Hội nghị Truyền giáo Á châu lần thứ nhất

khám phá những ưu tiên dành cho

công tác truyền giáo và cử hành đức tin

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Hội nghị Truyền giáo Á châu lần thứ nhất khám phá những ưu tiên dành cho công tác truyền giáo và cử hành đức tin.

Bangkok (UCAN - AS01270.1415 Ngày 18-10-2006) -- Hội nghị Truyền giáo Á châu sẽ khai mạc tại Thái Lan nhằm thúc đẩy "hiểu biết mới" của Giáo hội về truyền giáo và vạch ra những ưu tiên cho công cuộc truyền giáo tại châu lục này.

Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) đang tiến hành tổ chức hội nghị truyền giáo đầu tiên cho châu Á từ ngày 19-22/10/2006 tại Chiang Mai, cách Bangkok khoảng 700 kilômét về phía bắc.

Cha Saturnino Dias, thư ký điều hành Văn phòng Truyền giáo của FABC, nói rằng hội nghị dự kiến "cử hành sự sống và đức tin" nơi Ðức Giêsu Kitô.

Tính đến 18-10-2006, hơn 1,000 người đến từ châu Á và các châu lục khác đã xác nhận sẽ tham dự hội nghị, theo Ðức ông Gilbert Garcera của ủy ban điều hành hội nghị.

Ðức hồng y Crescenzio Sepe, hiện là tổng giám mục của Naples nhưng là tổng trưởng của Thánh bộ Truyền giáo đến tháng 5 năm 2006, sẽ đại diện Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI tại hội nghị. Người kế nhiệm Ðức hồng y Sepe đứng đầu Thánh bộ này là Hồng y người Ấn Ðộ Ivan Dias cũng sẽ tham dự.

Tu sĩ và giáo dân đến từ Brazil, Canada, Chile, Ecuador, Libăng, Mexico, New Zealand, Úc, Ý, châu Ðại Dương, Liên hiệp vương quốc Anh và Mỹ đăng ký làm quan sát viên. Họ sẽ cùng tham gia với các giám mục, giáo lý viên, giáo sĩ, lãnh đạo giáo dân, tu sĩ, lãnh đạo giới trẻ và những người khác tham gia công tác truyền giáo chia sẻ chủ đề "Câu chuyện Chúa Giêsu tại châu Á - Một Cuộc cử hành Ðức tin và Sự sống".

Trên trang web chính thức của hội nghị www.fabc.org/asian_mission_congress, cha Dias giải thích rằng "mục đích chung" của hội nghị toàn châu lục này là "nhằm nâng cao nhận thức về truyền giáo nơi các Kitô hữu bằng cách giúp họ củng cố đức tin, nhận ra quyền và nghĩa vụ của họ với công tác truyền giáo, và tăng cường nhận thức về nhu cầu truyền giáo".

Thư ký văn phòng truyền giáo và là người điều phối hội nghị nói rằng sứ mệnh của Kitô hữu đã giúp thăng tiến đời sống cho các dân tộc bản địa, phụ nữ và những người sống bên lề xã hội. Ngài trích dẫn các văn kiện của FABC trong đó các giám mục Á châu thừa nhận nhu cầu chia sẻ Tin Mừng trong khu vực bằng cách "đối thoại liên tục, khiêm tốn và yêu thương" với những người châu Á nghèo khổ, các văn hóa địa phương và những truyền thống tôn giáo khác nhau.

3,6 tỷ người sinh sống ở châu Á, chiếm hơn 60% dân số thế giới, nhưng chỉ có 2,9%, hay 105 triệu người theo Công giáo. Trong đó có 60 triệu người sống ở Philippines và 17 triệu người ở Ấn Ðộ.

Ðức ông Garcera, đứng đầu các Hội Thừa sai Giáo hoàng quốc gia ở Philippines, nói với UCA News rằng các tham dự viên sẽ thảo luận kinh nghiệm đức tin về các chủ đề khác nhau "nhằm truyền cảm hứng cho công tác truyền giáo của Giáo hội tại Á châu, vốn thường được thực hiện trong hoàn cảnh khó khăn và thậm chí là nguy hiểm nữa".

