội đang nhỏ lại. Ở châu Âu Giáo hội bắt đầu với đa số. Trên thực tế cả châu Âu theo Kitô giáo. Hiện nay, Kitô hữu đang ít dần và các tôn giáo khác đang phát triển. Sẽ có lúc cộng đoàn Kitô hữu ở đó trở thành một "đàn chiên nhỏ", và rồi họ sẽ nhớ đến châu Á.
Và có thể đến lúc đó họ sẽ biết được cách chúng ta đã truyền giáo ở châu Á. Ðộng lực có thể khác nhau bởi vì họ bắt đầu với số đông, nhưng ở đây tại châu Á này chúng ta lại bắt đầu bằng thiểu số. Ở châu Âu họ đang trở nên nhỏ đi vì xã hội ngày càng trở nên đa tôn giáo, đa văn hóa do dân di cư, và nghèo đói đang tăng.
Hỏi: Hội nghị Truyền giáo Á châu lần này đạt được những gì về mặt truyền giáo, thưa Ðức cha?
Ðáp: Tôi nghĩ rằng hội nghị này sẽ kéo theo nhiều hội nghị nhỏ khác. Các đại biểu sẽ trở về quê hương và có thể khám phá ra một số vấn đề then chốt và đau thương của nạn nghèo đói và bạo lực giữa các nhóm khác tôn giáo. Họ sẽ có can đảm hơn để phân tích những câu chuyện đó đằng sau xung đột, khủng bố, thành kiến. Tôi nghĩ hội nghị này sẽ trang bị cho mọi người và sau đó họ sẽ theo đuổi các câu chuyện của họ và thêm vào một số trong các câu chuyện đó mà ở cấp địa phương chúng ta không nghe thấy.
Hỏi: Dường như Ðức cha rất chắc chắn về điều này?
Ðáp: Ðiều này chắc chắn xảy ra. Ðó là điều mà Kitô giáo nói đến. Nó làm bạn cảm thấy ưu phiền. Ðiều mà chúng tôi nói ở đây trong hội nghị này là biết Ðức Kitô, theo Kitô giáo chúng tôi -- đây là điều không đơn giản. Một Kitô hữu chân chính sẽ lo âu đến độ không thể không làm một việc gì đó về tình huống mà mình ý thức được. Ðây là việc không phải dễ. Ðiều này giống như phần chia sẻ thú vị của người phụ nữ đến từ Singapore kể về chuyến đi thực tế của bà đến một bãi rác ở Philippines. Sống ở Singapore, cảnh đói nghèo đối với bà chỉ là một khái niệm. Khi bà chứng kiến cảnh đói nghèo, toàn bộ nhân sinh quan của bà đã thay đổi.
UCAN