Sau khi tham dự các phiên họp toàn thể, các tham dự viên sẽ chia thành các nhóm khoảng 50 người và sau đó là các nhóm nhỏ hơn gồm 10 người để chia sẻ suy nghĩ của họ về các đề tài đã được chọn.

Vào ngày 19-10-2006, Ðức Giám mục Luis Antonio Tagle của Imus, một thần học gia Philippines, sẽ đọc diễn văn chính sau các nghi thức tiếp đón được hướng dẫn bởi Ðức Hồng y Michael Michai Kitbunchu của Bangkok, và Ðức Tổng Giám mục người Philippines Orlando Quevedo của Cotabato, tổng thư ký của FABC.

Phần trình bày lịch sử xuất hiện của đạo Công giáo ở châu Á sẽ mở đầu cho phần chia sẻ đức tin của một giám mục, một nữ tu và ba giáo dân về kinh nghiệm của họ làm việc với người cao tuổi, các Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản và gia đình.

Sau các cuộc thảo luận theo nhóm, cha Julian Saldanha dòng Tên, một nhà truyền giáo học người Ấn Ðộ, sẽ tổng hợp các cuộc thảo luận bằng phần suy tư thần học về chủ đề trong ngày là " Câu chuyện Chúa Giêsu nơi các Dân tộc châu Á".

Các hoạt động trong ngày 20-10-2006 được tập trung vào Câu chuyện Chúa Giêsu nơi các Tôn giáo của châu Á. Một hồng y, một linh mục và hai giáo dân đã được chọn làm "người kể chuyện về đức tin" cho Ấn giáo, Hồi giáo, Phật giáo và các hệ thống tín ngưỡng bản xứ sau phần trình bày về các tôn giáo khác nhau tại châu lục.

Cha Prosper Grech dòng Thánh Augustinô, cố vấn cho Thánh bộ Giáo lý Ðức tin, sẽ bế mạc phiên họp buổi sáng bằng phần suy tư thần học về Sứ mệnh của Giáo hội để giúp tham dự viên chuẩn bị suy nghĩ cho các nhóm hội thảo vào buổi chiều.

Sau các buổi hội thảo, các bài suy tư thần học của cha James Kroeger dòng Maryknoll, chủ tịch Hội Nhà truyền giáo học Công giáo Philippines, và cha Savio Hon Tai-fai, bề trên Tỉnh dòng Salesian Trung Quốc ở Hồng Kông, sẽ bế mạc các phiên họp toàn thể trong ngày.

Câu chuyện Chúa Giêsu trong Văn hóa châu Á là trọng tâm của các hoạt động trong ngày 21-10-2006, có năm giáo dân và một linh mục trình bày về chủ nghĩa tiêu thụ, phương tiện truyền thông, di dân, giới trẻ và đối thoại liên tôn, phần cuối cùng có hai người trình bày. Các cuộc thảo luận trong ngày sẽ kết thúc bằng bài tham luận của cha John Prior dòng Ngôi Lời, giảng viên tại Ðại Chủng viện Thánh Phaolô ở Ledalero, Indonesia, trước phần "Grand Socialization" vào buổi tối trong đó nổi bật là các phần giới thiệu văn hóa của các quốc gia châu Á khác nhau.

Hội nghị sẽ kết thúc vào ngày 22-10-2006, Chúa nhật Truyền giáo, bằng cách tập trung vào Câu chuyện Chúa Giêsu trong Ðời sống Giáo hội tại châu Á. Cha Niphot Thianvian làm việc với người thiểu số và quản lý một nhà tĩnh tâm ở Chiang Mai, sẽ nói về thừa tác vụ của ngài với người bản xứ.

Các nghi thức bế mạc sau bài nói chuyện của ngài bao gồm phần tóm tắt hội nghị và phần đọc các nghị quyết của hội nghị. Các Ðức Hồng y Sepe và Dias sẽ chủ trì Thánh lễ bế mạc lúc 11 giờ trưa, trong đó sẽ có nghi thức "sai đi".

 

UCAN

 

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page